Truy cập hiện tại

Đang có 69 khách và không thành viên đang online

Bác Hồ dạy: Phải ra sức sửa chữa sai lầm, khuyết điểm!

(TGAG)- Ngay sau khi giành được độc lập, mặc dù phải dồn tâm sức lãnh đạo, xây dựng nhà nước công nông còn non trẻ, trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng trước những biểu hiện tiêu cực xuất hiện trong một số cán bộ, đảng viên, tháng 10 - năm 1945, Bác Hồ đã viết thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Trong thư, Bác khẳng định: “nhờ lãnh đạo khôn khéo mà chúng ta đã bẻ gãy xiềng xích nộ lệ, giành được độc lập tự do, thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa Chính phủ với nhân dân và những việc cần kíp phải làm để cho dân được hưởng hạnh phúc, tự do”. Và, Bác chỉ rõ: “Tất cả phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là để giành việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân… Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Ngoài ra, trong thư Bác còn chỉ rõ những lỗi lầm chính ở một số cán bộ, đảng viên, cụ thể là:

- Trái phép: những tên việt gian phản quốc chứng cớ rõ ràng thì phải trị đã đành, không ai trách được. Nhưng cũng có lúc vì tư thù, tư oán mà bắt bớ, tịch thu gia sản, làm dân oán thán.

- Cậy thế: cậy mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao làm vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân, quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.

- Hủ hóa: ăn uống cho ngon, mặc muốn cho đẹp, ngày càng xa xỉ, ngày càng lảng mạn, thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức.

- Tư túng: kéo bè, kéo cánh, bà con, bạn hữu mình không tài năng gì cũng chức này, chức nọ. Người có tài có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài.

- Chia rẽ: bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân dân hòa thuận với nhau, không chia già trẻ, giầu nghèo để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung.

- Kiêu ngạo: tưởng mình ở cơ quan của Chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mệnh” lên.

Từ đó, Bác đã yêu cầu: “Ai đã phạm những sai lầm trên phải hết sức sửa chữa, nếu không tự sửa chữa Chính phủ sẽ không khoan dung”.

Sau đó, trong thư gởi các đồng chí Bắc bộ, Bác Hồ đã tiếp tục chỉ ra những khuyết điểm đó là:

- Địa phương chủ nghĩa: chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực, vun đắp cho bộ phận ấy.

- Óc bè phái: ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe.

- Óc quân phiệt, quan liêu: khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở vùng đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh hẹ. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn át. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi.

- Óc hẹp hòi: tư tưởng hẹp hòi, thì hành động cũng hẹp hòi, nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi thì ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi không thể phát triển.

- Ham chuộng hình thức: việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai.

- Làm việc lối bàn giấy: thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay 5 ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công việc và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết cấp trên gởi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến.

- Vô kỷ luật - kỷ luật không nghiêm: việc nào dễ hay ưa thích thì làm, việc nào khó khăn, không ưa thích thì bỏ. Các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp. Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta.

- Ích kỷ- hủ hóa: giữ óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia. Có những  đồng chí lo ăn ngon, mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn lo việc công. Có những đồng chí hay có tính kiêu ngạo, tự mãn. Có đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này, việc kia, làm được hay không mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được.
Từ những khuyết điểm mà Bác đã chỉ ra, một lần nữa, Bác yêu cầu: “phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm” đó.

Nhắc lại những lời Bác dạy, có thể khẳng định rằng, những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên mà Bác Hồ đã chỉ ra cách đây hơn 70 năm đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Hiện nay, Đảng ta đang đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, thiết nghĩ mỗi cán, bộ, đảng viên hãy soi rọi lại mình, đồng thời khắc ghi lời Bác dạy: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”, và “phải kiên quyết khắc phục những khuyết điểm thì chúng ta mới đi đến hoàn toàn thắng lợi”./.

Lâm Giàu
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40581713