Truy cập hiện tại

Đang có 107 khách và không thành viên đang online

Học tập và làm theo Bác về phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên

(TGAG)- Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giáo dục đạo đức cách mạng một cách nhất quán, xuyên suốt từ những năm đầu cho đến tận cuối cuộc đời. Người nêu lên quan điểm đạo đức là cái gốc của người cán bộ cách mạng, mọi việc thành hay bại chủ yếu là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không. Với nhãn quan chính trị sâu sắc và tấm lòng của bậc vĩ nhân, Người dự báo, sớm thấy được tệ nạn tiêu cực sẽ xuất hiện trong một bộ phận cán bộ đảng viên nên Người đã viết nhiều tác phẩm giáo dục đạo đức cách mạng như Sửa đối lối làm việc, Đời sống mới, Đạo đức cách mạng...  Người không dùng trực tiếp khái niệm “suy thoái” đạo đức, lối sống nhưng đã đề cập đến rất nhiều căn bệnh khác nhau thể hiện sự suy thoái đó.

Người thẳng thắn đấu tranh với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, như “Óc hẹp hòi”, “Bệnh tham lam”; những biểu hiện của bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi như “Ham chuộng hình thức”, “Bệnh hữu danh, vô thực”, “Bệnh kiêu ngạo”; các biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình như “Óc quân phiệt quan liêu”, “Làm việc lối bàn giấy”, “Bệnh mệnh lệnh”; các biểu hiện thao túng trong công tác cán bộ “Óc bè phái”, “Kéo bè kéo cánh”... Người chỉ ra cần phải đấu tranh với những vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; những biểu hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với các đối tượng khác để  trục lợi.

Những dự báo của Người cũng chính là hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết số 04-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Đều này sẽ làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống có hiệu quả cần phải đề ra các biện pháp cụ thể, toàn diện và kiên quyết, từ hai góc độ: tổ chức Đảng và sự tự ý thức rèn luyện của cán bộ, đảng viên.

* Về phía Đảng, tổ chức Đảng: Tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền, xây dựng tinh thần chống suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Giáo dục nhằm xây dựng tinh thần phòng và chống, tăng cường ý thức trách nhiệm, đề cao vai trò phục vụ nhân dân, phục vụ  Tổ  quốc của đội ngũ cán bộ.

Phải “thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng”; phải “giữ nghiêm chế độ sinh hoạt và kỷ luật Đảng”. Kỷ luật của Đảng, trước hết là buộc mọi cán bộ, đảng viên phải tuân thủ nghiêm ngặt điều lệ Đảng, pháp luật nhà nước, sau đó là quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị nơi mình công tác. Đảng viên tuyệt đối không được độc đoán cá nhân, tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật.

Luôn đi liền với kỷ luật Đảng là công tác kiểm tra. Phương pháp kiểm tra phải được thực hiện từ trên xuống dưới, đặc biệt là phải kiểm tra từ dưới lên thông qua cán bộ, đảng viên, từng cấp tổ chức Đảng. Theo Bác, để thực hiện biện pháp kiểm tra, cần phải có 2 điều kiện: Một là, cần làm có hệ thống, thường xuyên, là công việc thường nhật của Đảng chứ không phải khi cần mới kiểm tra. Hai là, người đi kiểm tra phải là người có nhân cách đạo đức, có uy tín.

* Về phía người cán bộ, đảng viên: mỗi cán bộ đảng viên cần giải quyết một cách rành mạch, rõ ràng trong nhận thức tư tưởng vấn đề phải “đặt lợi ích của cách mạng của Đảng, của dân lên trên hết, trước hết”. Điều này thể hiện tinh thần “trung với nước”, “hiếu với dân”, ý chí và quyết tâm cao cả dám hy sinh quên mình phấn đấu theo lẽ sống cao đẹp... phải “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”, phải có thái độ kiên quyết rõ ràng để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, không được có thái độ “lừng chừng”.

Cán bộ, đảng viên phải “đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân” và thật sự là tấm gương sáng, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực để ra sức phục vụ tốt hơn cho Đảng, cho cách mạng.

Trúc Hồ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40116819