Truy cập hiện tại

Đang có 87 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Không ai được xuyên tạc lịch sử dân tộc

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2015), từ nước Mỹ, tác giả Thu Tứ (Đoàn Thế Phúc) đã gửi tới Báo Nhân Dân bài viết này. Bài viết không chỉ thể hiện thái độ khách quan của tác giả trước một số sự kiện trọng đại của đất nước trong thế kỷ 20, mà còn là suy tư nghiêm túc, là điều tâm huyết của ông đối với tương lai dân tộc. Được sự đồng ý của tác giả, trong hai số báo ra ngày 31-3 và 3-4, chúng tôi khái quát và trích đăng bài viết giới thiệu với bạn đọc.

Không ai được xuyên tạc lịch sử dân tộc ! (Kỳ 1)

Trong phần đầu bài viết, tác giả Thu Tứ bàn về ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp giành lại nền độc lập dân tộc từ tay thực dân Pháp. Ông cho rằng: "May cho đất nước, bất chấp hoàn cảnh cực kỳ đen tối, một đảng phái khác vẫn tích cực hoạt động, bắt rễ sâu trong lòng quảng đại nhân dân, kiên trì chờ đợi ngày phất cao một ngọn cờ máu khác. Khi cuộc trường kỳ kháng chiến do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bắt đầu ngày 19-12-1946, phương tiện chiến tranh của ta vẫn thua sút địch hết sức nghiêm trọng"; đặc biệt ông khẳng định: "Do một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt, trong lòng dân tộc đã nảy sinh đến năm thành phần gây trở ngại cho nỗ lực kháng chiến. Năm thành phần này không tồn tại trong bất cứ cuộc chống ngoại xâm nào sau Ngô Quyền".

Theo ông, năm thành phần đó gồm: những người Việt Nam hợp tác với giặc, giúp giặc đàn áp kháng chiến và cai trị thuộc địa; một số người Việt Nam bám theo giặc vì quyền lợi riêng..., nhiều người giàu cũng yêu nước, nhưng điển hình yêu đời sống vật chất thoải mái của mình hơn; những người Việt Nam không thiết tha với kháng chiến hoặc vì ý thức quốc gia bị lung lay hoặc vì không cảm thấy hiện diện áp bức của giặc hoặc cả hai; những người Việt Nam không thiết tha với kháng chiến vì nghĩ văn hóa của giặc ưu việt; những người Việt Nam chống cộng. Và ông cho rằng: "Tóm lại, đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam được đại đa số nhân dân ủng hộ là một thiểu số phức tạp, trong đó không phải ai cũng xấu. Nhưng rất nhiều cá nhân đã lấy chiêu bài chống cộng để che đậy cái động cơ thực đằng sau thái độ hững hờ với kháng chiến hay hành động hợp tác với giặc của mình. Thực ra, cái chiêu bài ấy có giá trị gì đâu, vì nó đặt việc chống một chủ nghĩa lên trên việc chống ngoại xâm!".

Trong khi khái quát và phân tích các vấn đề theo ông là yếu tố thuận lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tác giả nhấn mạnh vấn đề: "dân tộc Việt Nam đã vừa có lãnh đạo chính trị ngoại lệ, vừa có chỉ huy quân sự đặc biệt tài năng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu được quốc tế công nhận là chính trị gia và tướng lĩnh xuất sắc bậc nhất trong lịch sử thế giới. Đào Duy Anh trong hồi ký viết cuối đời khi nhìn lại giai đoạn lịch sử đất nước cực kỳ khó khăn đã gọi Hồ Chủ tịch là "người lãnh tụ thiên tài" (Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh năm 1989). Người lãnh tụ ấy đã vận dụng Chủ nghĩa cộng sản mà tổ chức đông đảo nhân dân thành lực lượng hết sức lợi hại trong một cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn quốc, toàn diện, có phối hợp chặt chẽ, khác hẳn tất cả những cuộc khởi nghĩa trước nó". Sau đó, với tiêu đề Một ngày lịch sử như thơ, tác giả mô tả niềm tự hào, kiêu hãnh của toàn dân Việt Nam trong ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), và ông viết tiếp:

Làm nốt công việc còn lại

Chiến thắng Điện Biên Phủ của lực lượng kháng chiến Việt Nam đã buộc đế quốc cổ điển Pháp phải chấp nhận mất một thuộc địa béo bở, sau khi đã tổn thất rất nặng nề. Nó phải ngậm đắng nuốt cay mà về nước, nhưng trước khi rút nó lại giúp đế quốc ý thức hệ Mỹ thực hiện một trò ma. Trò ma diễn tiến như sau: Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định sẽ có tổng tuyển cử nhưng ở miền nam, ngụy quyền "Quốc gia Việt Nam" - tay sai Pháp, lấy cớ không ký Hiệp định để từ chối hợp tác tổ chức tuyển cử, đồng thời tuyên bố "lập quốc" trên nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở vào, rồi tổ chức bầu cử gian lận trên lãnh thổ cái gọi là "Việt Nam cộng hòa" để "hợp pháp hóa" chính phủ Ngô Đình Diệm. Tại sao lại thay "Quốc gia Việt Nam" bằng "Việt Nam cộng hòa", thay Bảo Đại bằng Ngô Đình Diệm? Bởi cả tên "nước" lẫn tên người đều quá tai tiếng.

Ai cũng biết "Quốc gia Việt Nam" chỉ là sản phẩm từ mưu mô của Pháp để lại dùng người Việt đánh người Việt y như trước kia, là bình mới đựng thứ rượu cũ rích vốn chứa trong cái nước An Nam chịu làm "con đế quốc". Còn Bảo Đại thì đầy tai tiếng, vì hết làm vua bù nhìn đến làm quốc trưởng bù nhìn của hai "nước" không có thực ấy. Vừa chào đời, chính phủ Ngô Đình Diệm được thế lực đẻ ra nó và đồng minh lập tức công nhận. Sinh xong rồi dưỡng: Mỹ viện trợ toàn diện, Pháp chuyển giao vũ khí. Nó tức thì ra tay tận diệt tất cả mọi chống đối, biến miền nam thành một tiền đồn của khối tư bản theo đúng kế hoạch của Mỹ. Nó khoe khoang "miền nam tự do", nhưng thử hỏi không có Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân đánh đuổi Pháp thì trên toàn lãnh thổ của nước Việt Nam có một tấc đất tự do nào hay không? Vậy nhưng thành tựu bao nhiêu người hy sinh anh dũng mới đạt được, lại bị một thiểu số theo giặc lợi dụng để giành cai trị nửa nước.

Ngay từ đầu, khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, Nhà nước Việt Nam đã biết dã tâm của địch. Nếu đủ sức, sau Điện Biên Phủ ta đã tiếp tục đánh cho đến khi quân Pháp xô nhau xuống tàu về thẳng, chứ đâu nói chuyện với họ, và phải chấp nhận một số điều kiện của họ. Nhưng tương quan lực lượng, nhất là trong tình hình siêu cường Mỹ lăm le can thiệp, không cho phép làm thế. Lãnh đạo ta đành phải miễn cưỡng chấp nhận tạm ngừng nỗ lực chiến tranh ở đây, chờ thời cơ thuận lợi hơn mới bắt tay làm nốt phần công việc còn lại là thống nhất đất nước.

Thời cơ không phải đợi lâu. Chẳng những không hề đại biểu cho toàn thể nhân dân miền nam, chính phủ Ngô Đình Diệm thậm chí cũng không đại biểu cho gần trọn cái "tiểu quần chúng" ở miền nam (trong đó có những kẻ vốn ở miền bắc sau Giơ-ne-vơ đã vội vã di cư vào nam). Vì chỉ nắm được một phần của "tiểu quần chúng" mà chính phủ Ngô Đình Diệm bị phe nhóm khác lật đổ. Đảo chính rồi lại đảo chính, liên miên, mãi mới tạm ổn định nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn chỉ là đại biểu của một thiểu số, đã thế lại nổi tiếng tham nhũng! Bản chất rất không xứng đáng của nó, cùng với tinh thần hy sinh cao độ của những người quyết tâm thống nhất đất nước, là lý do khiến "Việt Nam cộng hòa" không thể tồn tại lâu bất kể trời bom, biển đô-la và rất nhiều máu lính Mỹ mà chính phủ Mỹ đã đầu tư qua mấy đời tổng thống!

Trong tác phẩm Cuộc chiến tranh thực sự xuất bản năm 1980 với nội dung là tình hình địa chính trị đương thời, khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam, cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon (Ri-chác Ních-xơn) đã dùng khái niệm "những quốc gia non trẻ". Quốc gia non trẻ nào?! Ở khu vực ấy chỉ có một quốc gia lâu đời hơn chính nước Mỹ, bị Mỹ ỷ mạnh xông vào cắt ra làm hai, dựng lên một chính quyền thiểu số cai trị cái gọi là "quốc gia"! Năm 1997, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara (Mắc Na-ma-ra) gặp nhau, Đại tướng nói với Mắc Na-ma-ra rằng: "Các ông thua vì (...) không hiểu gì về văn hóa Việt Nam" (theo Trần Ngọc Thêm trong bài Đánh giá của Đại tướng về vai trò của văn hóa Việt vô cùng đúng đăng trên trang vanhoahoc.edu.vn). Sự dốt nát về lịch sử, văn hóa của một vùng đất khác trên thế giới đã làm một siêu cường phải đại bại dưới tay một nước nhỏ yếu.

Tại sao phải làm việc ấy ?

Chính quyền miền nam có nguồn gốc ô nhục là cái ngụy quyền làm tay sai cho Pháp trong thời dân tộc Việt Nam đánh Pháp. Nó lại bản thân bất xứng. Thế là đã quá đủ lý do khiến nó phải thôi tồn tại. Nhưng thực ra trước tiên, trên tất cả, là cái đòi hỏi rằng đất nước phải thống nhất. Dân tộc Việt Nam suốt bao nhiêu thế hệ hy sinh xương máu mới mở được nước đến chừng này, không phải là để cho nước bị chia hai! Chỉ có một dân tộc Việt Nam, một đất nước Việt Nam. Gọi hành động thống nhất là "xâm lược" là có vấn đề cơ bản về ý thức quốc gia dân tộc!

Đi mà hỏi người Pháp, người Mỹ xem họ có chịu để cho nước Pháp, nước Mỹ bị chia hai hay không! Đi mà hỏi nếu đất nước họ bị chia hai, khi một bên có cơ hội làm được cái việc thống nhất thì có nên cố hết sức làm hay không! Bị chia lâu ngày sẽ rất khó nhập lại làm một. Thời Trịnh - Nguyễn hai chúa nhưng chỉ một vua, hai Đàng nhưng chỉ một nước, vậy mà Đàng ngoài - Đàng trong cũng đã sinh dị biệt không nhỏ. Huống chi sau 1954, bắc - nam mỗi miền một chính thể. Phải thống nhất trước khi thống nhất không còn có thể thực hiện được. Trò chuyện với vài bạn trẻ nhân dịp về nước ăn Tết Ầt Mùi mới đây, có bạn đã hỏi chúng tôi không biết người Hàn Quốc với người Triều Tiên là một hay hai dân tộc! Nghe rồi nghĩ đến chuyện đất nước mình mà thấy dân tộc Việt Nam thật đã hết sức may mắn...

Không ai được xuyên tạc lịch sử dân tộc! (Tiếp theo và hết)

Làm xong việc ấy vẫn chưa xong!

Đã nêu rằng trong cuộc đánh Pháp, số không ít những kẻ hợp tác với giặc là một khó khăn không gặp trong khoảng 1.000 năm kể từ Ngô Quyền, phải đi ngược về thời Bắc thuộc mới gặp. Nhưng cái sự khó chịu xảy ra sau tháng 4-1975 sắp nói tới sau đây thì trong lịch sử lâu dài của dân tộc chưa từng có: một số người Việt Nam chạy qua nước khác ở rồi chửi bới om sòm và tìm mọi cách lật đổ Nhà nước Việt Nam! Họ là ai? Đại khái, đều ở trong "cái tiểu quần chúng" như đã trình bày, nhiều người phục vụ trong chính quyền Sài Gòn, một số làm việc cho các cơ quan Mỹ ở Việt Nam. Họ chỉ là một thiểu số trong hàng mấy triệu đồng bào đang sống ở nước ngoài, nhưng ồn ào hơn hẳn bao nhiêu người khác.

Do đâu mà có mấy triệu Việt kiều? Ngoài việc trực tiếp di tản ngay một số người Việt Nam, trong một thời gian khá dài chính phủ Mỹ đã mở rộng cửa nước Mỹ cho những người "tỵ nạn chính trị". Chính sách này kết hợp với chênh lệch kinh tế khổng lồ giữa Mỹ và Việt Nam khiến xảy ra hiện tượng hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi, mà trong đại đa số trường hợp động cơ đích thực là kinh tế chứ không phải chính trị. Gần một trăm năm Pháp thuộc, chiến tranh đánh Pháp, đánh Mỹ, rồi chiến sự ở Cam-pu-chia, chiến sự và áp lực quân sự ở biên giới phía bắc, kinh tế chưa kịp đổi mới, quá khứ và hiện tại đã cùng nhau khiến điều kiện vật chất ở nước ta khi đó hết sức khó khăn. Trong khi nước Mỹ nổi tiếng đặc biệt giàu có. Thế là bao nhiêu người liều chết ra đi. Ngoài cách vượt biên hết sức nguy hiểm, về sau có thêm hai cách bỏ nước an toàn là thông qua Chương trình ra đi có trật tự và quy định "đoàn tụ gia đình" cố hữu của luật di trú Mỹ. Ngoài Mỹ, một số nước phương Tây khác cũng mở cửa, tuy không rộng như Mỹ, cho người Việt Nam vào định cư. Vào đầu thập kỷ 1990, khi Đông Ấu và Liên Xô đại biến động, một số người đang học tập hay lao động trong khu vực ấy đã không trở về nước, làm tăng thêm số Việt kiều trên thế giới. Ngay cả sau khi kinh tế đất nước bắt đầu cải thiện, một số người Việt Nam tuy điều kiện vật chất đã khá dễ chịu, vẫn bỏ nước để qua ở chỗ sướng hơn. "Định cư ở nước ngoài" thì con cháu mình trở thành người nước ngoài, là việc đau đớn, thế mà... Có người bỏ nước vì lý do kinh tế rồi qua Mỹ lại huyên thuyên về bất đồng chính trị. Nhưng đa số không nói gì cả và chắc chắn có những người lấy sự xa quê làm bất đắc dĩ, lòng vẫn luôn hướng về Tổ quốc.

Trở lại với thiểu số Việt kiều nói trên. Suốt 40 năm nay, họ ngày đêm tiến công Nhà nước Việt Nam. Về quá khứ, họ xuyên tạc cơ bản diễn biến lịch sử và vu khống lãnh đạo thời đánh Pháp, đánh Mỹ. Về hiện tại, những người này giả mù trước tất cả những thành quả tốt đẹp đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà tập trung hoàn toàn vào những tiêu cực do họ công phu sưu tầm, họ phê phán tình hình đất nước ta căn cứ vào những tiêu chuẩn của phương Tây, họ vu khống lãnh đạo đang tại chức. Trong một thời gian dài, những lời hết sức nặng nề chứa những lẽ hết sức vô lý cùng những trò thêu dệt "nước lã khuấy nên hồ" không đi tới đâu cả. Nhưng gần đây nó bắt đầu chứng tỏ có tiềm năng, có thể gây hại đáng kể cho đất nước.

Thoạt tiên kẻ thù "đánh" trên báo chí tiếng Việt ở nước ngoài do họ làm chủ hoặc kiểm soát. Rồi một số gia nhập những đài phát thanh quốc tế thù địch. Sau khi liên mạng ra đời, nhiều kẻ mở trang mạng riêng để tự mình phổ biến những nội dung phản động. Cuộc cách mạng kỹ thuật thông tin cùng với việc Nhà nước Việt Nam phát triển một xã hội dân chủ, công bằng và phát triển các phương tiện truyền thông đã làm cho kẻ địch bỗng nhiên có một phương tiện hiệu quả để trực tiếp phổ biến các luận điệu thù địch. Một thiểu số bé nhỏ bỗng nhiên được nói to hơn lên gấp trăm lần!... Kẻ thù ở hải ngoại đang lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của đất nước mà cấu kết chặt chẽ với một thiểu số bất mãn trong nước để bắt đầu kín đáo tiến công bằng cả sách báo quốc nội!

Về cơ bản, những kẻ ấy mơ đánh lại một cuộc chiến tranh họ đã thua... Kẻ thù hải ngoại đang sống ở những quốc gia giàu mạnh. Họ vừa hưởng điều kiện vật chất tốt vừa được che chở, khuyến khích, giúp đỡ để hoạt động đánh phá Nhà nước Việt Nam, họ sẽ rất vui vẻ tiếp tục đánh phá cho... đến chết!

Đôi lời với những người bất mãn

Áp lực từ phương Tây và cách mạng kỹ thuật thông tin dĩ nhiên cũng có lợi cho thiểu số bất mãn trong nước. Họ cũng được có cái tiếng to hơn hẳn kích thước của mình. Và vì "kẻ thù của kẻ thù là bạn", rất tự nhiên, họ liên kết với kẻ thù hải ngoại. Ở đây, có lẽ không cần phải nêu rõ từng thành phần, mà chỉ cần phân biệt động cơ xấu và tốt. Động cơ xấu là trả thù, tranh giành quyền lực. Động cơ tốt là quan tâm đến tình hình đất nước. Đối với những kẻ có động cơ xấu, chúng tôi không có điều gì để nói. Chỉ đối với những người, như họ nói là "thực sự vì việc chung", chúng tôi mới xin có đôi lời.

Các ông muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay bằng chính thể dân chủ kiểu phương Tây: các ông cần thôi ngay ảo tưởng về phương Tây! Ở phương ấy, văn hóa tinh thần đã xuống tới tầm cỏ, quan hệ cá nhân cực kỳ lủng củng, xã hội đầy bạo động, ngày càng đông những con bệnh tâm thần và chênh lệch giàu nghèo liên tục gia tăng. Cái ảo tưởng Tây cái gì cũng hay là có nguồn gốc ở thế thượng phong tuyệt đối về vật chất mà phương Tây đã đạt được. Nhưng thế thượng phong ấy là nhờ khoa học, chứ không phải nhờ chính thể dân chủ. Nên nhớ châu Ấu thời đế quốc vàng son không hề dân chủ như bây giờ. Khoa học đã ra đời và lớn lên trong những chính thể từ độc tài tuyệt đối cho tới dân chủ hạn chế! Khoa học có lớn nhanh bất thường ở Mỹ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng đó là nhờ rất nhiều tiền của và chất xám bên châu Ấu dồn qua trong và sau chiến tranh, chứ không phải nhờ nước Mỹ thực thi dân chủ cực đoan. Dân chủ cực đoan chỉ có vai trò giúp xã hội Mỹ rất nhanh chóng trở nên sa đọa... Bên châu Ấu, dân chủ cực đoan cũng gây hại y như ở Mỹ. Cả phương Tây đang hết sức cần tự sửa mình, nhưng vẫn còn mù quáng tiếp tục hung hăng muốn bắt cả thế giới lấy mình làm gương! Tây chỉ có một cái hay ta phải bắt chước là khoa học.

Các ông bất mãn yêu nước không được theo kẻ thù hải ngoại phê phán việc xảy ra trong nước Việt Nam căn cứ vào những tiêu chuẩn của cái ý thức hệ mà một bộ phận nhân loại đang bằng mọi cách cố áp đặt lên toàn thể nhân loại. Đặt quyền cá nhân lên trên lợi ích tập thể là ý riêng của Tây chứ không phải là ý Trời! Các ông không được tìm cách thay đổi chính thể trong khi rõ ràng chưa có một chọn lựa nào ưu việt. Nhưng làm gì thì làm, tuyệt đối không ai được đi giúp kẻ thù hải ngoại xuyên tạc lịch sử dân tộc. Vì như thế là xúc phạm đến hy sinh to lớn của nhân dân, đến vong linh của bao nhiêu liệt sĩ.

Thiểu số chống cộng bảo những người cộng sản Việt Nam đặt ý thức hệ lên trên Tổ quốc. Điều ấy không thể đúng được, vì chẳng hề có lúc nào những người cộng sản phải chọn giữa ý thức hệ và Tổ quốc! Liên Xô không bao giờ và Trung Quốc trong khung thời gian ấy, không hề là một đe dọa đối với nước Việt Nam (vốn đã mất cho đến ngày 2-9-1945). Một số người Việt Nam yêu nước bôn ba hải ngoại tìm cách cứu nước, thấy tiềm năng nơi chủ nghĩa cộng sản nên đem nó về, tuyên truyền thuyết phục nhân dân Việt Nam theo nó, chỉ có thế thôi. Sự thật là những người cộng sản Việt Nam đã vừa chọn chủ nghĩa cộng sản vừa làm tốt cả hai việc phục hồi Tổ quốc đã mất và nối lại Tổ quốc bị chia hai. Chính những kẻ nhất định chống cộng cho bằng được, cho đến nỗi trước không tham gia kháng chiến hoặc theo giặc đàn áp kháng chiến, sau rước hàng nửa triệu quân Mỹ và cả bao nhiêu quân chư hầu Mỹ vào cố giữ nước chia hai, chính những kẻ ấy mới đã đặt ý thức hệ (hay quyền lợi, niềm tin tôn giáo) lên trên Tổ quốc!...".

------------------------
(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân
Theo: Nhân dân điện tử
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40681404