Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Lâm Thanh Hồng
- Được đăng: Thứ sáu, 27 Tháng 5 2016 08:37
- Lượt xem: 13854
(TGAG)- Đến An Giang, miền đất hiền hòa thân thương giàu lòng mến khách, trong tuyến tham quan các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh, nhiều du khách đã đến và tìm hiểu về nền văn hóa Óc Eo thuộc Vương quốc người Phù Nam xưa (hiện nay nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn).
Trải qua tiến trình lịch sử, cư dân nơi đây đã khai khẩn đất đai, đấu tranh với kẻ thù xâm lược để giữ gìn non sông bờ cõi, xây dựng và phát triển cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Để có được độc lập tự do hạnh phúc hôm nay, đã có biết bao mồ hôi công sức và cả máu xương những chiến sĩ cách mạng, của đồng bào đồng chí đổ xuống mảnh đất này. Và cũng chính nơi đây đã sản sinh người Anh hùng liệt sĩ - Lâm Thanh Hồng.
Anh Lâm Thanh Hồng sinh ngày 11/12/1957 tại ấp Trung Sơn, xã Vọng Thê (nay là thị trấn Óc Eo), huyện Thoại Sơn. Gia đình sống bằng nghề nông. Thời kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, cha và chú anh đều tham gia kháng chiến; đến thời chống Mỹ, 3 người cậu anh lần lượt hy sinh. Xuất thân từ một gia đình yêu nước trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) anh thoát ly làm cách mạng. Khi biên giới Tây Nam sôi sục máu lửa do bị kẻ thù xâm lấn, anh đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ, lên đường cầm súng chiến đấu với quân thù bảo vệ Tổ quốc. Ngày 23/01/1978, sau khóa huấn luyện anh được bổ sung vào đơn vị Trung đoàn 162 An Giang trực tiếp chiến đấu với quân thù. Các trận đánh ở Cả Côi, Khánh Bình, Khánh An, Đồng Ky, Nhơn Hội (An Phú)… anh đã cùng đồng đội lập công xuất sắc. Quá trình chiến đấu anh có sự tiến bộ vượt bậc: một tuổi quân giữ chức cán bộ Trung đội trưởng, năm tuổi quân anh được thăng hàm sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.
Thành tích tiêu biểu xuất sắc của anh là vào tháng 10/1978, anh cùng 3 cán bộ đại đội và cán bộ tiểu đoàn thực hiện nhiệm vụ trinh sát trận địa của địch ở mương Tám Sớm thuộc xã Phước Hưng, huyện Phú Châu (nay là huyện An Phú). Suốt 4 đêm liền ngâm mình dưới nước sâu để trinh sát nắm địch và sau nhiều lần đi lại kiểm tra, lần cuối bị vướng mìn của địch, cả 4 người đều bị thương. Địch phát hiện, chúng tăng cường tuần tra lùng sục, bắn dữ dội vào đội hình của ta, nhưng anh vẫn bình tĩnh tìm cách đưa các đồng chí cấp trên ra khỏi vòng nguy hiểm. Nhìn các đồng chí chỉ huy người bị thương kiệt sức nằm ngất lịm, người đã tắt hơi bất động, anh vô cùng thương cảm, cố nén đau thương uất hận, anh ra sức cứu chữa cho các đồng chí bị thương, vừa cảnh giới vừa xác định phương hướng và lần mò từng bước, di chuyển từng người trong suốt 7 giờ liền. Cuối cùng thoát khỏi vòng vây và đạn pháo của địch đưa thương binh, liệt sĩ về đơn vị an toàn.
Ngày 03/01/1979, Lâm Thanh Hồng chỉ huy các đơn vị trong tiểu đoàn đánh địch, anh bình tĩnh mưu trí dẫn một trung đội bí mật luồn sâu vào sau lưng địch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ở hướng chính chia cắt đội hình phòng ngự của địch để tiêu diệt. Kết quả trận này đơn vị Lâm Thanh Hồng đã góp phần đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn địch. Riêng anh diệt 3 tên, thu 4 súng.
Đi đến đâu Lâm Thanh Hồng cũng chú ý chỉ huy đơn vị làm tốt công tác vận động quần chúng, được nhân dân bạn tin yêu. Anh cùng đơn vị giúp bạn xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương cơ sở vững mạnh, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Hơn 4 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia, anh đã chiến đấu 93 trận, góp phần tích cực đánh thiệt hại hai đại đội địch diệt 45 tên, thu 147 súng và 03 tấn đạn. Riêng anh diệt tại chỗ và bắt sống 21 tên địch, thu 21 súng, trên 01 tấn đạn các loại. Thành tích chiến công của anh được ghi nhận với 5 giấy khen, 9 bằng khen, danh hiệu “Dũng sĩ giữ nước”, huy chương “Tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc”, Huân chương chiến công hạng nhất, được dự cuộc gặp hữu nghị đoàn kết thanh niên Việt Nam - Liên Xô. Đặc biệt, anh được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quí Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân ngày 25/01/1983.
Đối với gia đình, anh rất có hiếu với cha mẹ, thương yêu chị và các em. Anh không bao giờ làm trái ý song thân, nói về cha mẹ lúc nào anh cũng một mực tôn kính.
Trong một lần chỉ huy đơn vị trên đường đi công tác tuần tra truy quét địch, anh bị phục kích và đã hy sinh ngày 05/7/1984. Anh nằm xuống ở tuổi đời 27 với cấp hàm Thượng úy, giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Chính trị Tiểu đoàn 52, Đoàn 9905 (An Giang). Mặt trận 979, Quân khu 9.
Hàng năm, vào ngày 7 tháng 6 âm lịch, gia đình và địa phương trang trọng tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ anh, có đông bạn bè và đồng đội đến tham dự tưởng nhớ về Anh Hùng liệt sĩ Lâm Thanh Hồng – Người chiến sĩ ngoan cường, một chỉ huy xuất sắc, một dũng sĩ yêu nước, người anh hùng của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh An Giang.
Anh Lâm Thanh Hồng sinh ngày 11/12/1957 tại ấp Trung Sơn, xã Vọng Thê (nay là thị trấn Óc Eo), huyện Thoại Sơn. Gia đình sống bằng nghề nông. Thời kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, cha và chú anh đều tham gia kháng chiến; đến thời chống Mỹ, 3 người cậu anh lần lượt hy sinh. Xuất thân từ một gia đình yêu nước trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) anh thoát ly làm cách mạng. Khi biên giới Tây Nam sôi sục máu lửa do bị kẻ thù xâm lấn, anh đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ, lên đường cầm súng chiến đấu với quân thù bảo vệ Tổ quốc. Ngày 23/01/1978, sau khóa huấn luyện anh được bổ sung vào đơn vị Trung đoàn 162 An Giang trực tiếp chiến đấu với quân thù. Các trận đánh ở Cả Côi, Khánh Bình, Khánh An, Đồng Ky, Nhơn Hội (An Phú)… anh đã cùng đồng đội lập công xuất sắc. Quá trình chiến đấu anh có sự tiến bộ vượt bậc: một tuổi quân giữ chức cán bộ Trung đội trưởng, năm tuổi quân anh được thăng hàm sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.
Thành tích tiêu biểu xuất sắc của anh là vào tháng 10/1978, anh cùng 3 cán bộ đại đội và cán bộ tiểu đoàn thực hiện nhiệm vụ trinh sát trận địa của địch ở mương Tám Sớm thuộc xã Phước Hưng, huyện Phú Châu (nay là huyện An Phú). Suốt 4 đêm liền ngâm mình dưới nước sâu để trinh sát nắm địch và sau nhiều lần đi lại kiểm tra, lần cuối bị vướng mìn của địch, cả 4 người đều bị thương. Địch phát hiện, chúng tăng cường tuần tra lùng sục, bắn dữ dội vào đội hình của ta, nhưng anh vẫn bình tĩnh tìm cách đưa các đồng chí cấp trên ra khỏi vòng nguy hiểm. Nhìn các đồng chí chỉ huy người bị thương kiệt sức nằm ngất lịm, người đã tắt hơi bất động, anh vô cùng thương cảm, cố nén đau thương uất hận, anh ra sức cứu chữa cho các đồng chí bị thương, vừa cảnh giới vừa xác định phương hướng và lần mò từng bước, di chuyển từng người trong suốt 7 giờ liền. Cuối cùng thoát khỏi vòng vây và đạn pháo của địch đưa thương binh, liệt sĩ về đơn vị an toàn.
Ngày 03/01/1979, Lâm Thanh Hồng chỉ huy các đơn vị trong tiểu đoàn đánh địch, anh bình tĩnh mưu trí dẫn một trung đội bí mật luồn sâu vào sau lưng địch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ở hướng chính chia cắt đội hình phòng ngự của địch để tiêu diệt. Kết quả trận này đơn vị Lâm Thanh Hồng đã góp phần đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn địch. Riêng anh diệt 3 tên, thu 4 súng.
Đi đến đâu Lâm Thanh Hồng cũng chú ý chỉ huy đơn vị làm tốt công tác vận động quần chúng, được nhân dân bạn tin yêu. Anh cùng đơn vị giúp bạn xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương cơ sở vững mạnh, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Hơn 4 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia, anh đã chiến đấu 93 trận, góp phần tích cực đánh thiệt hại hai đại đội địch diệt 45 tên, thu 147 súng và 03 tấn đạn. Riêng anh diệt tại chỗ và bắt sống 21 tên địch, thu 21 súng, trên 01 tấn đạn các loại. Thành tích chiến công của anh được ghi nhận với 5 giấy khen, 9 bằng khen, danh hiệu “Dũng sĩ giữ nước”, huy chương “Tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc”, Huân chương chiến công hạng nhất, được dự cuộc gặp hữu nghị đoàn kết thanh niên Việt Nam - Liên Xô. Đặc biệt, anh được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quí Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân ngày 25/01/1983.
Đối với gia đình, anh rất có hiếu với cha mẹ, thương yêu chị và các em. Anh không bao giờ làm trái ý song thân, nói về cha mẹ lúc nào anh cũng một mực tôn kính.
Trong một lần chỉ huy đơn vị trên đường đi công tác tuần tra truy quét địch, anh bị phục kích và đã hy sinh ngày 05/7/1984. Anh nằm xuống ở tuổi đời 27 với cấp hàm Thượng úy, giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Chính trị Tiểu đoàn 52, Đoàn 9905 (An Giang). Mặt trận 979, Quân khu 9.
Hàng năm, vào ngày 7 tháng 6 âm lịch, gia đình và địa phương trang trọng tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ anh, có đông bạn bè và đồng đội đến tham dự tưởng nhớ về Anh Hùng liệt sĩ Lâm Thanh Hồng – Người chiến sĩ ngoan cường, một chỉ huy xuất sắc, một dũng sĩ yêu nước, người anh hùng của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh An Giang.
L.S.Đ