Truy cập hiện tại

Đang có 269 khách và không thành viên đang online

Những giải pháp giúp nông dân tiếp tục sản xuất, tiêu thụ nông sản

(TGAG)- An Giang là tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp tương đối lớn, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế. Trong đó, sản phẩm từ trồng trọt và thủy sản là các nhóm sản phẩm chủ lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế khu vực I. Thời gian qua vấn đề tạo ra năng suất, sản lượng đã được thực hiện rất tốt bằng việc khuyến khích người sản xuất đưa các cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trở ngại lớn nhất của ngành nông nghiệp là đầu ra của sản phẩm chưa thật sự ổn định, tình trạng được mùa, mất giá liên tục lặp lại trong nhiều năm qua đã tạo ra một sức ỳ rất lớn cho sự phát triển nông nghiệp.



Từ đầu năm 2020 đến nay, với những tín hiệu sáng từ thị trường trong và ngoài nước như kinh tế trong nước phát triển, xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ gia tăng nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua (dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020).

Ngành nông nghiệp và nông dân An Giang chuẩn bị cho vụ lúa, nếp, xoài, rau màu… bội thu về năng suất và giá. Ước tổng sản lượng lúa và nếp đến hết vụ Đông Xuân 2019 - 2020 là 1.680.000 tấn (trong đó gồm 1.355.000 tấn lúa và 325.000 tấn nếp), hơn 20.000 tấn xoài sẵn sàng cho thu hoạch đến cuối tháng 4/2020.   

Tuy nhiên, sự phát sinh và lan truyền dịch bệnh COVID-19 toàn cầu đã tác động mạnh đến kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp và nông dân An Giang cũng chịu ảnh hưởng. Thời gian gần đây, giá lúa, nếp khá tốt đem lại niềm vui cho nông dân nhưng chưa có gì đảm bảo khả năng tiêu thụ toàn bộ lúa nếp khi vụ thu hoạch kết thúc cuối tháng 3, vẫn còn đó nỗi lo giá của thị trường tiêu thụ cho xoài và các loại rau màu còn thấp.

Do đó, để nông dân tiếp tục yên tâm sản xuất, chúng ta phải tháo gỡ nút thắt cho thị trường tiêu thụ, phải tìm hiểu rõ được nguyên nhân và rào cản từ đâu, để từ đó có những giải pháp và định hướng phù hợp cho sản xuất nông nghiệp.

Từ thực tế chúng ta thấy rằng, để thực hiện tốt chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thì năng lực của người sản xuất và nhà doanh nghiệp phải được nâng cao. Tuy nhiên, trong thực tế, trình độ năng lực hoạt động của các tổ, nhóm, hợp tác xã còn rất yếu, chỉ đóng vai trò thu gom là chủ yếu, chưa nắm bắt thông tin thị trường cũng như năng lực đàm phán vơi doanh nghiệp vẫn theo lối suy nghĩ, tư duy cũ, chưa tôn trọng hợp đồng trách nhiệm một cách triệt để nên dễ dẫn đến mối liên kết bị phá vỡ.

Người sản xuất vẫn chưa tuân thủ tốt các quy định, quy trình để tạo ra các sản phẩm chất lượng, đủ tiêu chuẩn phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, nông dân vẫn chưa thực hiện tốt việc thực hành sản xuất đúng theo quy hoạch của địa phương, sản xuất thường tự phát, nhỏ lẻ chưa phù hợp với kết cấu hạ tầng chung gây trở ngại cho khâu lưu thông hàng hóa để tiêu thụ…

Từ các tồn tại, trên một số giải pháp cấp bách cần phải thực hiện để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong trường hợp thị trường ứ đọng do dịch bệnh như sau:

Một là, thực hiện tốt khâu kết nối doanh nghiệp, cung cấp thông tin của doanh nghiệp thu mua đến người sản xuất, tạo sự thuận lợi dễ dàng cho khâu tiếp cận nguồn cung ứng từ người dân.

Hai là, Nhà nước cần làm việc với các ngân hàng để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc vay vốn với lãi suất thấp hoặc trả chậm để thúc đẩy thu mua tạm trữ sản phẩm, tránh gây tồn đọng hàng hóa trong người dân.

Ba là, thúc đẩy các hoạt động quảng bá, tìm kiếm thị trường tiềm năng thay thế cho các thị trường lâu năm như Trung Quốc, Campuchia, Hàn Quốc...

Bốn là, tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện tốt khâu sản xuất, bảo vệ năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo sự ổn định cho năng suất cũng như sản lượng.

Về lâu dài, cần phải tập trung thực hiện các giải pháp chiến lược để giúp người dân thực hiện tốt khâu sản xuất và tiêu thụ, đó là hình thành nền sản xuất nông nghiệp THEO CHUỖI - THEO CHUẨN - ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ.

Theo chuỗi là tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ (liên kết ngang và liên kết dọc), tiếp tục đổi mới và phát  triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân; xây dựng các mô hình chuỗi; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ… để thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Theo chuẩn là nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác theo yêu cầu hội nhập các thị trường quốc tế đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng (VIETGAP, GLOBALGAP, HACCP…) đồng thời giúp nâng cao giá trị sản phẩm để tạo ra thương hiệu riêng mang tính chất đặc thù của từng địa phương.
Ứng dụng khoa học và công nghệ là ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 để hạ giá thành sản xuất (tăng năng suất, giảm chi phí), sản xuất nông sản có giá trị cao mà nông nghiệp truyền thống không làm được từ đó tạo ra hiệu suất lợi nhuận cao.

Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực, về hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, về nguồn vốn và lãi suất cho tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến… cần phải được triển khai nhanh, hiệu quả.

Tóm lại, thực hiện tốt chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp tác sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã) sẽ thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp được ổn định, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Trương Kiến Thọ
Phó giám đốc Sở NN & PTNT
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
38034382