Truy cập hiện tại

Đang có 275 khách và không thành viên đang online

Một số kết quả triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu

(TUAG)- Trong thời gian qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành trách nhiệm của mỗi người dân và doanh nghiệp, thu hút sự tham gia vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách lớn và quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hóa các cơ chế, chính sách, sáng kiến quốc tế về biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh phù hợp với điều kiện và bảo đảm lợi ích quốc gia. Trong đó, hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua đến nay. Dưới đây là những kết quả chủ yếu trong việc tham gia và triển khai thực hiện các cam kết.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28, ngày 2/12/2023. Ảnh: Báo Chính phủ.

Tham gia các sáng kiến, cam kết quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam luôn chủ động và tích cực tham gia có trách nhiệm, thực chất và hiệu quả các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu toàn cầu. Đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm1992 và phê chuẩn năm 1994; tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn 1994. Chỉ trong mười năm qua, Việt Nam đã tham gia 18 điều ước, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, đặc biệt đã tham gia nhiều sáng kiến quốc tế quan trọng tại các Hội nghị từ COP26 đến COP28.

Trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam đã hợp tác với các đối tác quốc tế tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Diễn đàn đối thoại với các nhà tài trợ diễn ra định kỳ hằng năm. Chương trình có sự tham gia của 10 Bộ, ngành với các đối tác quốc tế.

Năm 2021, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự Hội nghị COP26 đã cùng gần 150 quốc gia (chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính và trên 90% GDP toàn cầu) đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ; gần 50 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; 103 quốc gia tham gia Cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020 ; 141 quốc gia với hơn 90% diện tích rừng trên thế giới đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Sau COP26, Việt Nam đã đàm phán và thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Nhóm các đối tác quốc tế trong và ngoài G7.

Sau Hội nghị COP26 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai ký kết hợp tác với 08 quốc gia , 11 tổ chức quốc tế, định chế tài chính quốc tế . Đã thiết lập Nhóm công tác chung về khí hậu giữa Việt Nam với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ để triển khai các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nỗ lực triển khai thực hiện các sáng kiến, cam kết quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu

Đối với việc thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên, định kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính và xây dựng các báo cáo quốc gia về BĐKH gửi Ban Thư ký Công ước, xây dựng và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định, ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050... Đối với việc thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất CFC, Halon, CTC; các chất HCFC được quản lý, loại trừ theo lộ trình giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở và sẽ loại trừ hoàn toàn vào năm 2040. Từ năm 2024, các chất HFC bắt đầu được quản lý và loại trừ theo lộ trình thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal mà Việt Nam phê chuẩn tham gia.

Đến nay, các quy định quốc tế đã cơ bản được nội luật hóa để triển khai thực hiện, đặc biệt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định cơ bản đầy đủ, bao quát các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm về thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ tầng ô-dôn; quản lý hoạt động trao đổi, bù trừ tín chỉ các- bon và phát triển thị trường các-bon; lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch; cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu; việc xây dựng và cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu; xây dựng báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; việc thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về kiểm kê khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon và bảo vệ tầng ô-dôn. Nguồn lực cho ứng phó với BĐKH cũng đã được quy định chi tiết trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc Việt Nam đồng hành với gần 150 quốc gia cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia nhiều sáng kiến tại COP26 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mở ra cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu đầu tư cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn lớn; đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, ký kết hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước. Đây cũng là động lực để chuyển đổi mô hình phát triển gắn với xu thế phát triển toàn cầu, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo sự gắn kết và tham gia của toàn dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tích cực phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo ra quyết định nhiều vấn đề lớn như: 1) Xây dựng, ban hành Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động triển khai kết quả Hội nghị COP26; 2) Rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) gửi Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; 3) Rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách, pháp luật ứng phó với BĐKH và chuyển đổi năng lượng; 4) Đàm phán thông qua và triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); 5) Tổ chức triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, khí mê-tan trong các ngành, lĩnh vực; 6) Hoàn thiện và phê duyệt Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia; 7) Đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26; 8) Tham gia và thực hiện các sáng kiến, thỏa thuận quốc tế ứng phó với BĐKH; 9) Đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp.

Các Bộ, ngành có liên quan đều đã ban hành kế hoạch hành động của ngành với những chỉ tiêu cụ thể triển khai cam kết tại COP26. Các địa phương đã tích cực tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tuyên truyền các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn năng lượng xanh; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính; phát triển các dự án năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều Tổng công ty, Tập đoàn nhà nước đã nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch, xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Một số tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”. Thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để trở thành động lực dẫn dắt, tạo tác động lan tỏa trong những ngành, lĩnh vực then chốt, nhất là trong phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, chuyển đổi số, đầu tư chip bán dẫn, hydrogen...
 

Trong nỗ lực thực hiện cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam đã triển khai hàng loạt dự án năng lượng tái tạo như điện gió và năng lượng mặt trời. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Bộ cũng đã tham mưu để Việt Nam tham gia Sáng kiến Cộng đồng Châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC) do Nhật Bản khởi xướng nhằm thúc đẩy giảm phát thải các-bon và hợp tác chuyển dịch năng lượng, trong đó việc loại bỏ năng lượng hóa thạch, bổ sung năng lượng tái tạo được thực hiện một cách hợp lý với ưu tiên cao.

Tại COP28 (tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)), Việt Nam đã tham gia thực chất và có nhiều hoạt động đóng góp quan trọng cho sự thành công của Hội nghị, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh với thông điệp lớn “Đoàn kết quốc tế, chung tay vì sự phát triển thịnh vượng của nhân loại”; nêu rõ phương châm nói đi đôi với làm, thể hiện vị thế, vai trò chủ động, sáng tạo và tiếng nói tích cực của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ đã nêu 12 biện pháp lớn Việt Nam đã thực hiện từ sau COP26, đồng thời cũng nhấn mạnh cần đa dạng hóa huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp công và tư, trong và ngoài, song phương và đa phương; kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về vốn ưu đãi, công nghệ cao, quản trị thông minh, thể chế phù hợp; đề cao công bằng, công lý trong chống biến đổi khí hậu; nhấn mạnh cần đảm bảo tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia, khả năng tiếp cận năng lượng sạch với chi phí phù hợp, hiệu quả cho mọi người dân, doanh nghiệp và quốc gia. Việt Nam đã tổ chức hàng loạt các sự kiện bên lề tại Việt Nam Pavilion góp phần quảng bá nỗ lực và quyết tâm chính trị thông qua các hoạt động nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, mở rộng kết nối các đối tác hợp tác. Các cam kết quốc tế mới về tài chính khí hậu tại COP28 là cơ hội để Việt Nam dễ dàng tiếp cận các quỹ khí hậu, qua đó thực hiện mạnh mẽ các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng.

Cũng tại COP28, Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch JETP cùng Nhóm các đối tác quốc tế gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Canada, Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy (viết tắt là IPG) và các đối tác phát triển... là cơ sở để thu hút nguồn hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, các định chế quốc tế cho việc triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng. Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP xác định các dự án đầu tư ưu tiên trong chuyển đổi năng lượng công bằng, gồm các khuôn khổ phân tích và giám sát khía cạnh công bằng của quá trình chuyển đổi năng lượng với mục tiêu cuối cùng là không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Những tiến bộ đạt được trong triển khai thực hiện các cam kết

Trong hời gian qua, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách; huy động đầu tư cho biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn lực đầu tư công trong 10 năm qua đáp ứng khoảng 24 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hơn 30 tỷ USD đã được huy động từ khu vực doanh nghiệp và các chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ quốc tế. Riêng Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã huy động được 1,5 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội; đã triển khai các dự án ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước; gần 400 hành động chính sách về ứng phó với BĐKH được xây dựng và thực hiện ở các Bộ, ngành, địa phương. Các nguồn đầu tư từ các quỹ có liên quan hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế và vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và FDI cho ứng phó với biến đổi khí hậu cũng ngày càng gia tăng.
Về hỗ trợ thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đang được các định chế tài chính triển khai thực hiện. Ngân hàng Standard Chattered cam kết 8 tỷ USD cho các dự án xanh, phát triển bền vững đã triển khai được 6 tỷ USD (chủ yếu tập trung dự án của Tập đoàn T&T); Ngân hàng HSBC cam kết 12 tỷ USD cho ứng phó với biến đổi khí hậu hiện mới triển khai được hơn 2 tỷ USD (trong đó Vinfast 500 triệu USD). Ngân hàng BIDV đã triển khai hỗ trợ vay cho các dự án xanh đạt trên 73.000 tỷ đồng với 1.879 dự án.


Nông dân vùng lũ phát triển những mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN.

Về tài chính cho thực hiện JETP, các đối tác cam kết huy động ban đầu là 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm tới, bao gồm hỗ trợ không hoàn lại; hỗ trợ kỹ thuật; các khoản vay mà các nước, các ngân hàng phát triển đa phương, các quỹ hỗ trợ Việt Nam; các khoản tín dụng các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế trong Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ); các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Trong đó có 7,75 tỷ USD do Nhóm các đối tác quốc tế (Nhóm IPG) cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Liên minh tài chính GFANZ huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Số tiền cam kết huy động cho giai đoạn sau cao hơn nếu sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định tế tài chính quốc tế.

Về triển khai Sáng kiến AZEC với Nhật Bản, hiện đang được hai bên ký kết các bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án sản xuất hydro xanh, amoniac xanh và CCS, CCUS; các dự án năng lượng tái tạo; dự án phát điện năng lượng mặt trời mái nhà; xây dựng và vận hành trang trại điện gió trên bờ; phát điện gió ngoài khơi; phát triển nhiên liệu sinh khối, với số kinh phí ban đầu gần 600 triệu USD.

Ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu và ở nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, với những cơ hội từ việc Việt Nam đã và đang tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu. Việc triển khai thực hiện các cam kết ứng phó với BĐKH cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới với những giải pháp lớn, những hành động cụ thể, thiết thực, đóng góp tích cực vào nỗ lực ứng phó với BĐKH toàn cầu.

Các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Tiếp tục triển khai các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2024 ngành Tài nguyên & Môi trường sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tập trung xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật).

- Tiếp tục triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đề án triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan.

- Hoàn thiện các quy định về quản lý tín chỉ các-bon tại Việt Nam, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

- Tập trung thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, cơ quan có liên quan triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và phát huy tổng hợp các nguồn lực nhằm thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta.

- Tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, tận dụng nguồn lực trong triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu./.

P.TT
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39976029