Truy cập hiện tại

Đang có 120 khách và không thành viên đang online

Những điểm nhấn về tình hình kinh tế - xã hội nước ta 7 tháng đầu năm 2019; nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới

Một số kết quả đạt được:

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2019 tiếp tục xu hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 2,61%, thấp nhất trong 3 năm gần đây. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 63,2% dự toán, tăng 11,9%. Xuất khẩu ước đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; trong đó khu vực trong nước tăng 12,2%, cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (5,6%); xuất siêu 1,8 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Khách quốc tế tăng 7,9%; một số điểm du lịch được bình chọn là địa điểm du lịch hàng đầu châu Á và thế giới. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2019 tăng 3 bậc, xếp hạng 54/162 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục duy trì đà tăng, nằm trong nhóm dẫn đầu các nước Đông Nam Á. Cả nước có 79,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,6% và tăng 29,6% về vốn đăng ký; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,9%. Các hoạt động văn hóa được coi trọng. Hoạt động kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2019) được các cấp, các ngành tổ chức chu đáo, được cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội hưởng ứng, thiết thực tri ân và tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, thông tin truyền thông được quan tâm và đạt kết quả tốt. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại được chú trọng.


Một số tồn tại, hạn chế: Lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao; sản xuất công nghiệp tăng chậm so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, giá một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực giảm, dịch bệnh tả lợn châu Phi gây nhiều thiệt hại, thời tiết nắng nóng, gây hạn hán ở nhiều địa phương; tình trạng sạt lở đất ven sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, nhất là vốn ODA và vốn trái phiếu Chính phủ; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ còn nhiều. Một số vấn đề còn gây bức xúc xã hội như: tai nạn giao thông nghiêm trọng gia tăng; dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh; đầu tư tiền ảo đa cấp, tệ nạn ma túy đá, đánh bạc qua mạng...

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, nhất quán định hướng điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, khẩn trương khắc phục tồn tại, yếu kém, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch năm 2019, trong đó GDP tăng 6,8%, lạm phát dưới 4%. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 01/01/2019, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình thế giới và trong nước để linh hoạt ứng phó, không để bị động, bất ngờ; trong đó tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả một số nội dung sau:

Thứ nhất, tập trung rà soát, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm là: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chủ động đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất không rõ ràng của các quy định pháp luật và cơ chế, chính sách; xây dựng hành lang pháp lý để quản lý và tạo điều kiện phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Thứ hai, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương dành thời gian trực tiếp đối thoại với người dân; chủ động giải quyết ngay tại cơ sở những bức xúc của người dân, không để phát sinh thành điểm nóng, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Thứ ba, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 20/CT- TTg ngày 29/7/2019 về lập kế hoạch đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Tích cực tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025, phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thực hiện việc lập Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 theo đúng quy định của Luật Quy hoạch.

Thứ tư, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là các Đề án trong Chương trình công tác và nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đối với những nhiệm vụ phức tạp, gặp khó khăn, vướng mắc phát sinh, cần chủ động tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp xử lý, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra, không để nợ đọng nhiệm vụ.

P.TT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37060335