Truy cập hiện tại

Đang có 143 khách và không thành viên đang online

Chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

(TGAG)- Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020. Đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm, ngay từ những tháng đầu năm 2020. Vì vậy, các địa phương cần sớm có các biện pháp phòng, chống.

1. Nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. BĐKH cũng đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như lương thực, nước, năng lượng, các vấn đề về an toàn xã hội, văn hóa, ngoại giao và thương mại.

Vùng ĐBSCL của Việt Nam là phần hạ lưu giáp biển của sông Mê Công, bao gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Đây là nơi được thiên nhiên ưu đãi với những cánh đồng phì nhiêu, cũng chính là vựa lúa lớn nhất của nước ta, đồng thời cũng là khu vực cung cấp một lượng lớn thủy, hải sản và hoa quả, cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, vào mùa cạn, khi nước từ thượng nguồn về thấp, thủy triều xuất hiện mang nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.Đặc biệt, trong những năm gần đây, ĐBSCL đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của ElNino, nền nhiệt tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, làm gia tăng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Cùng với sự gia tăng của mực nước biển và sự thay đổi các yếu tố khí tượng đã làm cho độ mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong khu vực.

Hiện tại, theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, trên lưu vực sông Mê Công mực nước thượng lưu sông đang ở mức rất thấp, nhiều trạm xuống thấp nhất lịch sử, dự báo đỉnh lũ năm 2019 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp, nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020.

Đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ những tháng đầu năm 2020; sớm hơn so với 2018-2019 khoảng 10-30 ngày và sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 tháng. Cùng với đó, khả năng xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mùa khô các năm 2017-2018, 2018-2019, nhưng ở mức nhẹ hơn năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016.

Cụ thể, từ tháng 12/2019, mặn có khả năng ảnh hưởng tới việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi cách biển đến 30-35km. Tháng 1 và tháng 2/2020, ranh mặn 4g/l có khả năng vào sâu vào nội địa 45-55km (tùy cửa sông). Các ngày triều cường, gió chướng mạnh, xâm nhập mặn có thể tăng đột biến nhưng tồn tại trong thời đoạn ngắn. Từ tháng 3/2020, theo xu thế một số năm gần đây, dòng chảy về ĐBSCL sẽ tăng do hoạt động điều tiết của các hồ chứa ở thượng nguồn, xâm nhập mặn sẽ có xu thế giảm so với tháng 1, tháng 2.

Ngoài ra, Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định, hiện tượng ElNino yếu sẽ còn duy trì từ nay đến khoảng tháng 11. Do đó, không chỉ ở khu vực ĐBSCL, nắng nóng còn tiếp tục xảy ra ở miền Trung, đặc biệt, vùng núi phía tây Trung Bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt. Mực nước trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục xuống mức thấp dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra tại các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa.

2. Chủ động ứng phó

Để giảm thiểu ảnh hưởng xâm nhập mặn ở ĐBSCL, theo các chuyên gia, cần thiết phải đồng bộ các giải pháp: Tăng cường hợp tác với các nước trong Ủy ban Mê Công; Điều chỉnh quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp cho khu vực; Lựa chọn cây trồng vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, lợ; Kiện toàn hệ thống đê; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt; Xây dựng đập ngầm và hệ thống đê biển, đê sông...

Tổng cục Khí tượng thủy văn khuyến cáo, các địa phương ĐBSCL nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung cần sớm có các biện pháp chủ động phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào mùa khô năm 2019-2020, ngay từ đầu tháng 8/2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị chức năng của Bộ bàn thảo về hiện trạng, giải pháp ứng phó trước mắt, lâu dài.

Trước mắt, để làm tốt việc phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, hạn chế thiệt hại, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục tăng cường quan trắc dòng chảy, quan trắc mặn nhằm bổ sung các số liệu dòng chảy, số liệu mặn làm cơ sở cho việc dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố ven biển khu vực ĐBSCL.

 Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để ban hành bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, điều hành, sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện nguồn nước và triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Tổng cục cần đổi mới, nâng cao chất lượng và cải tiến bản tin, tập trung vào dự báo, cảnh báo tác động thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn đến các ngành nghề như nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt...

Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với Ủy ban sông Mê Công theo dõi chặt chẽ tình hình xả nước từ các hồ chứa ở thượng lưu sông Mê Công; đàm phán với các nước thượng nguồn sông Mê Công trong phương thức sử dụng nước, đặc biệt chú trọng việc xây dựng hồ đập, đập thủy điện. Về lâu dài, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đề xuất bổ sung thêm mạng lưới trạm quan trắc dòng chảy và quan trắc mặn ở ĐBSCL. Đặc biệt ưu tiên lắp đặt các thiết bị tự động để có số liệu quan trắc kịp thời, đầy đủ. Tập trung phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn theo Chương trình 705; thực hiện nội dung Xây dựng hệ thống giám sát nguồn nước dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn đề nghị sớm nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học vào công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn. Nhất là tăng cường nghiên cứu những vấn đề quy mô lớn, quy mô toàn cầu có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến thời tiết và khí hậu Việt Nam. Nghiên cứu xây dựng hệ thống phân tích, dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng ĐBSCL; ứng dụng sản phẩm viễn thám giám sát hạn hán, giám sát hoạt động của các hồ chứa xuyên biên giới. Phối hợp với các địa phương điều tra, khảo sát, đo đạc và tập hợp thống nhất cơ sở dữ liệu về rủi ro hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dự báo, cảnh báo.

Theo đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn sớm ban hành quy định về theo dõi, cảnh báo các loại hạn khí tượng, hạn thủy văn, đặc biệt là xâm nhập mặn. Từ đó ra các bản tin thông báo, cảnh báo cho các cấp. Đặc biệt, với hạn mặn chú trọng cảnh báo xa, sớm để các cấp, ngành, địa phương và người dân vùng ĐBSCL đề phòng, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

P.TT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40828856