Truy cập hiện tại

Đang có 28 khách và không thành viên đang online

Những cán bộ Hội phụ nữ dân tộc Khmer điển hình

(TGAG)- An Giang là một trong số ít tỉnh ở ĐBSCL có 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cùng sinh sống. Những năm qua, các địa phương đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế, văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Để có những kết quả đó phải kể đến sự đóng góp của các cán bộ người dân tộc Khmer, điển hình là các cán bộ của Hội Phụ nữ đồng bào dân tộc Khmer.

Chị Chị Neáng Srây Mum, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tịnh Biên, là một trong những cán bộ trẻ, năng động, luôn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị luôn nghiên cứu để có những mô hình mới tập hợp phụ nữ Khmer vào tổ chức hội; thực hiện tốt “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội, lãnh đạo thực hiện tốt công tác Hội và phong trào phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị và địa phương. Nhiều năm liền, hoàn thành tốt phong trào của Hội với những kết quả đáng khích lệ, bộ máy tổ chức Hội thường xuyên củng cố, kiện toàn đảm bảo đủ số lượng và chất lượng. Cán bộ Hội ngày càng trưởng thành, là nguồn cán bộ bổ sung kịp thời, hiệu quả cho cấp ủy và chính quyền các cấp. Hiện toàn huyện có 8.839/42.541 hội viên (đạt 20,78%). Các mô hình, câu lạc bộ được duy trì, phát triển hiệu quả thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Chủ tịch Hội LHPT huyện Tịnh Biên Neáng Srây Mum cho biết: "8 năm tham gia công tác Hội, vốn là người dân tộc Khmer nên rất thuận lợi trong việc triển khai đến hội viên dân tộc mỗi khi thực hiện các cuộc vận động, các hoạt động ở địa phương".
       

Chị Neáng Sóc Tha tâm huyết với hoạt động của phụ nữ.

Tại huyện Tri Tôn, chị Neáng Sóc Tha là điển hình tiêu biểu trong công tác phát triển hội viên. Hơn 20 năm tham gia công tác Hội, chị Neáng Sóc Tha có nhiều đóng góp tích cực trong công tác Hội và phong trào phụ nữ địa phương, góp phần đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây. Chị Neáng Sóc Tha cho biết: "Công tác Hội phụ nữ rất cực nhưng vui vì mình được tham gia tổ chức Hội, có nhiều kinh nghiệm hay, học hỏi nhiều mô hình hiệu quả về vận động chị em làm theo, giúp các chị phát triển kinh tế".

Ngoài tuyên truyền chính sách, chủ trương pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với chị em dân tộc Khmer, chị Sóc Tha còn giới thiệu, kết nối cho nhiều hội viên, đặc biệt là hội viên dân tộc tiếp cận các nguồn vốn vay để triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Chị Neáng Sên, ấp Tô Hạ, thị trấn Tri Tôn chia sẻ: "Tôi được chị Sóc Tha giới thiệu, kết nối vốn vay từ nguồn của Ngân hàng Chính sách Xã hội được 30 triệu đồng, giúp gia đình tôi phát triển kinh tế gia đình, sau 3 năm vươn lên thoát nghèo". Chị Trần Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Núi Tô, huyện Tri Tôn cho biết: "Xã có 76% là đồng bào dân tộc, nhờ cán bộ Hội Phụ nữ huyện như chị Sóc Tha xuống hỗ trợ trong vận động hội viên vào tổ chức Hội và giới thiệu vay vốn chính sách".
         
Tại huyện Tịnh Biên có mô hình “Tín dụng tiết kiệm mua cổ phần” ở xã An Cư hoạt động hiệu quả. Toàn xã có 79,6% là đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 25,5%. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Hội LHPN xã tham mưu với cấp ủy địa phương, nghiên cứu, tìm những mô hình thiết thực để mang lại hiệu quả kinh tế giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, đặc biệt là hội viên, phụ nữ dân tộc Khmer. Xác định mô hình tín dụng tiết kiệm sẽ mang lại hiệu quả để hội viên, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Bắt đầu từ năm 2013, xã thành lập mô hình tín dụng với 28 thành viên tham gia, đến nay đã có 3 tổ với 60 thành viên. Các tổ của mô hình sẽ tổ chức sinh hoạt một hoặc hai lần/tháng, mỗi cổ phần trị giá 50.000 đồng; mỗi thành viên trong tổ mua tối thiểu 1 cổ phần, tối đa 5 cổ phần. Mỗi tổ hàng tháng mua cổ phần từ 10-15 triệu đồng. Hàng tháng nếu thành viên trong tổ có nhu cầu vay vốn sẽ được xét theo thứ tự ưu tiên để chị em được vay vốn với mức lãi suất từ 1-2%; nếu không có nhu cầu vay, để đó tiết kiệm, hết một năm sẽ được hoàn vốn và chia lãi suất.


Tuyên dương cán bộ Hội LHPN dân tộc Khmer.

Từ khi thành lập đến nay, mô hình này đã giúp nhiều chị em hội viên phụ nữ tiết kiệm giảm bớt khó khăn. Chủ tịch Hội LHPN xã An Cư Lương Thị Hoàng Kim cho biết: "Nhờ duy trì mô hình này giúp rất nhiều chị em hội viên có điều kiện buôn bán nhỏ, chăn nuôi, tăng thu nhập và tạo tính tiết kiệm cho các chị dân tộc để mua cổ phần". Tổ trưởng Tổ mô hình tín dụng tiết kiểm mua cổ phần ấp Tô Phi, xã An Cư Chau Thị Pâu cho biết: "Rất hiệu quả vì vay vốn ngoài lãi suất cao, tham gia mô hình người nào khó khăn được ưu tiên trước". Chị Lâm Thị Phượng, thành viên Tổ mô hình Tín dụng tiết kiểm mua cổ phần ấp Tô Phi chia sẻ: "Trước tôi đi làm cỏ mướn được 90-100 ngàn/ngày, tham gia được vay vốn mở quán cafê lời hơn 100 ngàn đồng/ngày mà rất khỏe so đi làm thuê, không sợ mưa gió".

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37269676