Truy cập hiện tại

Đang có 128 khách và không thành viên đang online

Phát huy hơn nữa vai trò, tài năng của phụ nữ vào sự nghiệp đổi mới đất nước

(TGAG)- Phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước của dân tộc ta; ngày nay đang tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chiếm trên 50,48% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, có mặt trong các ngành nghề, trên khắp địa bàn, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam với đức tính cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, đã và đang vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực trong học tập, lao động và công tác, tham gia tích cực vào quá trình hoạch định và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phụ nữ còn làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên, tổ chức, chăm lo cuộc sống, góp phần rất quan trọng trong xây dựng tổ ấm gia đình. Những đóng góp bền bỉ, thầm lặng của các thế hệ phụ nữ ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang và tiếp tục khẳng định lời dạy của Bác Hồ “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội nói chung và trong quản lý nhà nước, trong hệ thống chính trị nói riêng. Nam nữ bình quyền đã được khẳng định từ Hiến pháp 1946, và ngày nay vẫn đang được tiếp tục quán triệt trong các chính sách của Đảng và Nhà nước. Phụ nữ Việt Nam hiện nay được bảo đảm có quyền, cơ hội và điều kiện vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự tham gia ngày càng đông đảo vào lực lượng lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, chính quyền, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức xã hội.

Thực hiện theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, thiết thực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, những năm qua, tỷ lệ cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch cấp ủy và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đều tăng; số cán bộ nữ được đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ngày càng nhiều, trình độ năng lực được nâng lên rõ rệt, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế. Nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và được trẻ hóa, chiếm gần 30,5% số người có trình độ thạc sỹ, 17,1% số người có trình độ tiến sỹ; tỷ lệ nữ giáo sư chiếm 5,1%, phó giáo sư 11,7%. Tỷ lệ nữ giảng viên, các chức danh khoa học tăng tương đối đều. Phụ nữ ngày càng chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động khoa học - công nghệ; nhiều công trình nghiên cứu làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và hoạt động thực tiễn đem lại lợi ích kinh tế - xã hội. Phụ nữ tham gia cấp uỷ đảng các cấp tăng, ở Trung ương tỷ lệ nữ ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XI có 15 đồng chí, chiếm 8,6% (tăng 4,4% so với khoá X)… Dự Đại hội XII của Đảng có 194 đại biểu là nữ; trong số các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII có 10% nữ; trong số các ủy viên Bộ Chính trị khóa XII có 3 đồng chí nữ…

Đối với tỉnh ta, các cấp uỷ đảng ngày càng quan tâm nhiều hơn cán bộ nữ, đã lãnh đạo xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ gắn với công tác quy hoạch cán bộ ở từng cấp, từng ngành, đảm bảo về cơ cấu, tính liên tục, kế thừa và phát triển. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, có 1.638 cán bộ nữ được quy hoạch vào cấp uỷ các cấp, đạt 28,9% so tổng số cán bộ được quy hoạch, trong đó, quy hoạch ban chấp hành đảng bộ xã, phường, thị trấn 1.378 đồng chí (đạt 31%), ban chấp hành đảng bộ huyện 224 đồng chí (đạt 20,72%), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 36 đồng chí (đạt 20,22%); cán bộ được quy hoạch dài hạn thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý giai đoạn 2010 – 2015 và 2015 – 2020 là 370/810 cán bộ nữ (đạt 45,67%).

Tuy nhiên, có một thực tế là từ quyết tâm chính trị và chủ trương, đường lối đến việc triển khai thực hiện còn có khoảng cách khá rõ, nhất là trong bối cảnh đất nước bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo và các quan niệm truyền thống về phụ nữ như ở Việt Nam. Đây cũng là một vấn đề thực sự quan tâm, bởi không chỉ là định kiến giới của xã hội, của gia đình, của giới nam đối với giới nữ mà còn là định kiến, sự mặc cảm, tự ty của bản thân chị em phụ nữ về năng lực lãnh đạo, quản lý của chính mình hoặc sự tin tưởng của chính chị em vào năng lực lãnh đạo của lãnh đạo cùng giới. Điều này dẫn đến tâm lý an phận, triệt tiêu ý thức phấn đấu của chị em, do vậy, đòi hỏi chị em phụ nữ phải tiếp tục phấn đấu vượt qua những cản ngại từ chính bản thân mình.

Để phụ nữ ngày càng khẳng định vài trò, vị thế và tài năng của mình trong gia đình và xã hội, nhất là trong hoạt động chính trị, hệ thống chính trị các cấp, cần nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, vị trí và tài năng của phụ nữ cũng như sự đóng góp của họ để đưa vị thế xã hội của người phụ nữ Việt Nam lên một tầm cao mới. Như vậy, nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội cũng như trong thực hiện bình đẳng giới, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế./.

Trường Giang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37449689