Truy cập hiện tại

Đang có 411 khách và không thành viên đang online

Sắc màu “Tết mới” trên vùng quê Bình Chánh

(TGAG)- Tết là khoảnh khắc giao thời năm cũ - năm mới. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau vui chơi, thụ hưởng những giá trị của cuộc sống. Ý nghĩa của ngày Tết được trọn vẹn khi trong gia đình đầy đủ vật chất và tinh thần.
 
Vậy mà đâu phải thời đại nào Tết cũng mang tất thảy những ý nghĩa, yêu cầu ấy. Tết hôm nay trào dâng bao niềm hạnh phúc, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ lãng quên những năm Tết của một thời xa vắng.

Về quê... tìm trong ký ức

Ngày ấy, những năm đầu thập niên 80 đất nước còn nghèo, oằn mình đứng dậy sau vết thương chiến tranh. Đời sống nhân dân mọi miền chịu cảnh nghèo khó, thiếu thốn mọi thứ, từ cái ăn, cái mặc đến việc học hành... Trong bối cảnh chung ấy, người dân Bình Chánh quê tôi cũng gánh cùng số phận.

Bình Chánh là xã vùng sâu của huyện Châu Phú, được thành lập năm 1978, trên cơ sở phân chia địa giới hành chính của xã Bình Mỹ. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt thủy sản. Sau một năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lại gặp thời buổi khó khăn về cơ chế thị trường nên cuộc sống người dân quê tôi nghèo lại hoàn nghèo khi Tết đến.

Thời gian này, cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) phục vụ dân sinh trên địa bàn xã dường như chẳng có gì. Cuộc sống người dân thiếu trước hụt sau; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa thực hiện được. Người dân chỉ biết dựa vào cây lúa nổi (lúa mùa) với 1 vụ/năm; nạn đói giáp hạt thường xuyên xảy ra, phải ăn độn khoai, chuối, bobo… Cuộc sống đã khổ lại khổ thêm khi chịu cảnh tàn phá liên tiếp của những trận lũ lịch sử “ngập tới nóc nhà”, người dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Thời buổi đói no thất thường, cả chiêm bao còn mơ thấy miếng ăn, thì con người cũng chẳng quan niệm về thời gian; chẳng mong gì, nghĩ gì về sự hiện diện của ngày Tết. Tết đến thật vô vị, nhạt nhẽo, gánh nặng và “buồn hiu” từ đầu kinh đến cuối kinh.

Trên con đường kinh xáng dài 5 cây số vỏn vẹn vài chục nóc nhà nằm chót vót, xiêu vẹo chưa kịp sửa chữa sau 2 tháng lũ rút. Tết về chìm trong cảnh quê buồn, trời tối đen như mực; một vài đóm đèn dầu leo lét, chênh vênh trên gò đất sau bụi tre, hàng gáo… Tết đến chỉ trong khoảnh sân trước cửa, sau nhà. Người lớn muốn đi thăm hỏi nhau, hay tiệc trà, tiệc rượu phải bơi xuồng hàng cây số, hoặc đi bộ trên con đường kinh lồi lõm vết chân trâu, sạt lở vì lũ; vắt qua những cây cầu khỉ cheo leo trên sông.

Ở quê tôi, Tết ngày đó nhà nào sang lắm mới gói bánh tét, nhưng cũng đủ cho gia đình ăn, chứ không dư giả để biếu cho bà con lối xóm. Có lẽ bánh tét là một thứ quà xa xỉ, bởi lo gạo ăn hàng ngày còn chẳng được, làm sao có nếp dành gói bánh. Số gia đình còn lại thì vài gói kẹo, mứt dừa, bánh in gõ. Trên bàn thờ ngày Tết chưng cúng ông bà chẳng món sang trọng, một vài trái đu đủ, xoài, mãng cầu, chuối, sung… Những thứ quả “cây nhà lá vườn” đa số người dân tự trồng lấy.

Người lớn đón Tết bằng thiếu trước hụt sau, bằng nỗi lo toan về chén cơm manh áo. Bọn trẻ tụi tôi cũng thế, dù ở tuổi ăn, tuổi mặc chưa biết lo lắng nhưng phải hưởng cùng hoàn cảnh. Ấy thế bọn trẻ cũng vui Xuân bằng những chiếc quần, cái áo ngày thường lắm lem mủ chuối, mủ khoai vẫn cười cười, nói nói; đến cái bánh in cả bọn cùng chia nhau ăn, cùng quây quần bên khuôn gõ bánh in của mẹ hay người hàng xóm. Trong 3 ngày Tết, đứa nào cũng muốn đi về nội, về ngoại, dù phải bơi xuồng, lội bộ hàng chục cây số.

Tết qua đi trong vội vã, mọi người tiếp tục cùng lao vào cuộc sống đời thường, lo miếng cơm, manh áo cho năm mới. Có lẽ chưa đợi hết 3 ngày Tết, chỉ mùng 2 thôi thì bóng người đã ló dạng ngoài đồng, với trăm công ngàn việc. Bọn trẻ cũng lẽo đẽo cùng người lớn ra đồng, đứa mò cua, bắt ốc; đứa chăn bò, cắt cỏ; đứa giữ đám dưa gang, dưa hấu...

Thế hệ chúng tôi giờ nhớ lại cuộc sống của người dân quê mình thuở Tết xa xưa ai cũng thấy cứ rấm rức…

“Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” vùng quê

Kể từ ngày đất nước bước vào công cuộc đổi mới bằng một chặng đường dài, được đánh dấu bằng Đại hội Đảng toàn quốc lần VI năm 1986, đã vạch ra phương hướng, con đường phát triển mới. Đất nước dần thay da đổi thịt, cuộc sống mưu sinh người dân quê tôi rộng mở hơn, họ tích cực làm việc trên chính mảnh đất quê hương mình. Dần, miếng cơm, manh áo bước đầu được no, ấm; cái nghèo khổ dần được khắc phục. Dù vậy, cũng đã bao lần Xuân đến vẫn nghèo vì “một miếng vải rách chỉ đỡ đầu ngón tay”, cái nhà trống toác chỉ miếng lá làm sao lợp đủ. Tết cũng lặp lại bằng một sự bình lặng, thiếu, thèm và lo.

Bước vào thế kỷ 21, đầu năm 2000, trong chiến lược phát triển kinh tế của Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ VIII nhiệm kỳ 2000-2005, cùng với những chính sách từ Trung ương trong việc hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn,... người dân quê tôi hăng say bắt tay vào công việc làm ăn, “tự lực cánh sinh” ở từng người, từng gia đình để thoát khỏi cái nghèo năm cũ. Những năm ấy là một chặng đường biết bao lợi thế mà vươn lên cũng lắm gay go. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục được khai hoang, cải tạo, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ từ một vụ lên hai, ba vụ. Xây dựng, nhân rộng “chiến thuật” “sống chung với lũ”, người dân tận dụng lũ về để đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cải thiện cuộc sống hàng ngày, thay vì trước kia phải lao đao, ngã nghiêng vì lũ. Thế là chẳng mấy chốc, cuộc sống người dân, không gian làng quê “nắng bụi mưa bùn”, “nằm trong đỉnh lũ” xứ tôi chuyển mình trông thấy; nỗi áo cơm ghì sát đất chẳng còn đeo bám nữa. Nhờ thế, cái Tết những năm đầu thế kỷ 21 rợn ngợp sắc cờ, niềm hớn hở hòa đầy trên khuôn mặt rám nắng của người dân Bình Chánh. Ngày cận Tết, thoáng xa sau bụi tre, hàng gáo làn khói nấu bánh tét chập chờn bay lượn lẫn trong tiếng mấy đứa trẻ í ới gọi nhau, người đi ruộng ngày cuối cùng năm cũ đã vắng bóng trên đồng...

 
Mọi thứ đều chuẩn bị cho ngày Tết, bọn trẻ thì đòi mẹ chở đi chợ mua đồ mới, người lớn tất bật dọn dẹp nhà cửa... Tết đã bén hương tỏa mùi trên từng cành cây ngọn cỏ. Những hàng mai ven rào đua tranh nở rộ, lúm chúm những bông tươi non cuộn nhau khoe sắc; đàn ong vù vù bay lượn, hút mật đóa hoa tươi nguyên của mùa Xuân mới.

Qua 5 năm thay đổi đáng tự hào. Thừa thắng xông lên, chiến lược phát triển kinh tế của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần IX, giai đoạn 2005-2010 đã nêu lên thế mạnh của An Giang là cây lúa và con cá. Vì vậy, cần phải tập trung phát triển dựa vào ưu thế trên, theo lộ trình hiện tại, lâu dài và hiệu quả cao ở từng địa phương. Nhiều chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và dân sinh được áp dụng, đã đưa thế mạnh của tỉnh phát triển được toàn diện. Trong bối cảnh lợi thế chung của tỉnh, người dân xã Bình Chánh quê tôi tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nội lực ở chính bản thân từng gia đình, dựa trên ưu thế ngoại lực từ chính sách lâu dài của tỉnh và Trung ương. Người dân không ngần ngại đầu tư phát triển sản xuất như: máy cày, máy kéo, máy gặt đập liên hợp...; chuyển từ trồng lúa sang trồng màu, chăn nuôi bò, heo, cá... Hiện nay lúa vụ 3 được mở rộng trên toàn bộ diện tích của xã, việc đầu tư hệ thống thủy lợi đê điều được đảm bảo với phương châm: thuận lợi phát triển, phát triển đa dạng và lâu dài.

Có thể nói, mùa Xuân trong giai đoạn này đánh dấu bước tiến của một quá trình mà Đảng bộ tỉnh An Giang đã bức phá thành công trên mọi lĩnh vực của tỉnh, hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững bằng chính tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Điển hình cho sự bức phá này là xã Bình Chánh, khởi đầu một xã nghèo, mọi thứ bắt đầu từ điểm xuất phát thấp, có khi là “số 0”, nhưng, với hàng loạt chính sách phù hợp, người dân đã tích cực vươn lên làm giàu. Đó là thắng lợi có ý nghĩa to lớn trong công tác xây dựng và phát triển ý Đảng - lòng Dân.



Mùa Xuân năm nay, về thăm quê, tôi không khỏi ngỡ ngàng, choáng ngợp trước sự thay đổi của một vùng quê thuở nào êm như ru, “buồn não nuột” khi Tết đến. Giờ thì cây cầu khỉ tồn tại hàng chục năm bắt qua con kinh trước nhà đã là cầu dây giăng. Con rạch Lung Ấu năm trước đi phải lội nước giờ được san bằng với cống thoát nước khép kín hiện đại phục vụ sản xuất lúa vụ 3. Đường kinh về ấp Bình Phước nối liền với xã Bình Mỹ và xã Cần Đăng (huyện Châu Thành) được trải nhựa bằng phẳng với ô tô chạy bon bon; nhà nhà đèn điện sáng chói. Nhà ngói đỏ rực; nhà tường hai, ba tầng mọc lên; đường xe qua lại ồn ào; xa xa ngoài cánh đồng, từng đám lúa xanh non mơn mỡn đang làm đồng... Chỉ độ mấy năm không về quê thôi mà đổi thay nhiều quá, khiến tôi có cảm giác“Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người”...

Qua bao mùa Xuân, thuở mùa Xuân nhạt nhòa hương vị, thuở mùa Xuân đã bị lãng quên bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền, nay mùa Xuân đã phát triển, mùa Xuân với bao hứa hẹn “thay da đổi thịt” của cảnh quê, của những người quê xứ tôi trong hành trình của đời sống mới. Giờ, thêm một mùa Xuân nữa lại về trong bao nỗi mừng vui của người xa xứ và người trụ xứ!

Sắc Xuân mới đang tràn ngập trên từng hàng giậu trước nhà, hơi Xuân đã bén trên từng đôi mắt của những em thơ, thanh niên, người lớn ở xứ tôi. Ai cũng dự tính cho mình kế hoạch đi chơi nơi đó, nơi đây cùng bè bạn. Tôi bỗng lan man trong dòng suy nghĩ “vớ vẩn”, hoài niệm bởi câu nói của người bạn ngồi sau xe: “con nít, tuổi teen thời nay sướng thật, Tết đến cái gì cũng có, có biết gì một thời quá khứ khổ cực của mùa xuân trước”. Âu, chỉ có cha anh mới hoài cảm một thời “đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa”, nên tụi tôi ra Xuân rồi là hối hả bước vào công việc mới, chẳng bao giờ dám nghĩ “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Bởi không khéo sẽ lặp lại cái nghèo năm cũ. Đó cũng là bài học “ôn cố tri tân” của những người hoài cổ...

Một thời thập niên 80 đất nước chênh vênh bên vực khủng hoảng, ngoại tệ không có, lương thực khan hiếm; người dân thiếu ăn, “ăn độn” bo bo, khoai lang, chuối; phải mua hàng bằng phiếu, “giá khoán”... Thoắt đấy mà hơn 30 năm trôi qua, 30 Xuân với những thăng trầm lịch sử. Giờ đất nước chuyển mạnh, xã Bình Chánh quê tôi hôm nay mọi nếp sống, nếp làm đều trên “vòng xoáy” phát triển của lịch sử và hiện tại.

Thành tựu của đất nước nói chung, người dân Bình Chánh quê tôi nói riêng là một minh chứng cho mọi đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng trong một bước dài phát triển của lịch sử, xã hội và con người. Bước đường ấy có những tổng kết tự hào và cũng không thiếu những bài học kinh nghiệm. Dẫu sao kinh nghiệm luôn là những “bài học chân lý” được đúc kết bằng “xương, máu”,  làm bệ phóng cho mọi sự đổi thay lớn hơn phía trước của đất nước, của tỉnh và của xã Bình Chánh quê tôi...

Ngày 7-2-2017 tới đây, UBND huyện Châu Phú sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh An Giang về việc công nhận xã Bình Chánh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.  


Liêu Ngọc Ân

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40100490