Truy cập hiện tại

Đang có 154 khách và không thành viên đang online

Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Đài truyền thanh cấp huyện, xã

(TGAG)- Thực hiện Đề án phát triển thông tin và truyền thông nông thôn đến 2015 và định hướng đến 2020. Năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc kiện toàn 05 Đài truyền thanh huyện, thị xã biên giới gồm: Tân Châu, Châu Đốc, Tri Tôn, An Phú, Tịnh Biên và thành lập mới 06 Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố: Long Xuyên, Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới, Châu Phú, Thoại Sơn. Đài truyền thanh huyện trực thuộc UBND cấp huyện làm nhiệm vụ truyền thông và hỗ trợ các đài xã về kỹ thuật, nội dung thông tin, đồng thời bố trí 1 viên chức của đài huyện công tác tại đài cấp xã. Đài truyền thanh cơ sở đã được trang bị 156 đài/156 xã, phường, thị trấn, là đơn vị trực thuộc UBND cấp xã, nhân sự và hoạt động do UBND xã quyết định.

Hằng năm, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ và vốn đối ứng từ ngân sách cấp huyện (khoảng 10 tỷ/năm), đã đầu tư cho sửa chữa nâng cấp trang thiết bị truyền thanh huyện, xã trên toàn tỉnh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ phủ sóng địa bàn dân cư đạt 85%; đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng xây dựng chương trình truyền thanh, nghiệp vụ viết tin, bài cũng như công tác quản lý, kỹ thuật vận hành thiết bị truyền thanh... Từ đó, công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở được củng cố, đảm bảo thông tin đến với người dân được nhanh chóng. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những nhiệm vụ chính trị của địa phương được thông tin kịp thời; công tác phản tuyên truyền được thực hiện trên mọi lĩnh vực, đạt hiệu quả cao hơn so với trước.

Tuy nhiên để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động đài truyền thanh cấp huyện, xã; đảm bảo tỷ lệ phủ sóng khu dân cư bình quân của hệ thống đài truyền thanh đạt 95% vào năm 2020, thiết nghĩ, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác tuyên truyền, đồng thời, phản bác, ngăn ngừa thông tin phản ánh sai lệch với chủ trương, đường lối của Đảng, đi ngược với lợi ích của nhân dân. Cần có cơ chế kiểm tra, theo dõi thường xuyên các chương trình truyền thanh; có sự phân công trách nhiệm cụ thể từ cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã trong công tác quản lý, chỉ đạo tuyên truyền. Có sự định hướng thường xuyên hơn cho các đài truyền thanh về nội dung tuyên truyền. UBND huyện, thị, thành thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhằm đảm bảo cung cấp thông tin chính thống, nội dung thông tin, tuyên truyền có tính chuyên sâu, hiệu quả lan tỏa rộng trong toàn tỉnh.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thông tin và truyền thông nông thôn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đảm bảo cho các hoạt động của Đài truyền thanh cấp huyện và cơ sở thông suốt và hiệu quả cao.

- Thường xuyên đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng; đảm bảo thông tin nhanh, đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước; đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh. Thường xuyên quan tâm cải tiến quy trình sản xuất chương trình, nâng cao chất lượng các thể loại. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ truyền thanh hiện đại vào sản xuất các chương trình hằng ngày theo hướng phóng viên phản ánh trực tiếp tại hiện trường; tạo sự tương tác giữa đài với người dân địa phương, thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp, để người dân cùng tham gia vào chương trình...

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chính trị cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên qua các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn. Dự kiến trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ phối hợp UBND các huyện để có kế hoạch đào tạo trung cấp, đại học đối với nguồn nhân lực cho Đài truyền thanh cấp xã. Thường xuyên phổ biến, tuyên truyền các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII)..., nâng cao phẩm chất đạo đức đội ngũ cán bộ, viên chức của đài. Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, đó chính là điều kiện cần thiết để chuyên môn hóa quy trình sản xuất, đổi mới phương pháp lao động sáng tạo, đáp ứng mục đích tăng chuyên đề, chuyên mục phục vụ yêu cầu đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng thông tin.

- Tăng cường vai trò trách nhiệm của lãnh đạo đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã, ban biên tập, biên tập viên và các thành viên trong tham gia sản xuất chương trình...

- Cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh trong các hoạt động đài truyền thanh cấp huyện, xã; trong việc triển khai các chương trình, đề án, dự án phát triển thông tin, truyền thông nông thôn.

- Tăng cường học tập kinh nghiệm quản lý và áp dụng các mô hình phát triển thông tin truyền thông nông thôn của các tỉnh, thành trong nước.

THÀNH NHƠN


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36729139