Truy cập hiện tại

Đang có 221 khách và không thành viên đang online

Học tập và làm theo tác phong gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(TGAG)- Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được xác định là công việc quan trọng và thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta với nhiều nội dung phong phú và thiết thực. Trong đó, việc học tập và làm theo tác phong gần dân hay nói cách khác là phong cách quần chúng của Người là một nội dung rất quan trọng và rất cần thiết, nó thể hiện mối liên hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đó là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

Tác phong gần dân thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời cách mạng của Người. Trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh có lòng tin vô tận đối với quần chúng, luôn luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: “...Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” hay “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”. Chính vì thế, Người luôn sâu sát quần chúng nhân dân, vì lợi ích của quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Bác Hồ thường tranh thủ đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội... từ miền núi đến hải đảo để thăm hỏi chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ, các chiến sỹ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Mỗi khi xuống thăm các cơ sở, cơ quan trường học, Người không cho báo trước. Người muốn biết thực chất tình hình ở cơ sở, chứ không chỉ nghe qua báo cáo. Khi xuống đến cơ sở, điều quan tâm đầu tiên của Bác là xem nơi ăn nơi ở, đến nhà ăn tập thể, nhà vệ sinh trước rồi mới ra hội trường nói chuyện với mọi người. Tác phong sâu sát, tỷ mỷ, cụ thể thiết thực của Người là mẫu mực của phong cách người lãnh đạo, thật sự là "người đầy tớ của nhân dân". Mỗi người dân Việt Nam đều khắc ghi trong trái tim mình hình ảnh một vị chủ tịch nước trong bộ quần áo bình dị, lội ruộng với nông dân, cùng tát nước chống hạn, cùng cuốc đất, đẩy xe với người lao động.
 
 
Chính tác phong gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng nhân dân của Người đã làm cho mọi người dân đến với Chủ tịch Hồ Chí Minh không chút e ngại mà bình thường, tự nhiên. Bác thường dạy: cán bộ, đảng viên "phải từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng"; “phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân”; “quần chúng chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân”. Người thường nhắc đến câu ca truyền miệng của Nhân dân Quảng Bình: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Tác phong gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là chuẩn mực nhân cách con người cách mạng mà lại không xa lạ với mỗi con người bình thường.
Để học tập và làm theo tác phong gần dân của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định trách nhiệm gắn bó với nhân dân trước hết thuộc về cán bộ, đảng viên của Đảng, công chức của Nhà nước, những người có nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên quan tâm thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện đúng đường lối quần chúng; yêu mến và tin tưởng vào khả năng và sức mạnh của nhân dân; coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân; thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân; biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân. Mọi cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng nhân dân; phải sửa đổi cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng; luôn đấu tranh chống tệ xa rời quần chúng, lên mặt “làm quan cách mạng”, “quan nhân dân”; luôn rèn đức, luyện tài, hết lòng phụng sự nhân dân, phải làm cho dân kính, dân yêu, dân phục. Hãy nhớ lời Bác dạy: “Mình có yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình”.

Xét ở góc độ khác tác phong gần dân hay phong cách quần chúng còn cần thiết trong quan hệ của cấp trên với cấp dưới. Đối với người lãnh đạo, hiểu dân và hiểu cấp dưới có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Hiểu dân là để hiểu cấp dưới được chính xác hơn, hiểu cấp dưới là để hiểu dân được đầy đủ hơn. Càng hiểu dân và càng hiểu cấp dưới, người lãnh đạo càng hiểu chính mình và từ đó rút ra được những điều bổ ích làm cho chủ trương, chính sách và quá trình lãnh đạo ngày càng hoàn thiện hơn.

Tác phong gần dân của Bác Hồ, một lần nữa khẳng định tư tưởng, tấm gương đạo đức “suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân”. Yêu nước, thương dân, suốt đời vì dân, vì nước luôn thường trực trong con người của Bác cả trong suy nghĩ và trong hành động. Đó là một nhu cầu, một nếp sống, một công việc quan trọng thường xuyên của Người. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên nghiên cứu học tập và thực hiện một cách nghiêm túc./.

Văn Giàu
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40152458