Truy cập hiện tại

Đang có 85 khách và không thành viên đang online

Nghề làm lu truyền thống ở thị trấn Ba Chúc

(TGAG)- Xưa, nghề làm lu khạp đã có một thời hưng thịnh khắp các địa phương trong cả nước. Bởi vì đây là dụng cụ chính để nhà nhà chức nước mưa, nước sông dùng trong sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên hiện nay do người dân sử dụng nước máy và có nhiều dụng cụ khác để trữ nước nên nghề này đã mai một dần, khó tìm được thị trường tiêu thụ. Nên hầu như người dân theo nghề này dần từ bỏ chỉ còn lại trong số đó là gia đình cụ Phạm Văn Hài, ngụ khóm Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn năm nay đã gần 80 tuổi, đang theo đuổi với nghề và quyết tâm cố giữ nghề truyền thống vì những chiếc lu khạp năm xưa chính là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình.


Làm nghề từ thuở lên 10, đến nay, ông Phạm Văn Hài sinh năm 1938 ngụ khóm Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn đã có 70 năm gắn bó với nghề làm lu. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe ông cũng yếu đi nhiều, công việc làm lu thì nặng nhọc nhưng ông cũng bám trụ với công việc ấy, như là thói quen.

Ông Phạm Văn Hài, khóm Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn chia sẻ “Ngày xưa, ở Ba Chúc có 3 người làm lu, nhưng giờ do không đem lại thu nhập cao nên họ đã chuyển sang nghề khác. Lúc đó, tôi đi học nghề cũng gian nan lắm, vì sợ nhiều người làm sẽ bị ế nên họ không dạy nghề cho ai hết, khi làm họ dừng kín hết xung quanh nhưng tôi cố tìm ra được chỗ trống nhỏ để nhìn lén học theo, về làm thử đầu tiên gỡ ra cũng hư vài ba chục cái mới có những cái lu thành công như hôm nay”.

Bằng sự kiên trì học hỏi và năng khiếu bản thân nên ông nhanh chóng lấy được lòng tin của bà con địa phương và các vùng lân cận như Lương Phi, Lê Trì, Lạc Quới, các xã của huyện Tịnh Biên, An Giang, thậm chí còn qua cả huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang,... làm nghề từ cái tâm nên những cái lu của ông luôn chắc chắn, sử dụng kỹ có thể đến vài chục năm. Khi đó ông bán được nhiều lắm một ngày có khi mấy chục cái, vì nhà nào cũng mua lu để trữ nước mưa uống lâu dài, sinh hoạt và chứa đựng những thứ cần thiết, nhà nhà đều sử dụng lu, một nhà nhiều nhất bình quân cũng 20 đến 30 cái.

“Nghề này rất khó đòi hỏi sự khéo léo và nhuần nhuyễn để tô cho đều nếu không lu sẽ bị nứt, không phải ai cũng có thể làm được kể cả những người thợ hồ giỏi, vì tô lu bằng thiết nên đòi hỏi phải có kỹ thuật thì mới không có chỗ mỏng chỗ dày và lu mới sử dụng được lâu dài. Làm lu thì có khung sẵn gồm 17 miếng sau khi gắn lại đắp đất sét cho láng lồng trong tô thành cái lu, sáng hôm sau gỡ ra thì tô xi măng vào phía trong lu, làm miệng và những hoa văn ở trên. Từ khi có điện nước nhu cầu sử dụng lu ngày càng ít đi, đôi khi ngày bán được 2-3 cái khi mấy ngày không bán được cái nào, bây giờ người dân chủ yếu sử dụng bồn chứa nước, chỉ những nhà nào nghèo mới còn sử dụng lu” - ông Phạm Văn Hài kể.

Nghề làm lu đã có từ rất lâu đời và cũng không biết có nguồn gốc từ đâu, từ khi sinh ra tôi đã biết đến nó và chỉ nghe những cụ già nói lại vì nhu cầu của người dân nghèo miền núi thiếu nước sinh hoạt nên người xưa đã tạo ra sản phẩm để chứa nước mưa sử dụng vào mùa khô và gọi là cái lu cho đến ngày nay. Nhưng hiện nay đã có điện nước kéo đến tận nhà mỗi người, không còn thiếu nước như ngày xưa nên sức mua lu giảm mạnh. Ông quyết tâm cố theo nghề vì đây là đam mê mặc dù mỗi cái lu làm xong lời chỉ 40-50 ngàn đồng,

Hiện nay ông tuổi cao, sức cũng yếu, lại có bệnh trong người nên ông cũng ít làm. Tuy nhiên ông cũng đã có người kế nghiệp là đứa con trai út anh Phạm Văn Thạnh năm nay đã 33 tuổi, nối nghề cha từ nhỏ nên anh yêu nghề lắm và cũng tự hào vì mình là người duy nhất tiếp nối nghề này tại địa phương. “Nghề này lúc trước cha gắn bó gần 40 năm, sau đó truyền lại cho tôi. Nhờ nghề này mà hồi trước gia đình có thu nhập ổn định, từ đó tích lũy được tiền mua ruộng đất” - anh Thạnh chia sẻ.

Thường thì anh nhận đặt hàng qua điện thoại, hay người dân tự tìm đến. Nếu bán tại chỗ mỗi cái lu giá 150.000 đồng, còn chuyên chở đi xa anh phụ thu thêm tiền xăng xe khoảng 20.000 đồng. Tuy vậy nhưng không phải ngày nào cũng có người đặt hàng, nhiều khi vài ba ngày mới làm được hai ba cái. Cho nên nghề này không còn là nguồn thu nhập chính, ngoài làm lu anh phải làm ruộng thêm để trang trãi cuộc sống.

Anh Phạm Văn Thạnh chia sẻ “Tôi gắn bó với nghề này hơn chục năm nay. Thời buổi bây giờ có thêm kiệu, nên lu bán chậm, có khi cả tuần mới có người đặt một cặp. Ngoài làm lu gia đình còn làm ruộng và buôn bán thêm để kiếm thu nhập. Tuy ít khách hàng, nhưng gia đình vẫn muốn tiếp tục theo cái nghề này, vì đây là nghề gia truyền đã một thời là cứu cánh của gia đình”.

Khi những cái lu xi măng đã phần nào bị người dùng lãng quên, đời sống càng tiến bộ người ta lựa chọn những dụng cụ nhẹ gọn, sang trọng, bên cạnh đó ở những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn cũng không ít người dân cần dùng đến, vì lý do này nên anh cố gắng làm để phục vụ những người cần thiết. Anh cũng quyết tâm cố theo nghề và tạo ra những chiếc lu kiểu mới hợp với thời đại hơn, dần dần mang chiếc lu trở nên cần thiết và gần gũi với người dân hơn./.

Châu Phong
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36571129