Truy cập hiện tại

Đang có 234 khách và không thành viên đang online

Bầu cử Quốc hội đầu tiên ở Nam bộ

(TGAG)- Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” bầu ra Quốc hội để soạn thảo Hiến pháp và cử ra Chính phủ chính thức.

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc bầu cử trong thời hạn 2 tháng (kể từ ngày ký sắc lệnh). Nhưng do sự cản trở của Lư Hán – Tiêu Văn cùng tay sai của họ trong Việt Quốc và Việt Cách, ngày bầu cử phải dời tới ngày 23/12/1945, sau đó phải bị hoãn đến ngày 06/01/1946. Ở Nam Bộ, nhiều tỉnh, thành tổ chức bầu cử ngày 06/01/1946, song có một số tỉnh, thành “do lệnh hoãn không kịp đến, nên tổng tuyển cử vẫn tiến hành như kế hoạch đã định trước là ngày 23/12/1945”, các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ bầu cử trong ngày 25/12/1945. Riêng tỉnh Tây Ninh không tổ chức bầu cử được vì chiến sự diễn ra ác liệt, một trong hai ứng cử viên bị địch giết hại.

Đối với nhân dân Nam Bộ, bầu cử Quốc hội là một dịp thể hiện ý chí bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyết tâm kháng chiến chống xâm lược.

Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, hàng trăm cán bộ chia nhau đi các ngả, vào từng khu phố lập danh sách cử tri và vận động đồng bào tham gia bầu phiếu đông đảo. Ở những nơi không thể lập phòng phiếu cố định, cán bộ phải mang thùng phiếu lưu động đến từng hẽm, từng nhà cho đồng bào bỏ phiếu.

Ở những vùng do chính quyền kháng chiến kiểm soát, cử tri hồ hởi, phấn khởi đi bỏ phiếu với tỷ lệ rất cao (90,77% ở Bạc Liêu, 93,54% ở Sa Đéc…).

Tại vùng tạm chiếm, cuộc bầu cử diễn ra rất quyết liệt, thậm chí có đổ máu, tại Sài Gòn – Chợ Lớn, 42 cán bộ làm công tác bầu cử hy sinh, trong đó có Chủ tịch Ủy ban kháng chiến thành phố Nguyễn Văn Tư).

Tại Tân An, máy bay Pháp xả súng bắn vào nơi quần chúng đi bỏ phiếu làm 14 người chết và nhiều người bị thương; nhiều nơi phải bỏ phiếu ban đêm, vậy mà có trên 90% cử tri đi bỏ phiếu.

Tại Mỹ Tho, ngày bầu cử, máy bay Pháp bắn phá dữ dội suốt ngày, rà theo khắp các kinh rạch nhưng ở một số nơi cán bộ ta vẫn chèo xuồng, chèo tam bản, đánh trống, chở thùng phiếu len lỏi vào tận các mương xẻo rạch nhỏ, nơi đồng bào tản cư để đồng bào bỏ phiếu.

Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn và 19 tỉnh Nam Bộ đã bầu được 73 đại biểu Quốc hội thuộc nhiều dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội, ngành nghề…khác nhau.

Riêng ở hai tỉnh Long Xuyên - Châu Đốc ( An Giang ngày nay) đã có tiếng súng nổ trong những ngày này. Tàu chiến Pháp từ Cần Thơ theo dòng sông Tiền bắn phá hai bên bờ nhằm mục đích thăm dò. Chính quyền cách mạng và nhân dân Long Xuyên  - Châu Đốc quyết tâm giữ trọn lời thề “ Độc lập hay là chết” bằng hành động thiết thực tham gia đi bầu cử Quốc hội khóa I. Tỉnh Long Xuyên bầu 4 đai biểu, tỉnh Châu Đốc bầu 3 đại biểu.

Cùng với cà nước, nhân dân Nam Bộ - trong đó có An Giang đã thể hiện quyết tâm, khát vọng dân chủ của các tầng lớp nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong gìn giữ đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất.


Phòng Lịch sử Đảng

_____________

Nguồn: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập I, NXB CTQG  


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37035283