Truy cập hiện tại

Đang có 135 khách và không thành viên đang online

Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên ở An Giang

(TGAG)- Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Cách mạng đã thổi một luồng gió mới vào mọi mặt của đời sống xã hội, đem lại quyền làm chủ cho nhân dân. Một trong những quyền quan trọng là được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội.

Chỉ hơn 4 tháng sau ngày độc lập, toàn thể nhân dân chào đón ngày hội lớn - ngày Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước. Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 06/01/1946 với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến đã nô nức tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh chính trị rất phức tạp. Ở Nam Bộ, thực dân Pháp đã mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, dựng lên chế độ “Nam Kỳ tự trị” với một chính phủ bù nhìn tay sai. Ở phía Bắc, 18 vạn quân Tưởng lấy danh nghĩa đồng minh tràn vào tước vũ khí quân Nhật. Chúng kéo theo bè lũ tay sai Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam cách mệnh đồng minh hội... về nước, hòng chiếm lấy chính quyền. Ỷ thế bọn Tưởng, những tên Việt gian hoành hành dữ dội, nói xấu chính phủ lâm thời, phá hoại tổng tuyển cử và gây ra nhiều vụ cướp của, giết người rất dã man. Mặc dầu bọn chúng dùng nhiều thủ đoạn bỉ ổi để đe dọa và xuyên tạc, nhân dân các nơi vẫn phân biệt được trắng đen, bày tỏ niềm tin tưởng vào những đại biểu Việt Minh và những người yêu nước chân chính.

Mặc dù chiến tranh lan rộng khắp Nam Bộ, Đảng bộ và chính quyền Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang hiện nay) vẫn tổ chức tốt cuộc bầu cử. Những nơi bỏ phiếu là đình, chùa, trường học, nhà dân... đều được treo cờ, kết hoa. Bàn thờ Tổ quốc uy nghi có nhang đèn và mâm ngũ quả trang trọng ở giữa. Anh em du kích nai nịch gọn gàng canh gác và phục sẵn các ngả đường, bảo vệ cho bà con đi bỏ phiếu và sẵn sàng chiến đấu nếu thực dân Pháp trở lại. Ngày 6/01/1946 thật sự là ngày thiêng liêng của người dân Việt Nam nói chung và dân An Giang nói riêng - lần đầu tiên người dân Long Xuyên, Châu Đốc được trực tiếp cầm lá phiếu bầu ra đại diện của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất - Quốc hội khóa I của nước Việt Nam độc lập. Hơn 95% cử tri đã tham gia bầu cử. Tỉnh Long Xuyên bầu 4 đại biểu gồm: Ung Văn Khiêm (quê Tấn Mỹ, Chợ Mới, nguyên là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), Dương Văn Ân, bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng (quê Mỹ Hiệp, Chợ Mới, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Anh hùng lao động) và Nguyễn Hữu Nghi. Tỉnh Châu Đốc đã chọn được 3 đại biểu là Trương Tấn Phát, Hồ Thiếu Ngạn, Dương Kim Chung.

Với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Nhà nước Dân chủ Cộng hòa, toàn thể nhân dân từ Nam chí Bắc đã tham gia bỏ phiếu. Hồ Chủ tịch trúng cử với tỷ lệ cao nhất 98,4% số phiếu bầu.

Do hoàn cảnh chiến tranh, Quốc hội khóa I với nhiều khó khăn, cam go, thử thách. Với 12 kỳ họp, đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Qua 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã xem xét và thông qua 2 bản Hiếp pháp 1946 và 1959; 11 đạo luật và 50 nghị quyết. Nhiều đạo luật có ý nghĩa quan trọng, quy định những quyền tự do rất cơ bản của người dân: Luật Cải cách ruộng đất, Luật quy định quyền tự do hội họp, Luật quy định quyền lập hội, Luật bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân, Luật về chế độ báo chí... Quốc hội đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo cho chính phủ đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc. Quốc hội đã góp phần quan trọng vào hoạt động đối ngoại chung của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đã nhất trí để Chính phủ ký với Pháp Hiệp định sơ bộ vào ngày 06/3/1946... Đánh giá về hoạt động khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”.

Những thành tựu trên đều do cuộc bầu cử Quốc hội đem lại.

Cuộc bầu cử thành công có ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện ý thức làm chủ của nhân dân, giáng một đòn mạnh mẽ vào âm mưu chia rẽ dân tộc của kẻ thù.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử thể hiện niềm tin sắt đá của toàn dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch. Nó biểu dương sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, thể hiện quyết tâm xây dựng chế độ xã hội mới.

Một lần nữa khẳng định thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đã đánh dấu sự khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phòng Lịch sử Đảng


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36722824