Truy cập hiện tại

Đang có 187 khách và không thành viên đang online

Vượt qua khó khăn, đưa kinh tế - xã hội An Giang phát triển nhanh, bền vững

(TUAG)- Nhân dịp đầu năm mới và đón Tết cổ truyền Canh Tý của dân tộc, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn về những kết quả đạt được trong năm vừa qua và quyết tâm của tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển trong năm 2020.



PV: Thưa đồng chí, năm 2019 đã qua, tuy có nhiều khó khăn nhưng tỉnh An Giang đạt được những thành tựu hết sức nổi bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 13/13 chỉ tiêu HĐND tỉnh giao  đều đạt và vượt. Xin đồng chí làm rõ thêm những thành tựu trên!

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình: Như chúng ta đã biết, năm 2019 vừa qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động với chiều hướng tiêu cực, chiến tranh thương mại, xu thế bảo hộ của một số quốc gia đã gây ảnh hưởng đến kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế nước ta, địa phương và tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,… đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, giám sát của HĐND tỉnh, cùng sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân, An Giang đã thực hiện đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu Nghị quyết số 21/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong đó có 08 chỉ tiêu đạt và 05 chỉ tiêu vượt. Đáng chú ý là các chỉ tiêu vượt kế hoạch như tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.887 tỷ đồng; Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 6.700 tỷ đồng; Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%... là những chỉ tiêu rất đáng ghi nhận. Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn ước thực hiện năm 2019 tăng 7,02%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,65%, khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 9,40% và khu vực dịch vụ tăng 8,90%. Cơ cấu kinh tế tỉnh ta tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực và dần ổn định.

Về xây dựng nông thôn mới, An Giang đã có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận gồm: huyện Thoại Sơn, thành phố Châu Đốc và thành phố Long Xuyên. Có 61/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,26% và hoàn thành mục tiêu Chương trình sớm hơn 01 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh.

Ngành du lịch với các khu du lịch trọng điểm như Núi Sam, Núi Cấm, Trà Sư, Cù Lao Giêng tiếp tục được quan tâm đầu tư, quy hoạch phát triển; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ước cả năm 2019, An Giang đón khoảng 9,2 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 8,24% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 120 nghìn lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.500 tỷ đồng.

Hơn 30 ngàn lao động tạo công ăn việc làm ổn định. Đặc biệt có 430 lao động đi xuất khẩu lạo động tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản 292 lao động, Đài Loan 100 lao động, Hàn Quốc 21 lao động. Tiếp tục tổ chức và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dự án chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, y tế... cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

PV: Để đạt được các thành tựu trên, đâu là mấu chốt giúp tỉnh ta vượt qua những thách thức bất lợi cả khách quan lẫn chủ quan?

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình: Bên cạnh những thành tựu phát triển như trình bày trên thì chúng ta đã phải vượt qua rất nhiều thách thức. Đó là giá cả các mặt hàng chủ lực (lúa, cá tra) thiếu ổn định, thường duy trì ở mức thấp. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, giông lốc, sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân; khai thác khoáng sản trái phép và chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường vẫn còn tiếp diễn. Dịch bệnh trên người (sốt xuất huyết, tay chân miệng) xảy ra tăng so cùng kỳ. Đặc biệt là xuất hiện dịch tả heo Châu Phi làm gia tăng nổi lo người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi của tỉnh và ổn định giá cả thị trường nhất là giá thịt heo dịp cuối năm. Công tác phòng, chống tội phạm có giảm, nhưng có lúc, có thời điểm còn xảy ra nhiều vụ phức tạp. Tình trạng xâm hại trẻ em, ma túy, tín dụng đen diễn ra phức tạp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Và để vượt qua những thách thứ đó, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo luôn đề cao vai trò giám sát của HĐND trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp trong việc lấy ý kiến nhân dân, tích cực tham gia công tác phản biện xã hội đối với những vấn đề lớn của HĐND, UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân, những kiến nghị chính đáng của cử tri, đại biểu HĐND tỉnh trước và sau các kỳ họp, những nội dung phản ánh của các tổ chức đoàn thể, mặt trận; khắc phục kịp thời những khuyết điểm, thực hiện có hiệu quả công tác điều hành đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển đã đề ra.

PV: Thời gian qua, nhất là sau hội nghị xúc tiến đầu tư, An Giang đã trở thành điểm đế n của nhiều nhà đầu tư lớn trong lẫn ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, xin đồng chí cho biết thêm những thành tựu nổi bậc trong thu hút đầu năm qua cũng như thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình: Thời gian vừa qua, nhất là sau khi Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang được tổ chức thành công năm 2018, đến nay có nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược đã quan tâm nghiên cứu và đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang. Trong năm 2019, có 76 dự án đăng ký đầu tư mới, trong đó, có 02 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 74 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký là 17.636 tỷ đồng.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương, cũng như sự nỗ lực, tập trung của các Nhà đầu tư, trong năm 2019 đã có nhiều dự án lớn được hoàn thành, đưa vào hoạt động như: Nhà máy điện mặt trời Sao Mai (giai đoạn 1), Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 1 và Văn Giáo 2, Siêu thị Coopmart Thoại Sơn, Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao ở Tân Châu của Công ty Cá tra Việt Úc,…

Bên cạnh đó, nhiều dự án đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, đang trong giai đoạn hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục tiếp theo, dự kiến sẽ khởi công vào những tháng đầu năm 2020, như: Nhà máy điện mặt trời Sao Mai giai đoạn 2, Khu đô thị Nam thành phố Long Xuyên (của Tập đoàn FLC), Khu đô thị mới Tây Nam thành phố Long Xuyên (của Cty 620 TP.HCM), Khu đô thị mới Bình Khánh và Khu đô thị mới Vàm Cống (của Tập đoàn T&T), dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung (của Tập đoàn TH), Trung tâm Thương mại Dịch vụ Kết hợp Căn hộ Cao cấp (của Tập đoàn Phú Cường),…

Đồng thời, một số dự án lớn khác cũng đã được Nhà đầu tư thực hiện khảo sát, nghiên cứu, đang trong quá trình hoàn chỉnh quy hoạch và thủ tục đầu tư tiếp theo như: Tổ hợp Khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại và Shophouse, Khu đô thị du lịch Mỹ Hòa Hưng, Khu Công nghiệp Vàm Cống, Khu Công nghiệp Hội An, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thoại Sơn,…

Ngoài các dự án đã được ký kết hợp tác tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018, trong năm 2019, UBND tỉnh cũng đã tiếp các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến An Giang để nghiên cứu đầu tư các dự án lớn như: Khu công nghiệp thông minh Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Xuân Tô, huyện Tịnh Biên; các Nhà máy nhiệt điện đốt bằng nhiên liệu cây Cao lương sinh khối; Khu du lịch Núi Cấm,…

Trong năm 2020, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các Nhà đầu tư để sớm triển khai xây dựng, đưa dự án vào khai thác, phát huy hiệu quả các dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tôi tin rằng, với sự cam kết đồng hành với doanh nghiệp của Lãnh đạo tỉnh, cùng với môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi và minh bạch, trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư chiến lược với các dự án lớn sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang.

PV: Trong kỳ họp Ban chấp hành Tỉnh ủy vừa qua, cũng như phiên họp HĐND tỉnh An Giang cuối năm 2019, chúng ta một lần nữa đặt ra vấn đề phải xem xét lại những mũi nhọn kinh tế cũng như lợi thế so sánh của An Giang. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về vấn đề này.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình: Lần đầu tiên khẳng định là không phải đến thời điểm này chúng ta mời đặt ra việc xem xét lại những lợi thế so sánh riêng biệt của An Giang trong việc xác định mũi nhọn cho phát triển kinh tế tỉnh ta mà thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cũng đã nhiều lần đặt ra vấn đề trên để định hướng phát triển, cũng như hoạch định cơ cấu kinh tế địa phương. An Giang vẫn xác định nông nghiệp là cốt lõi trong cơ cấu kinh tế. Theo đó, An Giang sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm chủ lực. Đưa các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh tiếp cận các hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với Hợp tác xã, Tổ hợp tác tham gia vào mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Thực hiện chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang những loại cây hoa màu có giá trị kinh tế cao hơn. Triển khai tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo 2016-2020, thay đổi cơ cấu giống lúa gieo trồng theo hướng tăng những giống lúa chất lượng cao có thương hiệu được doanh nghiệp bao tiêu với giá mua được đặt trước.

Phát huy vai trò của khoa học - công nghệ với doanh nghiệp là trung tâm; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và quản lý, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Ưu tiên đầu tư các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm tăng cường hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo nhiều sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Đối với du lịch, An Giang sẽ phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch An Giang trong và ngoài nước; Triển khai cổng thông tin du lịch và triển khai App du lịch thông minh để du khách dễ dàng tra cứu, tìm hiểu về du lịch An Giang. Khai thác hợp lý các nguồn lực phát triển du lịch theo hướng bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững; Chủ động thực hiện liên kết vùng trong phát triển du lịch, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để tăng lượng khách du lịch đến An Giang. Đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch theo tiêu chuẩn chất lượng chung của cả nước và từng bước tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thực hiện hiệu quả công tác chấn chỉnh hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, các khu - điểm du lịch. Bên cạnh đó, giải quyết triệt để nạn ăn xin, chèo kéo, đeo bám du khách nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho du khách; Bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách du lịch. Đưa An Giang trở thành một trong những trung tâm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

PV: Chân thành cảm ơn đồng chí! Chúc tỉnh An Giang đạt nhiều thành tựu cao hơn nữa trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo.

Bảo Trị (thực hiện)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40297266