Truy cập hiện tại

Đang có 77 khách và không thành viên đang online

Dự báo một số thách thức về đối ngoại nước Mỹ phải ứng phó trong năm 2023

(TUAG)- Nước Mỹ đã trải qua năm 2022 không ít sóng gió trong vấn đề ngoại giao. Cuộc xung đột tại Ukraine là một phần nổi bật trong hồ sơ đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden trong năm 2022. Ngay từ những ngày đầu Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ đã nỗ lực khẳng định vị thế dẫn dắt và tầm ảnh hưởng quốc tế. Do vậy, cạnh tranh Mỹ - Nga càng bộc lộ tính quyết liệt hơn. Là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, thách thức đầu tiên trong năm 2023 của chính quyền Tổng thống Biden theo các chuyên gia sẽ là phải duy trì viện trợ quân sự, nguồn cung cấp vũ khí ổn định cho Ukraine dưới sự giám sát chặt chẽ hơn từ đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện.



Kể từ khi xung đột xảy ra, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã mở “cuộc chiến” trừng phạt, cấm vận “chưa từng có” đối với Nga. Cuộc xung đột đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt. Do vậy, chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải duy trì sự thống nhất với các đồng minh châu Âu để tiếp tục gia tăng sức ép lên Nga cũng như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Các nhà phân tích của Foreign Policy cho rằng, mặc dù châu Âu ủng hộ Ukraine nhưng việc giá năng lượng, lương thực tăng cao và suy thoái kinh tế cũng khiến các nước châu Âu khó đưa ra quyết định.
    
Thách thức thứ hai về đối ngoại Mỹ phải đối mặt trong năm 2023 là sự cạnh tranh và quản lý cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Trong năm 2022, Tổng thống Mỹ Biden đã đẩy cuộc cạnh tranh chất bán dẫn với Trung Quốc lên cao với việc ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS siết chặt xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc. Động thái nhằm ngăn cản sự cạnh tranh từ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.

Thách thức thứ ba là vấn đề hạt nhân. Trước tiên là đàm phán hạt nhân Iran. Trong năm 2022 những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Biden nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran rơi vào bế tắc. Cả Mỹ và Iran đều thừa nhận rằng các cuộc đàm phán kết thúc mà không đạt kết quả gì. Đặc phái viên Mỹ về Iran - ông Robert Malley cảnh báo Iran sắp đủ nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân và cáo buộc Tehran phá hỏng các thỏa thuận. Tiếp đến là vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trong năm 2022, Triều Tiên vượt kỷ lục về số vụ phóng đạn pháo và tên lửa đạn đạo. Trong năm 2023, Mỹ và Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tập trận quân sự chung và lên án chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tại Liên hợp quốc (LHQ). Tuy nhiên giới quan sát cho rằng với mối quan hệ “phức tạp” của Mỹ với 2 thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ là Nga và Trung Quốc, các nỗ lực như vậy tại LHQ sẽ không dễ dàng.

Trong khi đó, tương lai của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) - hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn sót lại giữa Mỹ và Nga vốn được coi là đóng góp tích cực vào nỗ lực ngăn chặn sử dụng và phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới - dự báo sẽ đối mặt với tương lai khó đoán. Nga và Mỹ ký New START năm 2010. Tháng 02/2021, hai bên đã gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, đến ngày 05/2/2026. Cuối tháng 8/2022, đã xuất hiện những tín hiệu về khả năng nối lại đàm phán về việc gia hạn Hiệp ước New START song vẫn chưa có tiến bộ đáng kể nào trong vấn đề này.

Việc Đảng Dân chủ không duy trì được thế đa số tại Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2022 sẽ tác động lớn đến các bước triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden. Hiện Đảng Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ là điều tra việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan năm 2021, sau đó là viện trợ cho Ukraine, cũng như chính sách đối với Trung Quốc. Quyết định rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021 của Mỹ đến nay vẫn gây tranh cãi. Những chuyến bay sơ tán hỗn loạn tại sân bay quốc tế Kabul làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nước đồng minh phương Tây và người dân trong nước.

Vấn đề lớn khác là viện trợ quân sự cho Ukraine. Mặc dù Quốc hội Mỹ đã tăng cường ngân sách cho Lầu Năm Góc vượt hơn yêu cầu của Mỹ, nhưng một số nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn giảm mức viện trợ cho Ukraine. Hạ nghị sĩ Cộng Hòa Marjorie Taylor Greene tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hơn viện trợ quân sự cho Kiev, và Thượng nghị sĩ J.D.Vance cho biết ông không “thực sự quan tâm” đến những gì xảy ra với Ukraine.

Cuộc xung đột tại Ukraine là một phần nổi bật trong hồ sơ đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Biden. Washington đã nỗ lực khẳng định vị thế dẫn dắt và tầm ảnh hưởng quốc tế ngay từ những ngày đầu xung đột nổ ra. Mỹ hiện là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, trong đó hơn 18 tỷ USD là viện trợ quân sự, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, cuộc xung đột đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong khi sự ủng hộ của đảng Cộng hòa đối với các gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine suy giảm, trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao.

Cuối cùng, vấn đề đang đặt ra với chính quyền Tổng thống Mỹ Biden năm 2023 là đảm bảo nguồn cung năng lượng, tránh tăng giá đột biến ở trong và ngoài nước. Quốc hội Mỹ năm 2022 đã thông qua dự luật lớn về khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Biden để dần giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, làm gia tăng căng thẳng với các đồng minh châu Âu./.

T.N
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40484537