Truy cập hiện tại

Đang có 177 khách và không thành viên đang online

Phải rèn luyện “tính đảng”!

(TUAG)- Tháng 10-1947, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với mục đích định hướng, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng. “Rèn luyện tính đảng” là một trong những vấn đề quan trọng được Hồ Chí Minh đề cập với mục đích giúp cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện tốt bổn phận và trách nhiệm của mình đối với Đảng, đối với dân tộc, phòng tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân.



Nhằm chỉ dẫn, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần “tự phê bình và phê bình” kiên quyết loại bỏ “chủ nghĩa cá nhân” làm cho Đảng ta được trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến “bổn phận của cán bộ, đảng viên” phải “phải rèn luyện tính Đảng” để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng của “tính đảng” đối với mỗi cán bộ, đảng viên: “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”(1).

Theo Người, người có tính đảng là người: “Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn; lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”(2). Vì “kém tính đảng” mà cán bộ, đảng viên mắc phải những căn bệnh - xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân mà ra, đó là: “Bệnh ba hoa, Bệnh chủ quan, Bệnh địa phương, Bệnh hình thức, Bệnh ham danh vị, Bệnh ích kỷ, Bệnh thiếu kỷ luật, Bệnh hủ hoá, Bệnh cẩu thả (gặp sao hay vậy), Bệnh thiếu ngăn nắp, Bệnh xa quần chúng, Bệnh lười biếng”(3). Mắc phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc, tức là “kém tính đảng”. Vì vậy, cần phải nâng cao nguyên tắc “tự phê bình và phê bình” để nâng cao tính đảng của bản thân, có thế Đảng mới mạnh.

Như vậy, đối với mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta, ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì không có lợi ích gì khác, lợi ích của cá nhân phải phục tùng lợi ích tập thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài”(4) và “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”(5).

Để nâng cao “tính Đảng”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hành bốn điều sau:

“1. Phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại cái thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo.

2. Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật - mục đích là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ…

3. Phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương.

4. Phải đòi hỏi mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư; cần, kiệm, liêm, chính!”(6).

“Tính đảng” trong mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện trước tiên ở lời nói, song biểu hiện tập trung, tin cậy nhất ở hành động. Theo Hồ Chí Minh, trong công việc, muốn đạt kết quả tốt mỗi cán bộ, đảng viên cần điều tra tình hình thực tế, nắm bắt nguyện vọng của quần chúng. Sau đó, phải quyết tâm thực hiện một cách kiên quyết, triệt để. Người chỉ rõ: “Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết”(7).

Trong bối cảnh hiện nay, để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình; tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao hơn nữa “tính Đảng”, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

Nam Lê
_______________
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG – ST, Hà Nội, 2011, tr.307.
[2] Sđd, tr.307.
[3] Sđd, tr.307.
[4] Sđd, tr.290.
[5] Sđd, tr.290-291.
[6] Sđd, tr.307-308.
[7] Sđd, tr.307.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40581161