Truy cập hiện tại

Đang có 65 khách và không thành viên đang online

Người “làm chuyện thiên hạ”

(TUAG)- Chúng tôi đến xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) để tìm gặp chị Nguyễn Thị Minh (43 tuổi), sau khi chị vừa được mời ra Hà Nội dự một chương trình về giao thông. Cảm xúc vẫn còn đong đầy từ chuyến đi ấy, chị càng buộc mình phải làm tốt hơn nữa thương hiệu “cô gái vá đường”.

Chị chờ chúng tôi ven đường, khi nắng bắt đầu lên cao. Nhưng suốt quá trình vừa đổ cát, đá, xi-măng vá đường, chị không kể về mình, mà say sưa nói về 5 chú chó chị lượm được, cũng từ hành trình vá đường. Cùng với đó là những câu chuyện rôm rả của người cùng cảnh ngộ, cùng làm “chuyện thiên hạ”.
 


Trong câu chuyện của chị, chị kể về lý do tại sao mình nặng nợ với chuyện vá đường, với những con đường đầy vết “lở loét”, lời khen thì ít, nhưng tiếng gièm pha thì rất nhiều. “Một đêm khuya, lúc chuẩn bị đi ngủ, bỗng dưng tôi nghe ngoài cửa mọi người sơ cứu cho cô gái bị té vì con đường quá nhiều ổ gà. Tưởng chừng chỉ là vết sướt nhẹ, nhưng sau này tôi mới biết được, cũng đêm hôm đó, cô gái ấy về nhà ở tận Kiên Giang, được gặp người thân rồi hôm sau tử vong vì vụ tai nạn ấy. Trong đầu tôi xuất hiện câu hỏi: Làm thế nào để có thể hạn chế được những đoạn đường ổ gà như thế? Đó là động lực thôi thúc tôi đi vá đường” – chị bày tỏ.

Bình thường, những công việc nặng nhọc như thế đâu phải là chuyện của nữ giới. Nhưng chị vẫn xông pha đội mưa nắng, ngày này qua ngày khác, khiến những vết sạm nám trên gương mặt dần nhiều thêm. Chưa kể, để nắm vững “công thức” trộn bê-tông “vá đường” như hôm nay, chị trải qua nhiều lần thất bại. Vấn đề khó cứ phát sinh hàng ngày. Quyết tâm thì có thừa, nhưng chị phải loay hoay tìm hướng thực hiện tối ưu nhất, trong khi bản thân không có kiến thức gì về xây dựng, làm đường. Và thế là quá trình học nghề “vá đường” của chị bắt đầu. Ngặt nỗi, công việc này đâu có trường lớp nào để mà học. Thế là chị đi học lóm của mấy anh thợ hồ quanh xóm.

Việc trộn hỗn hợp bê-tông để xây nhà hay làm đường đều có công thức khác nhau, người không am hiểu khó làm được. Với chị cũng thế. Cũng tìm tòi, cũng pha trộn, cũng thất bại rất nhiều lần mới có thể tạm nói là thành công như bây giờ. Khó khăn nhất là thời gian đầu khi chưa có nhựa đường, phải dùng xi-măng để vá, từ tờ mờ sáng đến khi tối mịt.

Chị kể: “Ban đầu nhìn mấy anh thợ hồ xây nhà trộn bê-tông rất nhão, tôi làm y chang vậy, đem ra đắp vá đường. Nhìn sơ qua thì rất đạt yêu cầu, nhưng tới chừng có chiếc xe tải chạy ngay chỗ vừa mới tráng thì tất cả văng hết, không còn thứ gì… Nản lắm!”. Chị quyết tâm làm lại lần hai, lần ba,… và thành công đã mỉm cười với chị. Thấm thoát hơn 10 năm, nghề dạy nghề, thành công hôm nay phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng sự vất vả và cả tuổi thanh xuân của chị.
 

Việc làm của chị Minh hết sức có ý nghĩa, đã góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho địa phương

Với chiếc xe máy cà tàng, chị chở lỉnh kỉnh xi-măng, cát, đá… đi mọi ngõ ngách để vá đường theo yêu cầu của bà con. Nếu kể về những thành công như hiện tại mà không nói về nỗi khó khăn, vất vả thì rất thiếu sót. Đó là, làm những việc nặng nhọc của cánh đàn ông, là không đủ tiền để mua vật liệu, là dầm mưa gió ảnh hưởng sức khỏe, bị lời qua tiếng lại không hay về mình. Nhưng chị bỏ ngoài tai tất cả. Khó khăn là động lực để chị cố gắng thật nhiều hơn nữa. Mỗi lần vá lành lặn một đoạn đường, trong lòng chị khơi lên niềm vui khó tả, nên chị không bao giờ có ý định thôi làm chuyện “thiên hạ” như thế này…

Việc làm của chị Minh hết sức có ý nghĩa, đã góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho địa phương. Đồng thời, chị còn là một tấm gương để người dân ở địa phương noi theo. Trong đó, có bà Phan Thị Hậu (63 tuổi), bạn đồng hành cùng chị. Tuy gia cảnh không khá giả gì, quanh năm làm mướn nhưng thấy chị đi làm vất vả, bà Hậu tình nguyện đi cùng để giúp đỡ, cùng nhau làm “chuyện bao đồng”, vậy mà thanh thản trong lòng. Vừa chuyện trò vừa không ngơi tay làm việc, chị Minh cùng bà Hậu, người trộn hồ, người rải đá. Hai người cứ thế trám cho đến hết “ổ gà”, khi trời dần nắng gay gắt.
 

Niềm vui của chị Minh và bà Hậu sau khi hoàn thành công việc “vá đường”

Giờ đây, thấy trước nhà có “ổ gà” là người dân gọi cho chị Minh nhờ vá lại. “Nhiều khi chị ấy còn tự móc tiền túi mua vật liệu vá đường. Bà con cho tiền, chị nhận cũng dùng để mua vật liệu vá con đường nơi khác” - bà Mai Thị Chanh (60 tuổi, ngụ cùng xã Lương An Trà), khen ngợi. Thấy hai phụ nữ lui cui giữa trời trưa, bà làm 2 ly nước lạnh đem ra tặng, chia sẻ chút tấm lòng.
Một khi đường sá được đầu tư nâng cấp, nghề vá đường của chị Minh có lẽ sẽ “thất nghiệp”. Đem suy nghĩ này hỏi chị, chị khẳng định: “Không bao giờ tôi để mình thất nghiệp. Nếu Nhà nước làm hoàn chỉnh con đường lớn, vậy thì còn những con đường nhỏ, lộ nông thôn cần người dân như chúng tôi tham gia sửa chữa, góp công góp sức”.

Chúng tôi chia tay chị Minh và bà Hậu bằng nụ cười rạng rỡ của họ. Cũng là chuyện xoay quanh vá đường, cũng là chuyện làm từ thiện theo cách không giống ai, chị Minh chỉ mong mỏi có thật nhiều sức khỏe và nhiều nhà hảo tâm ủng hộ tiền bạc để sắm phương tiện, mua bê-tông nhựa để thay thế cho xi-măng, để rong ruổi khắp những con đường, ngõ hẻm, tiếp tục viết tiếp câu chuyện “người làm chuyện thiên hạ”./.

Hữu Đặng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40738068