Truy cập hiện tại

Đang có 26 khách và không thành viên đang online

Châu Thành thi đua “Dân vận khéo”

(TUAG)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, tất cả vì dân, tất cả do dân, có dân là có tất cả. Bác chỉ rõ: Công tác dân vận là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành tập hợp vận động, đoàn kết Nhân dân, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng của Đảng. Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.


Cất mới cầu nông thôn từ nguồn xã hội hóa


Vận động quà cho hộ nghèo trên địa bàn huyện

Thấm nhuần tư tưởng của Người: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao” trên địa bàn huyện được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, phát huy hiệu quả thiết thực trong việc tập hợp, vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nông thôn mới của huyện.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ” và “Dân vận khéo trong xây dựng Nông thôn mới” được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh. Ban Dân vận, Mặt trận Tổ Quốc, các Đoàn thể chính trị - xã hội của huyện tham mưu với cấp ủy, phối hợp cùng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát; tổ chức nhiều cuộc hội nghị tập huấn, tọa đàm để trao đổi, bàn bạc về cách làm; lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động, phát động đăng ký thi đua; chọn điểm xây dựng mô hình “Dân vận khéo” để rút kinh nghiệm và tổ chức theo dõi, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các mô hình. Từ đó, đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao, quốc phòng - an ninh được giữ vững, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.


Duy trì diễn đàn “Lắng nghe dân nói”


Vận động Nhân dân làm đường nông thôn

Ông Đoàn Hồng Danh – Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, cho biết: “Để phát huy hiệu quả vai trò của công tác Dân vận trên mọi lĩnh vực, trọng tâm là trong tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia cùng địa phương xây dựng Nông thôn mới, hệ thống Dân vận các cấp đã phối hợp các ngành tuyên truyền phổ biến Nghị quyết của Huyện ủy; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của UBND huyện; các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao. Thường xuyên tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và gắn với việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường,... thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia”.

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao”, trong năm qua toàn huyện đã đăng ký thực hiện 534 mô hình tập thể và cá nhân trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị, tổng giá trị trên 18,8 tỷ đồng. Công tác Dân vận luôn có nhiều chuyển biến, góp phần quan trọng vào việc động viên, phát động quần chúng nhân dân tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: vận động Nhân dân tham gia các công trình giao thông nông thôn; hỗ trợ cất nhà, sửa chữa nhà ở cho đoàn viên, hội viên và người nghèo…Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, cụ thể hóa phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, qua đó đã giải quyết những kiến nghị đối với những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích thiết thực của Nhân dân. Từ đầu năm đến nay, hệ thống Dân vận, MTTQ và các Đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến các xã, thị trấn đã vận động và tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” và “An sinh xã hội” tương đương trên 23,6 tỷ đồng, qua đó cất mới 127 căn, sửa chữa 42 căn nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ, tặng quà cho trên 15.100 lượt hộ nghèo, gia đình khó khăn; khám chữa bệnh cho trên 3.100 lượt bệnh nhân nghèo; cất mới 09 cây cầu, sửa chữa 07 cây cầu nông thôn; nâng cấp sửa chữa lộ giao thông nông thôn chiều dài trên 37km.


Nhân rộng mô hình “Đường hoa, xóm đẹp”

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn tiếp tục tham gia phong trào trồng hoa trên các tuyến lộ giao thông và thực hiện nhân rộng mô hình “Đi từng ngõ, rõ từng nhà”; mô hình “Đường hoa, xóm đẹp”; nhân rộng mô hình “Tổ tự quản phòng bệnh sốt xuất huyết”; mô hình “Cổng rào phòng, chống tội phạm”, “Camera giám sát an ninh”, “Mốc khóa tố giác tội phạm”, mô hình “Hệ thống chính trị trực tiếp tham gia đảm bảo an ninh trật tự” trên địa bàn huyện; duy trì tổ chức diễn đàn “Lắng nghe dân nói” trên địa bàn xã, thị trấn để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến đóng góp sát thực của người dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các công trình phúc lợi xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Kết quả, mô hình “Đường hoa, xóm đẹp” đã thực hiện trên 34 khóm, ấp, có 2.427 hộ tham gia, với trên 41,4km; mô hình “Tổ tự quản phòng bệnh sốt xuất huyết” đã thực hiện được 132 tổ, với 8.439 hộ tham gia; mô hình “Đi từng ngõ, rõ từng nhà” đã nhân rộng trên 63 khóm, ấp, có trên 8.400 hộ tham gia.
    
Có thể thấy, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Đảng và “Dân vận khéo trong xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao” trên địa bàn huyện ngày càng được sự đồng thuận cao trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và trong tầng lớp nhân dân. Từ đó đã phát huy giá trị “nghĩa tình”, bản chất vốn có của người dân quê hương Châu Thành, giúp những giá trị đó được nhân lên nhiều lần, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và xã hội. Để công tác Dân vận trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn nữa, cấp ủy các cấp trong huyện sẽ tiếp tục thực hiện sâu rộng, có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; nhân rộng những mô hình, cách làm hay có hiệu quả của phong trào để lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Đồng thời, tạo cơ chế cho người dân tham gia giám sát, phản biện, thực hiện phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để “ý Đảng hợp với lòng Dân”.

Trúc Phương
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40455532