Truy cập hiện tại

Đang có 68 khách và không thành viên đang online

Ngành Nông nghiệp phát huy vai trò bệ đỡ nền kinh tế

(TUAG)- An Giang với hơn 80% diện tích đất nông nghiệp (tương đương 297.000 ha) và hơn 65% dân số là lao động nông thôn. Thời gian qua, ngành nông nghiệp An Giang đã phát huy tốt vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đưa ngành nông nghiệp tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.
 

Sản xuất lúa chất lượng cao

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm nhận định: Sản xuất nông nghiệp đầu năm 2024 đến nay có nhiều thuận lợi, trong điều kiện giá lúa vụ đông xuân và hè thu năm nay được duy trì ở mức cao từ đầu vụ (bình quân tăng 400-700đồng/kg lúa so cùng kỳ). Có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng tích cục: Diện tích nếp và các giống lúa có chất lượng (Đài Thơm, lúa Nhật, DS1, Nàng Hoa, Jasmines, OM 18…) tăng hơn so cùng kỳ; sản lượng nếp và lúa chất lượng ước đạt gần 1,757 triệu tấn, tăng 124,7 ngàn tấn. Một số loại hoa màu có năng suất tăng hơn cùng kỳ. Tình hình chăn nuôi ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, đã góp phần phát triển quy mô tổng đàn gia súc, gia cầm..

Bên cạnh đó, sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản có tăng so cuối kỳ năm 2023, tuy nhiên mức tăng chưa nhiều. Những tháng cuối năm 2024, có sự hồi phục từ các thị trường nhập khẩu đối với cá tra có bước chuyển biến, hiện đối với cá tra các nhà máy đang mua nguyên liệu size nhỏ (700-900 gram), giá bán thủy sản giống và thủy sản thương phẩm tương đối ổn định so những tháng đầu năm. Ngành nông nghiệp tăng trưởng đạt 3,10%  (kịch bản đề ra 3,12%). Tuy nhiên, với tình hình sản xuất thu đông thuận lợi, ước cả năm 2024 đạt 3,57%, đạt kịch bản cả năm 2024 (kịch bản cả năm 2024 đề ra 3,5-3,8%).


Đặc biệt, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như thủy sản đông lạnh, gạo, rau quả..., đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, bởi hầu hết tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2024 đạt 104,8 triệu USD, tăng 1,47% so tháng trước, lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1.022 triệu USD, tăng 5,55% so cùng kỳ.

Theo Sở NN&PTNT, 10 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh thực hiện gieo trồng được hơn 500 ngàn ha lúa và hoa màu; năng suất bình quân chung cây lúa đạt 66,9 tạ/ha và sản lượng đạt hơn 3,1 triệu tấn. Năng suất các loại hoa màu của các địa phương đều tương đối ổn định. Các địa phương trồng mới hơn 200ha cây lâu năm, nâng tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có khoảng 21,9 ngàn ha. Trong đó, diện tích cho sản phẩm 18,5 ngàn ha, tăng 1.100 ha so cùng kỳ. Tổng sản lượng thu hoạch các loại cây lâu năm đạt gần 300 ngàn tấn. Trong đó, xoài sản lượng đạt gần 170 ngàn tấn, tăng 13 ngàn tấn; chuối 8,1 ngàn tấn, tăng 500 tấn; các loại cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi) sản lượng đạt 16,7 ngàn tấn (tăng 420 tấn); mít 38 ngàn tấn, tăng 7 ngàn tấn so cùng kỳ…

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tạo được sự yên tâm cho người chăn nuôi, nên quy mô đàn chăn nuôi có tiếp tục tăng.  Ngành chăn nuôi cũng đóng góp khá lớn cho tăng thu nhập các hộ phục vụ nhu cầu người dân. Toàn tỉnh hiện có đàn heo thịt khoảng 125 ngàn con, tăng 15 ngàn con so cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 23,6 ngàn tấn, tăng 3,6 ngàn tấn so cùng kỳ. Đàn trâu bò có khoảng 50,2 ngàn con, sản lượng thịt hơi trâu bò xuất chuồng hơn 6,2 ngàn tấn. Đàn gia cầm ước khoảng 7,1 triệu con, tăng 400 ngàn con; sản lượng thịt hơi gia cầm các loại xuất chuồng gần 12,8 ngàn tấn. Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch gần 597 ngàn tấn, tăng 42 ngàn tấn so cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản khai thác nội địa đạt 1,86 ngàn tấn, bằng 99,35% so cùng kỳ.
 

Chế biến trái cây xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco)

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đến nay toàn tỉnh đã cấp 542 mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 18.083ha. Trong đó, lúa 182 mã số với diện tích trên 10.427ha; cây ăn trái 348 mã số với diện tích gần 7.580ha; rau màu 10 mã số với diện tích 74ha và 2 mã số cây dược liệu (Cây chúc, kim ngân hoa) với diện tích 2 ha; đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Tỉnh còn tăng cường triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Diện tích tham gia đăng ký trả tín chỉ carbon trong năm 2024 là 49.861ha tại 45 xã thuộc 10 huyện, thị, thành phố tham gia. Dự kiến đến cuối năm 2024, có ít nhất 30 Hợp tác xã (HTX)/tổ chức nông dân tham gia canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích 20.609 ha. Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL” giai đoạn 2022 -2024 quy mô 50 ha, đã thu hoạch dứt điểm năng suất đạt 6,4 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha so đối chứng. Lợi nhuận đạt 33,7 triệu đồng/ha (mô hình đối chứng đạt 23 triệu đồng/ha).

Chương trình giống cá tra 3 cấp, đến nay, tỉnh đã hình thành được 3 chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp với thành phần gồm: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (cấp 1), Trung tâm Giống thủy sản và các cơ sở vệ tinh sản xuất cá tra bột (cấp 2) và Các chi hội ương giống cá tra (cấp 3). Hàng năm sản xuất và cung cấp khoảng 4,5 - 5 tỷ cá tra bột và khoảng 800 ngàn-1.000 triệu cá tra giống/năm. Thành lập được 1 chuỗi liên kết ương dưỡng giống giữa Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và Chi hội Nghề nuôi thủy sản Phú Thuận. Đến nay, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã thu mua 3 ao cá tra giống của Chi hội Nghề nuôi thủy sản Phú Thuận được 1,1 triệu con cá tra giống.

Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững tỉnh còn phát huy vai trò tích cực của 225 HTX nông nghiệp, 2 Liên hiệp HTX và các tổ hợp tác. Vai trò liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 26 doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ cùng 26 HTX, 2 Liên hiệp HTX, nông dân với tổng diện tích 56.949 ha lúa, nếp. 11 doanh nghiệp, 1 nông trại và 4 hộ thu mua thực hiện hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu với nông dân, tổng diện tích hơn 1.289ha. Có 12 doanh nghiệp và 1 HTX liên kết, tiêu thụ xoài và bưởi với diện tích 1.714 ha; các loại cây ăn trái khác như: Na, mít, sầu riêng, thanh long, nhãn… tiêu thụ thông qua thương lái với tổng diện tích 3.566 ha.

Toàn tỉnh có 8 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố tham gia nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam với tổng số lượng hơn 630.000 con. Bên cạnh đó, diện tích liên kết tiêu thụ cá tra hơn 1.072 ha, với 9 chuỗi liên kết tại 99 cơ sở nuôi liên kết, diện tích 293,8 ha. Các loại thủy sản khác như: Lươn 22,23 ha; ếch 2,83 ha; cá lóc 3,42 ha… cũng được nông dân liên kết tiêu thụ lâu dài với thương lái địa phương.

HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40455300