Truy cập hiện tại

Đang có 91 khách và không thành viên đang online

Đồng chí Trương Công Thận - Người có những đóng góp quan trọng cho An Giang trong buổi đầu đổi mới

(TGAG)- Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, đồng chí Trương Công Thận đã biết phát huy truyền thống đáng tự hào đó để sống và cống hiến cả cuộc đời mình cho quê hương, đất nước; xứng đáng là một người con tiêu biểu đáng tự hào của quê hương Mỹ Hiệp, Chợ Mới, An Giang.

Năm mười tám tuổi, (1960) đồng chí Trương Công Thận đã tham gia lực lượng du kích hoạt động bí mật, đưa rước cán bộ, bộ đội, rải truyền đơn vạch trần tội ác Mỹ ngụy và chính quyền tay sai. Năm 1963 với những nỗ lực phấn đấu của mình, đồng chí Trương Công Thận đã vinh dự được kết nạp vào Đảng và trao cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp cách mạng. Đồng chí  được Đảng tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ và luôn hoàn thành tốt với tinh thần luôn luôn cầu tiến, đoàn kết gắn bó cùng đồng chí, gần gũi với nhân dân. Sau ngày thống nhất đất nước, đồng chí Trương Công Thận được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện để học tập và rèn luyện không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, năng lực quản lý lãnh đạo để đảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng như  Phó Chủ tịch UBND tỉnh (4/1983), Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy (11/1986), Chủ tịch UBND tỉnh (5/1988) rồi Bí thư Tỉnh ủy An Giang (1993 - 1998)…

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Trương Công Thận đã có những đóng góp đáng kể nhưng luôn khiêm tốn không muốn được ngợi ca với suy nghĩ chân thành: sống, phấn đấu, cống hiến cho quê hương, đất nước là bổn phận công dân, là trách nhiệm của người đảng viên Cộng sản. Nhưng với nhân dân An Giang nói chung, Mỹ Hiệp nói riêng, đồng chí Trương Công Thận là một con người tiêu biểu đáng để quê hương tự hào. Trong đó, giai đoạn đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí Trương Công Thận lại đảm đương trách nhiệm khá quan trọng ở tỉnh An Giang, như Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy An Giang (1986-1998)… kết quả của quá trình đổi mới ở An Giang là của tập thể Đảng bộ và nhân dân, nhưng rõ ràng đã có những đóng góp đáng kể của đồng chí.

Trong những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngoài những thành quả to lớn về việc xây dựng chính quyền, giải quyết biết bao khó khăn của chế độ  cũ để lại và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước; không chỉ riêng An Giang mà hầu như cả nước chúng ta đã vấp phải những sai lầm khá nghiêm trọng trong công cuộc cải tạo XHCN, vì đã vô tình triệt tiêu năng lực sáng tạo và tiềm năng vô hạn của nhân dân lao động; thủ tiêu vai trò cá nhân vì không xác định chủ thể xây dựng và phát triển xã hội là nhân dân lao động.

Từ năm 1975 đến năm 1985, theo chủ trương chung, tỉnh An Giang đã tiến hành cải tạo nông nghiệp, toàn tỉnh đã thu hồi, điều chỉnh, chia cấp trên 60.000 hecta cho trên 75.000 hộ không có hoặc thiếu đất sản xuất. Chính sách này thực chất đã giúp cho nhiều nông dân nghèo có đất sản xuất, nâng cao cuộc sống, nhưng cũng lộ rõ hạn chế, đó là việc phân chia theo kiểu "cào bằng", lấy ruộng đất của trung nông đem chia cho người khác mà không cần bồi hoàn làm cho lực lượng này nghèo đi. Đây là một lực lượng có kinh nghiệm, có công cụ và biết tổ chức sản xuất có hiệu quả. Chủ trương phân chia ruộng đất còn vấp phải hạn chế là đã giao đất sản xuất cho cả những người không biết làm ruộng chỉ quen sống nghề buôn bán ở thành thị nên số người này lén lút sang nhượng, cầm cố cho người khác, thậm chí có hộ vì sợ phải đi vùng kinh tế mới nên nhận đất làm ruộng cầm chừng, không có hiệu quả. Và hậu quả là nền kinh tế trì trệ, không vượt qua được tình trạng thiếu đói….

Nhân dân dần dần mất lòng tin ở chính quyền vì có quá nhiều chủ trương không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, cứng nhắc thực hiện theo những chính sách có cái đi  ngược lại lợi ích thiết thực của nhân dân lao động.  Các hợp tác xã nông nghiệp, tập đoàn sản xuất, trạm máy kéo, nhà máy xí nghiệp… hoạt động hình thức, ngày càng thua lỗ với nguyên nhân chính xuất phát từ việc xác lập mối quan hệ giữa quan hệ sản xuất và tư liệu sản xuất chưa phù hợp. Có lúc, có nơi chính quyền địa phương bắt buộc nông dân trồng thứ này, nuôi thứ nọ mà không tính đến nó có phù  hợp với điều kiện sản xuất và hiệu quả kinh tế cao hay thấp. Lúc này hàng hóa sản xuất không đủ cung ứng cho người tiêu dùng, nghèo nàn về chủng loại, kém về chất lượng, lại thêm tình trạng ngăn sông cấm chợ… tất cả đã tạo nên bức xúc không chỉ trong nhân dân mà cả trong lực lượng cán bộ đảng viên.
Cùng với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy An Giang lúc bấy giờ, đồng chí Trương Công Thận đã có nhiều trăn trở, mong muốn tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế đã kềm hãm bước tiến của xã hội, mà cụ thể là phải tháo gỡ những trở ngại, phải khai thác tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tỉnh nhà.

Yêu cầu cuộc sống đặt ra là phải có sự đổi mới từ nhận thức, phương pháp tổ chức thực hiện những mục tiêu lý tưởng của Đảng là xây dựng đất nước ta giàu mạnh, nhân dân ta ấm no hạnh phúc… Lúc này, thực chất tình hình muốn "xé rào" đã xuất hiện ở một số nơi nhưng chưa có địa phương nào công khai thực hiện và có hiệu quả đủ sức thuyết phục để An Giang học tập làm theo.
Đồng chí Trương Công Thận đã cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy An Giang đã có sự đồng thuận rất cao, với quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới mà Đại hội VI của Đảng đã đề ra. Đại hội lần thứ IV tỉnh Đảng bộ An Giang (10/1986) đã đánh dấu mở đầu thời kỳ đổi mới  thực hiện tư tưởng "lấy dân làm gốc", xác định rõ "dân giàu nước mới mạnh";  từ đó mà thực hiện nhiều chủ trương chính sách để chuyển nền kinh tế kế hoạch quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Lúc đó, đồng chí Trương Công Thận cùng Tỉnh ủy An Giang xác định nhiệm vụ trước tiên là thống nhất quán triệt trong toàn thể lực lượng cán bộ đảng viên, trong cả hệ thống chính trị của tỉnh, đưa ra mục tiêu chiến lược thực hiện "Ba nông". Tập trung cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; trong đó nông nghiệp được xác định là nền tảng, là mặt trận hàng đầu; nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới và nông thôn là địa bàn chiến lược.

Biện pháp đầu tiên là thực hiện thủy lợi hóa, "dẫn thủy nhập điền" bắt đầu từ vùng Tứ giác Long Xuyên ở Thoại Sơn, dần dần triển khai đến các huyện thị khác. Những con kinh cấp I được đào, vét… khơi nguồn từ sông Hậu cắm sâu vào các cánh đồng; tiếp theo là những con kinh cấp II nối tiếp nhau cắt ngang dẫn nước vào rửa phèn, mang phù sa vào cho đồng lúa tốt tươi. Và những con kinh cấp I, cấp II  xẻ dọc xẻ ngang tạo thành hệ thống giao thông thủy vô cùng thiết thực để nhân dân mang lúa giống, vật tư, công cụ vào ruộng đồng, chuyên chở nông sản từ đồng ra chợ…

Bên cạnh đó, chủ trương giao quyền sử dụng đất cho nông dân một cách thực chất chớ không phải sở hữu hình thức. Thừa nhận quyền sở hữu sử dụng đất, cho phép nông dân thực hiện sang nhượng, cho thuê… Những hộ không có điều kiện, không có kinh nghiệm làm ruộng thỏa thuận hoàn trả lại cho chũ cũ để ruộng đất được tập trung vào những hộ làm ăn giỏi, có vốn, có kinh nghiệm tổ chức quản lý sản xuất có hiệu quả. Đồng thời các tư liệu sản xuất, máy phục vụ sản xuất nông nghiệp trước kia tập trung vô các tập đoàn, các trạm trại sản xuất đã hoạt động không hiệu quả, hư hỏng… được trả lại cho nông dân để nông dân sửa chữa, quản lý sử dụng. Nông dân phấn khởi mua sắm thêm rất nhiều tư liệu sản xuất, khai thác các vùng đất hoang hóa, đầu tư mạnh vào sản xuất vì đã xóa bỏ quan niệm "xâm canh". Mặt khác, tỉnh cũng đã thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhân dân được tự do mua bán, xoá bỏ việc "ngăn sông cấm chợ" hàng hóa lưu thông v,v… nhờ đó đã khai thác mọi tiềm lực sẵn có trong nhân dân để xây dựng và phát triển tỉnh An Giang.

Và rõ ràng tình hình kinh tế An Giang ngay những năm sau đó đã có những kết quả cụ thể, minh chứng cho sự đúng đắn của công cuộc đổi mới mà tỉnh Đảng bộ An Giang thực hiện mà đồng chí Trương Công Thận có nhiệm vụ khá quan trọng trong suốt thời gian dài (1986 - 1998). Đó là diện tích sản xuất tăng, năng suất tăng, sản lượng lương thực không chỉ đủ ăn mà còn tham gia xuất khẩu; hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ phát triển, hàng hóa làm ra dồi dào, bộ mặt nông thôn An Giang nhanh chóng đổi thay, kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao… Đó là thành quả lớn lao buổi đầu thực hiện công cuộc đổi mới mà tỉnh Đảng bộ và nhân dân An Giang đã làm được, trong đó có những đóng góp của đồng chí Trương Công Thận, người đảng viên tiêu biểu, người con đáng tự hào của quê hương An Giang./.

Mai Bửu Minh
Hội Liên hiệp VHNT An Giang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40612333