Người hội trưởng phụ nữ đầu tiên của tỉnh Châu Đốc
- Được đăng: Chủ nhật, 18 Tháng 10 2015 12:51
- Lượt xem: 3516
(TGAG)- Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, cũng là bước ngoặt của người phụ nữ Việt Nam. Làn tư tưởng mới đã tác động đến chị em khiến nhiều chị tự nguyện tham gia vào tổ chức hoạt động nhằm đánh đổ áp bức bất công của xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng bản thân. Chị Lê Thị Nhiên là một trong số những phụ nữ đầu tiên của tỉnh An Giang (Long Xuyên, Châu Đốc) đến với cách mạng.
Chị Lê Thị Nhiên bí danh là Ba Huệ, sinh ngày 10-10-1912 tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh Châu Đốc. Chị ra đời và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo bị địa chủ bóc lột cùng kiệt phải bán cả nhà cửa, ruộng vườn. Người cha đành bỏ quê hương ra đi. Mẹ mất sớm, chị đưa em về sống với bà ngoại ở làng Bình Thủy (Châu Phú). Chị vừa đi ở mướn, làm thuê, vừa tự học.
Hàng ngày chứng kiến những tội ác của bọn thực dân và tay sai quan làng đối với đồng bào mình, chị sớm có lòng yêu nước, yêu đồng bào và mối thù quân cướp nước âm ỉ trong tim.
Năm 1930, chị được đồng chí Nguyễn Thị Cứng, hội viên Nông hội đỏ, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng; đồng thời được đọc nhiều sách báo tiến bộ nên chị hăng hái tham gia vào phong trào phụ nữ khuyến học ở Năng Gù (Bình Thủy). Noi gương chị, người em gái (1) cũng bắt đầu đi làm cách mạng.
Năm 1931, chị được phân công đến cơ quan báo chí của cách mạng ở Nam Vang, đảm trách khâu chuyển tài liệu về nước tuyên truyền cho quần chúng. Chị hoạt động rất tích cực nên địch theo dõi và bắt giam chị cùng một số đồng chí khác. Qua 4 tháng giam giữ, địch không khai thác được gì ở chị nên buộc phải thả chị ra. Tự do, chị về xã Tân Huề (Hồng Ngự) tiếp tục hoạt động. Trong năm 1932, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nhận nhiệm vụ giao liên móc nội các cơ sở ở xã Tân Huề, Tân An, Bình Hòa, Hòa Hảo, Long Khánh và nhiều xã ở huyện Chợ Mới. Một lần nữa, địch bắt được đồng chí vào giữa năm 1932 tại xã Tân Huề. Chúng giam đồng chí ở khám Sa Đéc, Châu Đốc và dùng đủ hình thức tra tấn hòng buộc cung khai, nhưng đồng chí vẫn một mực trả lời: “Tôi không biết, tôi chỉ là người đi buôn bán…”. Chúng đành chuyển đồng chí lên Sài Gòn và kêu án 10 tháng tù giam tại khám lớn.
Trong nhà tù, đồng chí không ngừng động viên, an ủi chị em và dặn dò: “Lúc nào, ở đâu cũng phải can đảm chịu đựng để bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ sinh mạng đồng chí mình”. Đồng chí luôn có mặt trong các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ hà khắc của nhà tù.
Tháng 3-1933, mãn hạn tù, đồng chí về tiếp tục nhiệm vụ móc nối cơ sở cũ, xây dựng cơ sở mới theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Châu Đốc.
Những năm 1936 - 1939, đồng chí về vùng Tân Châu - Hồng Ngự hoạt động tổ chức các hội quần chúng công khai và ủy ban hành động các xã. Đồng chí hoạt động sôi nổi không mệt mõi. Sánh cùng nam giới và một số chị khác, đồng chí tổ chức mít tinh, đăng đàn diễn thuyết nói về quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, thành lập nghiệp đoàn…; tuyên truyền, vận động chống tập tục, lề thói phong kiến trong cưới hỏi, tang tế, nên tổ chức theo lối sống mới…, được đông đảo quần chúng hưởng ứng.
Năm 1938, Mặt trận nhân dân Pháp sụp đổ, địch thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng và bắt giam nhiều đảng viên, cơ sở. Hai chị em đồng chí bị bắt và bị kêu án mỗi người 5 năm tù, 10 năm biệt xứ.
Thời cơ Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), các tù nhân phá khám tự giải thoát. Đồng chí trở về địa phương cùng các đồng chí tại chỗ xây dựng lực lượng và lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi, đồng chí là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Châu Đốc - Hội trưởng Hội Phụ nữ quốc quốc tỉnh. Đồng chí chú trọng việc xây dựng tổ chức ban chấp hành các huyện và cơ sở. Hầu như khắp tỉnh đều có tổ chức phụ nữ. Song song là công tác đào tạo cán bộ chuyên môn. Đồng chí mở nhiều lớp huấn luyện chính trị cho hội viên nữ.
Trong công việc hay trong sinh hoạt bình thường, đồng chí luôn thể hiện là người phụ nữ dịu dàng, giản dị, khiêm tốn. Đến công tác nơi nào là đồng chí được cảm tình ngay nơi đó bởi tính tình chịu khó, siêng năng. Đối với chị em bên dưới, đồng chí luôn quan tâm giúp đỡ, tận tình chỉ bảo công việc. Ai sai trái, đồng chí mạnh dạn phê bình. Tính thẳng thắn nhưng lòng đồng chí đầy tình cảm, sẵn sàng hy sinh giành phần khó nhọc về mình. Một lần, đồng chí cùng các chị khác thức trắng nhiều đêm bơi xuồng trên các kinh, rạch để chuyển tài liệu đến một số nơi trong tỉnh. Thấy đồng chí mình còn trẻ, cần ngủ nhiều dưỡng sức, đồng chí tự nguyện đi một mình tiếp tục công việc để đảm bảo thời gian quy định.
Năm 1947, đồng chí được Xứ ủy chỉ định làm Trưởng ban cán sự miền Đông Campuchia và phụ trách tỉnh Prâyven để xây dựng hệ thống Hội Việt kiều cứu quốc. Quá trình công tác, đồng chí xây dựng được nhiều cơ sở, tạo được vùng hậu cứ tốt cho cách mạng; đồng thời là đường dây nối liền với Nam Bộ.
Năm 1948, đồng chí được điều về vùng biên giới Việt - Miên để tổ chức hệ thống liên lạc giữa vùng giải phóng và tổ chức, cơ sở cách mạng trong vùng địch. Với trí thông minh và lòng dũng cảm, đồng chí đã nhiều lần vượt qua vòng kiểm soát của địch, đưa tài liệu đến nơi an toàn.
Một buổi sáng mùa thu năm 1948, trời còn mờ sương, đồng chí lên đường vận chuyển tài liệu quan trọng về Nam Bộ. Vì gặp trở ngại trên đường đi nên khi xuồng vừa đến đồn An Nhơn (cặp bờ sông Sở Thượng thuộc đất Campuchia, giáp ranh Hồng Ngự) thì trời hừng sáng. Địch phát hiện bắn xối xả vào xuồng đang trôi và đồng chí anh dũng hy sinh khi vừa tròn 36 tuổi.
Đồng chí mất đi khi tuổi đời còn trẻ, còn nhiều cống hiến cho Tổ quốc, đồng bào. Từ một người con gái bình thường, chơn chất, đồng chí đã vượt qua những ràng buộc của lề thói phong kiến đến với cách mạng. Suốt cuộc đời ngắn ngủi, đồng chí đã sống và hoạt động xứng đáng với truyền thống anh hùng, bất khuất của phụ nữ Việt Nam, để lại trong lòng mọi người niềm kính yêu và tiếc thương sâu sắc./.
NGUYỄN THỊ NGA
_____________________
(1) Cô Lê Thị Ngoan sau này là cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang.
Chị Lê Thị Nhiên bí danh là Ba Huệ, sinh ngày 10-10-1912 tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh Châu Đốc. Chị ra đời và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo bị địa chủ bóc lột cùng kiệt phải bán cả nhà cửa, ruộng vườn. Người cha đành bỏ quê hương ra đi. Mẹ mất sớm, chị đưa em về sống với bà ngoại ở làng Bình Thủy (Châu Phú). Chị vừa đi ở mướn, làm thuê, vừa tự học.
Hàng ngày chứng kiến những tội ác của bọn thực dân và tay sai quan làng đối với đồng bào mình, chị sớm có lòng yêu nước, yêu đồng bào và mối thù quân cướp nước âm ỉ trong tim.
Năm 1930, chị được đồng chí Nguyễn Thị Cứng, hội viên Nông hội đỏ, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng; đồng thời được đọc nhiều sách báo tiến bộ nên chị hăng hái tham gia vào phong trào phụ nữ khuyến học ở Năng Gù (Bình Thủy). Noi gương chị, người em gái (1) cũng bắt đầu đi làm cách mạng.
Năm 1931, chị được phân công đến cơ quan báo chí của cách mạng ở Nam Vang, đảm trách khâu chuyển tài liệu về nước tuyên truyền cho quần chúng. Chị hoạt động rất tích cực nên địch theo dõi và bắt giam chị cùng một số đồng chí khác. Qua 4 tháng giam giữ, địch không khai thác được gì ở chị nên buộc phải thả chị ra. Tự do, chị về xã Tân Huề (Hồng Ngự) tiếp tục hoạt động. Trong năm 1932, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nhận nhiệm vụ giao liên móc nội các cơ sở ở xã Tân Huề, Tân An, Bình Hòa, Hòa Hảo, Long Khánh và nhiều xã ở huyện Chợ Mới. Một lần nữa, địch bắt được đồng chí vào giữa năm 1932 tại xã Tân Huề. Chúng giam đồng chí ở khám Sa Đéc, Châu Đốc và dùng đủ hình thức tra tấn hòng buộc cung khai, nhưng đồng chí vẫn một mực trả lời: “Tôi không biết, tôi chỉ là người đi buôn bán…”. Chúng đành chuyển đồng chí lên Sài Gòn và kêu án 10 tháng tù giam tại khám lớn.
Trong nhà tù, đồng chí không ngừng động viên, an ủi chị em và dặn dò: “Lúc nào, ở đâu cũng phải can đảm chịu đựng để bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ sinh mạng đồng chí mình”. Đồng chí luôn có mặt trong các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ hà khắc của nhà tù.
Tháng 3-1933, mãn hạn tù, đồng chí về tiếp tục nhiệm vụ móc nối cơ sở cũ, xây dựng cơ sở mới theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Châu Đốc.
Những năm 1936 - 1939, đồng chí về vùng Tân Châu - Hồng Ngự hoạt động tổ chức các hội quần chúng công khai và ủy ban hành động các xã. Đồng chí hoạt động sôi nổi không mệt mõi. Sánh cùng nam giới và một số chị khác, đồng chí tổ chức mít tinh, đăng đàn diễn thuyết nói về quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, thành lập nghiệp đoàn…; tuyên truyền, vận động chống tập tục, lề thói phong kiến trong cưới hỏi, tang tế, nên tổ chức theo lối sống mới…, được đông đảo quần chúng hưởng ứng.
Năm 1938, Mặt trận nhân dân Pháp sụp đổ, địch thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng và bắt giam nhiều đảng viên, cơ sở. Hai chị em đồng chí bị bắt và bị kêu án mỗi người 5 năm tù, 10 năm biệt xứ.
Thời cơ Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), các tù nhân phá khám tự giải thoát. Đồng chí trở về địa phương cùng các đồng chí tại chỗ xây dựng lực lượng và lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi, đồng chí là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Châu Đốc - Hội trưởng Hội Phụ nữ quốc quốc tỉnh. Đồng chí chú trọng việc xây dựng tổ chức ban chấp hành các huyện và cơ sở. Hầu như khắp tỉnh đều có tổ chức phụ nữ. Song song là công tác đào tạo cán bộ chuyên môn. Đồng chí mở nhiều lớp huấn luyện chính trị cho hội viên nữ.
Trong công việc hay trong sinh hoạt bình thường, đồng chí luôn thể hiện là người phụ nữ dịu dàng, giản dị, khiêm tốn. Đến công tác nơi nào là đồng chí được cảm tình ngay nơi đó bởi tính tình chịu khó, siêng năng. Đối với chị em bên dưới, đồng chí luôn quan tâm giúp đỡ, tận tình chỉ bảo công việc. Ai sai trái, đồng chí mạnh dạn phê bình. Tính thẳng thắn nhưng lòng đồng chí đầy tình cảm, sẵn sàng hy sinh giành phần khó nhọc về mình. Một lần, đồng chí cùng các chị khác thức trắng nhiều đêm bơi xuồng trên các kinh, rạch để chuyển tài liệu đến một số nơi trong tỉnh. Thấy đồng chí mình còn trẻ, cần ngủ nhiều dưỡng sức, đồng chí tự nguyện đi một mình tiếp tục công việc để đảm bảo thời gian quy định.
Năm 1947, đồng chí được Xứ ủy chỉ định làm Trưởng ban cán sự miền Đông Campuchia và phụ trách tỉnh Prâyven để xây dựng hệ thống Hội Việt kiều cứu quốc. Quá trình công tác, đồng chí xây dựng được nhiều cơ sở, tạo được vùng hậu cứ tốt cho cách mạng; đồng thời là đường dây nối liền với Nam Bộ.
Năm 1948, đồng chí được điều về vùng biên giới Việt - Miên để tổ chức hệ thống liên lạc giữa vùng giải phóng và tổ chức, cơ sở cách mạng trong vùng địch. Với trí thông minh và lòng dũng cảm, đồng chí đã nhiều lần vượt qua vòng kiểm soát của địch, đưa tài liệu đến nơi an toàn.
Một buổi sáng mùa thu năm 1948, trời còn mờ sương, đồng chí lên đường vận chuyển tài liệu quan trọng về Nam Bộ. Vì gặp trở ngại trên đường đi nên khi xuồng vừa đến đồn An Nhơn (cặp bờ sông Sở Thượng thuộc đất Campuchia, giáp ranh Hồng Ngự) thì trời hừng sáng. Địch phát hiện bắn xối xả vào xuồng đang trôi và đồng chí anh dũng hy sinh khi vừa tròn 36 tuổi.
Đồng chí mất đi khi tuổi đời còn trẻ, còn nhiều cống hiến cho Tổ quốc, đồng bào. Từ một người con gái bình thường, chơn chất, đồng chí đã vượt qua những ràng buộc của lề thói phong kiến đến với cách mạng. Suốt cuộc đời ngắn ngủi, đồng chí đã sống và hoạt động xứng đáng với truyền thống anh hùng, bất khuất của phụ nữ Việt Nam, để lại trong lòng mọi người niềm kính yêu và tiếc thương sâu sắc./.
NGUYỄN THỊ NGA
(1) Cô Lê Thị Ngoan sau này là cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang.