Người giao liên với kỷ vật chiếc lược làm từ mảnh vỏ trái sáng
- Được đăng: Thứ ba, 13 Tháng 10 2015 07:48
- Lượt xem: 3604
(TGAG)- Đối với những người đã từng tham gia đấu tranh cho công cuộc giải phóng đất nước, có những kỷ vật họ gìn giữ đã mấy chục năm qua như báu vật trong nhà, nhưng khi cần họ sẵn sàng trao nó cho bảo tàng để trưng bày chứng tích của một thời chiến tranh nhằm giáo dục truyền thống cách mạng.
Được chị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Óc Eo giới thiệu, tôi tìm đến nhà bà Hà Thị Tý - Tổ trưởng tổ Phụ nữ kháng chiến ở ấp Tân Hiệp B, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Bà là người giữ chiếc lược làm bằng vỏ trái sáng từ năm 1968 đến nay.
Bà sinh năm 1948 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nuôi chứa cán bộ ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Mới 10 tuổi bà đã canh gác cho cán bộ hội họp trong nhà vào ban đêm. Năm 1961, bà cùng cha mẹ chuyển về Mớp Giăng (xã Vọng Thê) khai hoang sinh sống và làm liên lạc. Có khi, vào những buổi sáng sớm, bà giả đi bán rau củ, nhưng nhiệm vụ chính là rải truyền đơn từ khu vực gần đồn địch dài ra chợ Ba Thê với nội dung kêu gọi mọi người không làm tay sai cho giặc, binh lính ngụy buông súng trở về với gia đình.
Để cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cán bộ, bà thường giả làm người đi giăng câu, giăng lưới vào mùa nước hoặc đi đào chuột vào mùa khô và khéo léo ngụy trang để che mắt địch.
Cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt, cũng là thời gian bà nhận nhiệm vụ cung cấp lương thực cho cách mạng ngày càng nhiều hơn. Mùa nước giựt năm 1967 (tháng 10 âm lịch), khi đang chống xuồng vào căn cứ thì bà bị địch ở đồn Mớp Giăng tra xét. Khi đó trên xuồng bà có 4 bao gạo, nửa bao cám, được ngụy trang bằng lá cây, dây chì và một ít đinh. Khi địch hỏi, bà khai chở vô cho chị làm nhà nhưng vẫn bị địch bắt giam ở Ba Thê, Núi Sập, rồi đưa về khám lớn Long Xuyên giam hơn 1 tháng nhưng địch không khai thác được gì nên chúng buộc phải thả bà.
Ngoài những nhiệm vụ trên, bà còn học may để may quần áo cho cán bộ cách mạng. Bấy giờ ta có một cơ sở sản xuất vũ khí ở Kiên Giang. Anh trai bà là ông Hà Văn Hiền - bộ đội đặc công tỉnh Long Châu Hà trong thời gian rảnh rỗi đã kỳ công làm chiếc lược bằng chất liệu vỏ trái sáng của địch để tặng cho em gái vào năm 1968. Bề sống của chiếc lược có hình đôi chim bồ câu tượng trưng cho khát vọng hòa bình. Ngoài tác dụng để chải tóc, cán lược có lưỡi và mũi nhọn dùng để siết vải để dễ gấp lại khi may. Chiếc lược được bà giữ trong chiếc hộp gỗ từ bấy đến nay như một kỷ vật bất ly thân, bởi mỗi khi khi mở ra xem, bà lại nhớ về một thời oanh liệt, hy sinh của bao chiến sĩ, trong đó có người thân của bà. Nhưng khi được gợi ý tặng nó cho bảo tàng tỉnh thì bà vui vẻ nhận lời vì bà quan niệm: “Còn đóng góp được gì cho đời thì tôi sẵn sàng”.
Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bà luôn là người tích cực hoạt động và đóng góp cho phong trào phụ nữ ở địa phương. Và hiện nay với cương vị là Tổ trưởng tổ Phụ nữ kháng chiến, bà tiếp tục là mối dây liên kết chặt chẽ giữa những người tham gia kháng chiến, tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu mai sau bằng những mẫu chuyện có thật trong những năm đánh Mỹ.
Năm 2013, bà được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Huy chương kháng chiến hạng nhì và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy đã nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc”./.
Nguyễn Quốc Khánh
Bà Hà Thị Tý - Người mặc áo dài màu hồng |
Bà sinh năm 1948 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nuôi chứa cán bộ ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Mới 10 tuổi bà đã canh gác cho cán bộ hội họp trong nhà vào ban đêm. Năm 1961, bà cùng cha mẹ chuyển về Mớp Giăng (xã Vọng Thê) khai hoang sinh sống và làm liên lạc. Có khi, vào những buổi sáng sớm, bà giả đi bán rau củ, nhưng nhiệm vụ chính là rải truyền đơn từ khu vực gần đồn địch dài ra chợ Ba Thê với nội dung kêu gọi mọi người không làm tay sai cho giặc, binh lính ngụy buông súng trở về với gia đình.
Để cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cán bộ, bà thường giả làm người đi giăng câu, giăng lưới vào mùa nước hoặc đi đào chuột vào mùa khô và khéo léo ngụy trang để che mắt địch.
Cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt, cũng là thời gian bà nhận nhiệm vụ cung cấp lương thực cho cách mạng ngày càng nhiều hơn. Mùa nước giựt năm 1967 (tháng 10 âm lịch), khi đang chống xuồng vào căn cứ thì bà bị địch ở đồn Mớp Giăng tra xét. Khi đó trên xuồng bà có 4 bao gạo, nửa bao cám, được ngụy trang bằng lá cây, dây chì và một ít đinh. Khi địch hỏi, bà khai chở vô cho chị làm nhà nhưng vẫn bị địch bắt giam ở Ba Thê, Núi Sập, rồi đưa về khám lớn Long Xuyên giam hơn 1 tháng nhưng địch không khai thác được gì nên chúng buộc phải thả bà.
Ngoài những nhiệm vụ trên, bà còn học may để may quần áo cho cán bộ cách mạng. Bấy giờ ta có một cơ sở sản xuất vũ khí ở Kiên Giang. Anh trai bà là ông Hà Văn Hiền - bộ đội đặc công tỉnh Long Châu Hà trong thời gian rảnh rỗi đã kỳ công làm chiếc lược bằng chất liệu vỏ trái sáng của địch để tặng cho em gái vào năm 1968. Bề sống của chiếc lược có hình đôi chim bồ câu tượng trưng cho khát vọng hòa bình. Ngoài tác dụng để chải tóc, cán lược có lưỡi và mũi nhọn dùng để siết vải để dễ gấp lại khi may. Chiếc lược được bà giữ trong chiếc hộp gỗ từ bấy đến nay như một kỷ vật bất ly thân, bởi mỗi khi khi mở ra xem, bà lại nhớ về một thời oanh liệt, hy sinh của bao chiến sĩ, trong đó có người thân của bà. Nhưng khi được gợi ý tặng nó cho bảo tàng tỉnh thì bà vui vẻ nhận lời vì bà quan niệm: “Còn đóng góp được gì cho đời thì tôi sẵn sàng”.
Năm 2013, bà được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Huy chương kháng chiến hạng nhì và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy đã nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc”./.
Nguyễn Quốc Khánh