Truy cập hiện tại

Đang có 252 khách và không thành viên đang online

Anh hùng Ngô Thất Sơn

(TGAG)- Ngô Thất Sơn còn có tên là Trịnh Ngọc Ảnh, sinh năm 1919 tại xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Học xong tiểu học, Trịnh Ngọc Ảnh đổi tên thành Ngô Mảnh Gương, sang thủ đô Phnômpênh (Campuchia) học tiếp trung học rồi làm thầy giáo bên nước bạn.
 
 
   Anh hùng Ngô Thất Sơn
Sống nơi đất bạn quê người, Ngô Mảnh Gương luôn khắc khoải nổi nhớ quê hương Bảy Núi - Thất Sơn, nơi chất chứa kỷ niệm tuổi thơ hoa mộng đang rên xiết bởi bóng tối lầm than của đêm trường nô lệ. Nỗi thổn thức trước tiếng gọi của Tổ quốc thôi thúc người trí thức trẻ ra đi, mang theo hình bóng vợ trẻ con thơ trong bóng hình núi rộng sông dài trên bước đường về với đất mẹ, dấn thân vào con đường cách mạng.

Sài Gòn những ngày tháng Tám mùa thu sôi sục khí thế cách mạng, lòng người nô nức cho một cuộc đổi đời sắp trở thành hiện thực đã lôi cuốn Ngô Mảnh Gương gia nhập Mặt trận Việt Minh, đảm nhận công tác chuẩn bị cướp chính quyền. Với lòng nhiệt huyết hăng say, anh đã góp phần nhỏ bé vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong những ngày Tháng Tám lịch sử ấy.

Tài năng, bản lĩnh và lòng yêu nước nhiệt thành của chàng trai Ngô Mảnh Gương gây nhiều cảm mến đối với lãnh đạo Xứ ủy, trong đó có Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu. Anh được phân công làm Chỉ huy phó đoàn thân binh, phụ trách bảo vệ Xứ ủy và Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ; rồi được tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch ra Bắc theo lệnh triệu tập của Trung ương.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo trên hành trình ra Bắc, Ngô Mảnh Gương vinh dự được hai đồng chí lãnh đạo cao cấp kết nạp vào Đảng, vinh dự ấy tiếp thêm động lực ý chí cho người đảng viên trẻ trên bước đường cách mạng đầy gian lao. Hạnh phúc khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, Ngô Mảnh Gương vẫn khôn nguôi nỗi nhớ quê hương da diết; cảm động trước nghĩa cử ấy, các đồng chí lãnh đạo đã đặt cho anh bí danh Ngô Thất Sơn, tên gọi gắn liền với vùng Thất Sơn huyền thoại như để động viên, khích lệ tinh thần cho người đảng viên trẻ tài năng, giàu nhiệt huyết và tình yêu quê hương sâu đậm.

Ngô Thất Sơn vinh dự được Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu trực tiếp đề xuất với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép tham gia vào khóa đào tạo sĩ quan tại trường võ bị Sơn Tây. Đáp lại niềm tin yêu đó, Ngô Thất Sơn tốt nghiệp loại ưu sau khi khóa đào tạo kết thúc. Thấy mình trưởng thành hơn với những kiến thức quân sự được học tập, trong anh lại trào dâng niềm khao khát được đem những kiến thức ấy về phục vụ quê hương đang trong lúc nước sôi lửa bỏng của những ngày “sơn hà nguy biến”.

Năm 1946, Ngô Thất Sơn nhận nhiệm vụ bảo vệ Bí thư Xứ ủy Nam Bộ sang Xiêm (Thái Lan) tìm cách sắm sửa vũ khí phục vụ kháng chiến. Trước lúc lên đường, đồng chí thật sung sướng khi có cơ hội được diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghe Bác căn dặn: “Thất Sơn là bảy núi, cao như một ngọn núi đã là quý, bảy ngọn núi “Thất Sơn” thì phải là hơn người”. Giọng nói trầm ấm và chứa chan tình cảm yêu thương của Bác cứ vang vọng trong anh như một niềm động viên khích lệ to lớn, đó cũng là ký ức hạnh phúc nhất về Bác mà trong suốt quảng đời hoạt động cách mạng của mình, Ngô Thất Sơn không thể nào quên.

Đoàn công tác của Ngô Thất Sơn sang Xiêm liên hệ với một số đồng chí ở đây mua sắm vũ khí; tuyển mộ và huấn luyện những thanh niên Việt kiều yêu nước, gan dạ, giàu nhiệt huyết và thành lập ra “Bộ đội độc lập số I - Nam Bộ” với 105 đồng chí, chi viện cấp tốc cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

Sau hơn 40 ngày đêm băng rừng lội suối, ăn đói, nhịn khát, vượt hơn ngàn cây số đường đi đầy gian lao, nguy hiểm, vừa chiến đấu, vừa thu gom vũ khí, vừa vận động nhân dân hưởng ứng kháng chiến cứu nước, giúp đỡ cách mạng, tháng 10-1946 đội quân do Ngô Thất Sơn chỉ huy về đến biên giới tỉnh Tây Ninh. Sau khi tiếp nhận, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định thay hai từ “độc lập” thành “hải ngoại”; từ đó, đội quân do Ngô Thất Sơn làm Chỉ huy trưởng có tên gọi mới là “Bộ đội Hải Ngoại I - Nam Bộ”, rừng Cây Cầy thuộc xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh được chọn làm căn cứ đóng quân.

Hai năm 1946 - 1947, đơn vị của Ngô Thất Sơn được giao nhiệm vụ hoạt động chủ yếu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thời điểm này, tình hình chiến sự vùng biên giới Tây Ninh xảy ra nhiều biến động khi địch ra sức đàn áp, lùng sục, xua quân tràn qua biên giới cướp bóc, đốt phá, hãm hiếp… Trước tình thế đó, Ngô Thất Sơn chỉ huy đơn vị tổ chức các đợt võ trang tuyên truyền dọc theo biên giới Việt - Campuchia nhằm tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu về đường lối kháng chiến, vận động quần chúng ủng hộ cách mạng; nhờ vậy nên chỉ sau một thời gian ngắn, hầu hết nhân dân ở các phum, sóc đều được thức tỉnh, giác ngộ, hai dân tộc láng giềng cùng nhau đoàn kết chống kẻ thù chung.

Mưu lược và bản lĩnh, lại thông thạo tiếng Khmer, tiếng Pháp, Ngô Thất Sơn đã nhiều lần chỉ huy chiến sĩ trong đơn vị đóng giả người Khmer thâm nhập vào đồn địch để điều nghiên, tuyên truyền và giải thích về đường lối, chính sách của cách mạng hai nước. Đầu năm 1948, Ngô Thất Sơn chỉ huy một trung đội (trong đó có hai hàng binh Pháp) giả dạng làm binh lính Pháp đột nhập vào đồn Com-Pong-Chac bắn chết tên gác cổng khiến hàng ngũ địch náo loạn, bắt sống tên quận phó, thu được 40 súng và nhiều đạn dược.

Cũng trong thời gian này, Ngô Thất Sơn còn trực tiếp đào tạo, huấn luyện và giúp đỡ nhiều đồng chí của nước bạn, trong số đó có người sau này đã trở thành lãnh đạo uy tín, kiên trung của cách mạng Campuchia.

Tháng 9-1948, Ngô Thất Sơn được cử làm Trung đoàn phó Trung đoàn 305 gồm 05 chi bộ và Bộ đội Hải Ngoại I. Đến tháng 10-1948, đơn vị này được đổi tên thành Bộ đội Sivôtha (tức tình nguyện quân Việt Nam) khu Đông Bắc, Ngô Thất Sơn được cử làm Trung đoàn trưởng. Bộ đội Sivôtha đã có nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả trong việc nâng cao hiểu biết về cách mạng, củng cố lòng tin vào kháng chiến trong một bộ phận đồng bào nhẹ dạ cả tin trước những thủ đoạn xuyên tạc thâm độc của kẻ thù.

Hòng chặn đứng ảnh hưởng và uy tín ngày càng lớn mạnh của cách mạng, ngày 2-6-1949, địch huy động một lực lượng lớn mở trận càn vào vùng giải phóng Tây Ninh, trọng điểm là khu vực biên giới huyện Châu Thành với mục tiêu truy quét đơn vị Bộ đội Hải Ngoại I. Được tin, Ngô Thất Sơn lập tức xin phép bỏ dỡ cuộc họp, đến ngay trận địa để cùng đồng đội sát cánh chiến đấu. Vì tương quan lực lượng quá lớn, nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc đối đầu không cân sức, chỉ huy Ngô Thất Sơn bị thương sa vào tay giặc.

Nắm được thông tin Ngô Thất Sơn là một chỉ huy có tài, được dân yêu mến và tín nhiệm nên kẻ thù ra sức dùng thủ đoạn mua chuộc nhưng hoài công vô ích. Chúng quay sang tra tấn nhằm khuất phục người chiến sĩ cách mạng kiên trung, di chuyển hết nhà giam này đến nhà giam khác để khảo tra, song dù bị giam ở đâu, bị tra tấn đến mức độ nào Ngô Thất Sơn vẫn luôn nêu cao khí chất Bộ đội Cụ Hồ bằng sự khẳng khái: “Tôi chiến đấu nhằm mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam thân yêu, đồng thời góp phần cùng nhân dân Campuchia đánh đuổi quân thù!...”. Sự khẳng khái và gan góc của đồng chí tỏa sáng lên tinh thần đoàn kết của hai dân tộc, gây cảm hóa trong binh lính người Khmer. Ngay cả tên quan ba Pháp cũng phải thốt lên sự cảm phục: “Từ trước tới nay tôi chưa gặp người Việt Nam nào dũng cảm như ông!”. Và có lúc, kẻ thù đã nghĩ đến việc trao đổi tù binh giữa Ngô Thất Sơn với hai tên đại tá người Pháp là Charton và Lepage nhưng không dám thực hiện vì sợ làm như vậy sẽ “thả hổ về rừng”. Hết kiên nhẫn với “người tù Việt Minh bất trị”, ngày 10-11-1952, kẻ thù lén lút thủ tiêu Ngô Thất Sơn tại khám lớn Đức Hòa (tỉnh Long An).

Ngô Thất Sơn đã hy sinh trong tư thế của một anh hùng, để lại niềm kính phục và tiếc thương trong đồng chí, đồng bào vùng biên giới Tây Ninh và quê hương Bảy Núi. Ngô Thất Sơn mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của nhân dân An Giang và dân tộc Việt Nam nói chung.

Ngày 20-12-1994, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” đối với đồng chí Ngô Thất Sơn, nhằm ghi nhận và phần nào tri ân công lao đóng góp của người con trung dũng của quê hương Bảy Núi, An Giang trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc./.

Phòng Lịch sử Đảng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40079284