Truy cập hiện tại

Đang có 64 khách và không thành viên đang online

Làng nghề đan đát Mỹ An

(TGAG)- Đã tồn tại hơn trăm năm, vừa mang những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, làng nghề đan đát tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới đã nuôi sống biết bao thế hệ người dân Cồn Phước, hiện đang đứng trước những thách thức trong thời buổi kinh tế thị trường, với sự cạnh tranh của nhiều chủng loại đến từ các sản phẩm bằng nhựa, inox.

Nếu như trước đây (khoảng những năm 1980), các sản phẩm của làng nghề đan đát người dân ở Cồn Phước, xã Mỹ An rất đắc khách, sản phẩm làm ra “cung không đủ cầu”, với rế lót nồi, bội nhốt gà, rổ đựng rau, đựng cá, thúng bưng lúa, cần xé đựng trái cây,… có khi sản phẩm làm ra không đủ giao, người dân phải làm cả ngày lẫn đêm, cuộc sống của người dân gắn với nghề đan đát như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Người người đều biết đan đát, nhà nhà đều văng vẳng âm thanh của tiếng nan trúc, nan tre đan vào nhau, nhỏ tuổi thì làm những thứ đơn giản, lớn lên làm những công đoạn phức tạp, các sản phẩm đan đát của Mỹ An hầu như có mặt khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, trong từng gia đình của mỗi bà con. Nhưng dần theo thời gian, yêu cầu của khách hàng cần: sự tiện lợi, mẫu mã đẹp, gọn nhẹ của các sản phẩm từ nhựa, inox, giá thành phải chăng dần lấn át những sản phẩm từ tre, từ trúc, thị trường tiêu thụ hẹp, thu nhập cũng không tăng cao, nguồn nguyên liệu dần khan hiếm dẫn đến nhiều người tâm huyết với nghề đan đát Mỹ An cũng thưa dần, hoàng hôn của nghề đan đát dần hiển hiện. Cô Nguyễn Thị Vẹn, đại diện làng nghề đan đát Mỹ An thông tin: “Bây giờ còn khoảng 80, 90 chục hộ, mỗi hộ khoảng 3 lao động. Tại vì những lao động chính họ đã đi làm ở Bình Dương, làng nghề hiện tại chỉ giải quyết việc làm cho những người già và những trẻ nhỏ đang đi học ở tại địa phương tiếp giúp thêm, phụ tiếp thêm thu nhập khi không thể đi làm ăn xa được. Nhà đông mà sản phẩm làm ra nhiều, nhanh thu nhập cũng ổn định, còn mấy người gia công (làm mướn) thu nhập một ngày cũng 40 đến 50 ngàn đồng”.



Hiện các sản phẩm của làng nghề chỉ phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân có nhu cầu hoặc theo từng mùa vụ, điển hình như mùa lúa, bà con cần thúng giê, thúng giạ đựng lúa, mùa nước nổi cần rổ đựng cá, ốc, cua, tôm, mùa thu hoạch trái cây như cần xề đựng trái và trong các cửa hàng buôn bán cây cảnh cũng cần xề đựng các loại cây con. Nhưng tựu chung, mỗi sản phẩm đan đát làm ra đều chứa đựng bao tâm huyết của người thợ, từ những công đoạn thô sơ: đốn tre (trúc), chẻ tre, vót tre, ra nan, chẻ vành rồi cạo tinh (cạo lớp da xanh của cây), kéo nan, gầy đến những việc làm tỷ mỹ cần sự khéo tay: đương mê, vành, ốp, đan đát… Giai đoạn công phu nhất, tốn nhiều thời gian nhất cũng là quan trọng nhất là đan đát. Từ những thanh nan hầu như vô dụng, qua bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ, cặm cụi đều đặn từng nan, từng nan một để cho ra những sản phẩm đẹp, những thanh nan như được thổi hồn vào, biến thành những chiếc thúng, rổ bóng loáng, tinh tươm gần gũi với đời sống người dân.

Gắn bó hầu như gần cả đời người, xem nghề đan đát là “cần câu cơm” cho chính mình thoát khỏi cảnh khốn khó, cũng như nuôi sống các con, các cháu ăn, học thành tài, có thể kể đến các gia đình: ông Tư Huệ, bà Năm My, Tư Này, Bảy Hạo,… nhà cửa nơi đây nhờ nghề đan đát cũng được ngói hóa, đường làng được bê tông thẳng tắp, ngõ xóm sạch, đẹp.

Lớn lên cùng nghề đang đát, nhìn thấu những thăng trầm của nghề: từ những ngày hoàng kim đến khi sản phẩm không còn được phổ biến, nhưng anh Trần Chí Thiện, (nay đã 45 tuổi) vẫn đau đáo với nghề: từ những lúc học việc khi còn nhỏ tuổi, cho đến vài năm nay, nhờ chịu siêng, chịu khó với nghề cộng với uy tín và biết tìm đầu ra cho sản phẩm nên anh đã hình thành được cơ sở chuyên thu mua các sản phẩm từ người dân trong cồn, rồi bán lại cho các bạn hàng đầu mối gần xa.

Do nhu cầu tiêu dùng ít nên hầu hết các gia đình còn gắn bó với nghề ở Cồn Phước hiện tại, chủ yếu là phụ lão và trẻ nhỏ muốn “an phận” nơi làng quê, thanh niên, phụ nữ đều chọn việc học hành, làm các nghề khác chứ không còn tâm huyết với nghề đan đát, có chăng các gia đình cũng làm nghề nhưng vào những lúc nông nhàn hoặc kết hợp 2 đến 3 việc: ngày làm phụ hồ, làm rẫy, làm ruộng, chiều hoặc chập tối mới thỏa niềm đam mê đan đát của chính mình. Từ đó mà từng công đoạn làm ra sản phẩm cũng được tập trung thực hiện: che nan, ra nan, kéo nan hoặc làm vành, đan đát,… chứ không vội vàng ra từng sản phẩm hàng ngày như trước và sản phẩm tiêu thụ theo mùa nên bà con đã nghĩ ra cách phơi khô từng nan tre, vành ốp vựa lại cho những mùa sau sử dụng tiếp. Nhưng vào tháng 10 năm 2009, làng nghề đan đát Mỹ An được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh, với việc được chính quyền công nhận, tạo điều kiện cho sản phẩm có mặt tại các hội chợ triển lãm, giao thương với các làng nghề trong và ngoài tỉnh, hứa hẹn nhiều bước khởi sắc của nghề đan đát sắp tới.

Anh Võ Ngọc Phi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An thông tin thêm: “Địa phương cũng có nhiều kế hoạch triển khai trong đó, chủ yếu là tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn thành viên trong làng nghề tiếp cận các nguồn vốn đầu tư các trang thiết bị, đặc biệt là máy móc phục vụ trong vấn đề chẻ nan, vuốt nan giúp cho các hộ trong làng nghề tăng năng suất lao động, chất lượng mẫu mã đẹp hơn. Bằng biện pháp đó sẽ giúp cho làng nghề nâng cao hiệu quả, công suất, giúp làng nghề xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, đồng thời địa phương cũng quan tâm đầu tư  xây dựng cơ sở hạ tầng, năm 2012: xây dựng  tuyến đường: khu 1 và khu 3 phục vụ cho làng nghề này”.

Nghề đan đát tại Cồn Phước đã có xuyên suốt từ hàng thế kỷ nay, hiện bà con tại đây vẫn âm thầm cống hiến cho nghề để thế hệ con cháu nuôi dưỡng những ước mơ vươn tới tương lai, vừa bảo tồn các giá trị truyền thống cha ông, vừa đưa những sản phẩm mộc mạc mang nét đẹp hồn quê có mặt tại các gia đình mãi trường tồn cùng thời gian./.

Bảo Dinh  
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40110260