Trở về với một “Thời áo trắng” tinh khôi
- Được đăng: Thứ tư, 18 Tháng 11 2015 15:01
- Lượt xem: 6035
(TGAG)- Đọc một mạch hết 146 trang sách Thời áo trắng (NXB Kim Đồng in 2015), quả thật không thể nào “rứt” ra được. Truyện dài được viết nên bằng chính tâm huyết của tác giả đã có hơn ba mươi năm gắn bó với nghề “trồng người” - cô giáo Hoàng Mai Quyên. Cô giáo ấy đã “hô biến” ngòi bút dung dị để bao bạn đọc có thể “quay ngược thời gian” tìm về hình ảnh của chính mình, để rồi cùng khắc khoải, bồi hồi, có khi là tiếc nuối… Chỉ vì những kỷ niệm ăm ắp đầy của cái thời “trẻ trâu” bên thầy cô, bên bạn bè của ngày nào, giờ chỉ còn trong ký ức.
Lấy bối cảnh là không gian trường học nơi miền sông nước và qua góc nhìn của nhân vật chính tên Hiền Mai - một học sinh vừa gia nhập gia đình 12A9, trường THPT Trần Văn Thành. Truyện được mở đầu bằng ngày đầu tiên đến lớp của đôi bạn Mai và Bích, họ tình cờ quen biết nhau trong một lần “cọ quẹt” xe trên đường, rồi thân nhau, lắm lúc cũng hiểu lầm nhau nhưng rồi vẫn thương quý nhau, “dính chặt” như hình với bóng chẳng thể tách rời… Theo bước chân của Mai từng ngày đến lớp, đến nhà của từng đứa bạn mới vỡ lẽ ra lớp học “siêu nghịch ngợm” có tới “hàng tá” thành phần cá biệt và rất nhiều bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lớp học ấy còn có cô Lan - cô giáo chủ nhiệm với tấm lòng nhiệt thành, tận tâm tận tình với học sinh, có anh chàng lớp trưởng Hiệp “hai lúa” nhà ở “tuốt trong ngọn” mà lúc nào cũng vượt khó học tốt, gương mẫu, quán xuyến mọi việc của lớp và rất đỗi “ga lăng”. Những ngày đầu mà dường như sự gắn bó của tập thể đã sưởi ấm tâm hồn của một cô bé ở nơi “lạ nước lạ cái” vừa chuyển đến…
Tình huống, cảm xúc của mạch truyện cứ như liên tục “rượt đuổi” nhau, gần gũi và chân thật trên từng câu chữ, hình ảnh. Có những cảnh chân thật được tác giả miêu tả bằng tất cả tấm lòng của một cô giáo luôn thấu hiểu và đồng cảm với những đứa con đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Đám học trò cùng rủ nhau đạp xe hàng chục cây số trên con đường lầy lội vào tận kinh 7 tìm cho được nhà của Dũng, đứa bạn chịu cảnh mồ côi cha mẹ “một bữa đi học, một bữa đi mần mướn” kiếm tiền. Dũng bị sốt xuất huyết mà anh Dũng phải đi làm, các bạn thay nhau chăm sóc, chép bài và quyên góp giúp đỡ Dũng. Chuyện của Dũng vừa lắng dịu thì đến chuyện của Tài, bạn ấy nói dối cô chủ nhiệm, viện lý do nhà khó khăn đường đến trường gian nan lắm. Trước sự “ngụy biện” rất học trò ấy, cô giáo đã cảnh tỉnh học trò chỉ bằng việc “nói là làm”, bằng một câu quả quyết “xa mấy cô cũng tới”. Và tình huống có thể nói cảm động nhất đó là hai tuần lễ vắng cô chủ nhiệm, vì cô bị phỏng. Cô trò nhìn nhau mà không cầm được nước mắt. Các học trò cảm nhận từng ngày nỗi buồn vắng cô như vắng bàn tay chăm sóc của mẹ hiền. Trong tiết dự sinh hoạt, thằng Thịnh “mỏ vịt” đứng dậy la làng, lời nói đùa nhưng lại rất thật lòng “Không ai la rầy cũng… buồn quá ha các bạn!”.
Có thể nói cái tình trong tác phẩm được đặt lên hàng đầu. Tình thầy trò, tình bạn bè, tình với trường lớp, với những hoạt động đậm chất học sinh như: cắm trại, chương trình phát thanh học đường… Những tấm lòng hào hiệp sẵn sàng quyên góp giúp đỡ bạn bè vượt qua khó khăn trước mắt, ân cần lo lắng thăm hỏi khi cô giáo bị tai nạn không thể đến lớp, những lời thoại đầy tâm tư mà cô giáo dành cho học trò, những lời lẽ động viên nhau lấy nước mắt người đọc, khẽ lay động trái tim bao thế hệ học trò… Ở bất kỳ hoạt động nào, thầy trò bạn bè đều gắn bó mật thiết, cùng chung tay góp sức để mang lại niềm vui tiếng cười và những kỷ niệm ngọt ngào của thời áo trắng.
Chắc một điều rằng, qua những hình ảnh, chi tiết được tác giả dụng công khắc họa, bao tâm tư, ước vọng cùng bao niềm vui và nỗi buồn “rất thơ” trong tình cảm thầy trò, tình bạn nơi vùng sông nước miền Tây Nam bộ đã trở nên mộc mạc, chân phương quá đỗi... “Đó là những buổi bơi xuồng hái bông điên điển, là những ngày vớt cá linh đầy ắp khoang xuồng vào mùa nước nổi, là những buổi đi đặt lọp bắt tôm, bắt cá, là mỗi ngày đến trường phải đi ngang cây cầu khỉ bấp bênh…”. Dường như, truyện lôi cuốn người đọc vào thế giới của những câu chuyện kể từ nhà đến trường, từ chỗ sông nước cầu khỉ lắt lẻo khó đi đến bến bờ tri thức sáng lạn niềm tin…
Và một điều phải công nhận, tác giả đã tinh tế trong việc khắc hoạ tính cách, đời sống tâm hồn và “cái tôi” rất riêng của các cô cậu học sinh tuổi mới lớn. Chính những tính cách dễ thương, tinh nghịch, hóm hỉnh đôi lúc ương ngạnh ấy đã làm nên nét “đặc trưng” của thời áo trắng tinh khôi, làm nên sự thành công cho tác phẩm. Đôi chỗ độc giả phải đọc thật chậm để cảm thông, chia sẻ với nỗi trăn trở của cô giáo đối với bọn “ác”, “xóm nhà chòi, nhà lá” - nhóm học sinh cá biệt với đủ chiêu trò: cúp cua, nói dối, nói leo, phá phách của lớp; đồng cảm với hoàn cảnh phải “sống theo con nước” của đám học trò nghèo, chúng phải đi học trễ vì nhà xa “giữa biển nước mênh mông”, phải xắn quần quá gối bì bõm, phải theo anh chị cha mẹ kiếm kế mưu sinh vào mùa nước nổi… Đôi chỗ độc giả phải dừng lại để chiêm ngưỡng những con người lao động cần mẫn, nghĩa tình và bức tranh quê hương trù phú, đẹp lung linh với nhiều đặc sản, mang dáng dấp rất riêng của miền Tây Nam bộ vào mùa nước nổi. Một nét vẽ nên thơ thật đầm ấm ở một vùng quê xa xôi, tác giả dường như làm ấm lòng người đọc. Không hẳn chỉ có thế, từng “lời ăn tiếng nói” hài hước, trêu chọc nhau cũng được tác giả chú trọng thể hiện một cách tự nhiên, hồn hậu. Có những đoạn đối thoại “tếu táo”, những trò quái chiêu chọc phá nhau có một không hai của đám học trò có thể khiến người đọc cười “đủ kiểu”, khi thì cười “mỉm chi”, khi thì “cười khe khẽ”, khi thì phá lên cười thật hào sảng (như cái bữa thằng Hiền tánh hiền như con gái đành bỏ tiết ra về, với lý do bị “bọn ác” lấy hộp quẹt đốt… đít quần). Mỗi học sinh được tác giả khắc họa mang tính cách riêng biệt, trẻ trung. Ví như Hiệp “hai lúa” đa tài, sống chân thành vì mọi người, giỏi ngón đàn guitar và đánh bắt cá mùa nước nổi; Thịnh “mỏ vịt” dí dỏm hài hước và hay nói “đệm” nói leo; Bích vui tính, có giọng hát khá hay nhưng đôi lúc vì tự ái, nhạy cảm nên xử sự nông nổi và ương ngạnh; Mai duyên dáng, học giỏi văn và năng động trong các phong trào; Tấn “lùn” rất “trùm sò” nhưng lắm lúc cũng có những nghĩa cử hào hiệp, dễ thương; Dũng “hắc công tử” ốm yếu, mồ côi cha mẹ, tánh nết hiền lành, trầm lặng và chịu khó; Tài lười học hay nói dối… Tất cả những tính cách ấy như bổ sung cho nhau, như làm đẹp thêm cho những trang truyện Thời áo trắng; mà hơn hết là cho ta tìm lại chính mình của những ngày qua.
Trên mỗi trang viết rất đỗi tâm huyết của một cô giáo, đoán chừng đã có hơn ba mươi năm vun trồng bao thế hệ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” có những mẫu chuyện cảm động như bủa vây tâm trí người đọc, kéo người đọc trở về cái thời áo trắng dung dị rồi lần nữa dẫn dắt người đọc quay về với hiện tại để chiêm nghiệm những vấn đề mà ngành giáo dục, sư phạm đang đặt ra. Truyện khép lại thật “có hậu” với kết quả 51 thành viên của lớp đều thi đỗ tốt nghiệp phổ thông. Sức mạnh của sự đoàn kết và tình thương yêu đã giúp cho cánh cửa tương lai của tập thể 12A9 thêm rộng mở. Phải chăng đây là thông điệp mà tác giả trăn trở gửi gắm? “Con người hơn nhau ở nghị lực” và chính tình thương yêu dìu dắt của cô giáo đã sưởi ấm bao trái tim bé bỏng, thắp sáng ước mơ và nâng niu “chăm bón” cho biết bao nghị lực học trò từng ngày “đơm hoa kết trái”. Có thể thấy từ đầu đến cuối truyện nổi bật hai đạo lý chủ đạo, đó là “tôn sư trọng đạo” và “một con ngựa đau, cả tàu…”. Qua các tình huống và cách giải quyết tình huống được tác giả khéo léo xếp đặt một cách tự nhiên, các đạo lý được đúc rút nguyên giá trị, mang ý nghĩa cao đẹp.
Lật giở từng trang sách, tôi cảm nhận rất rõ hình như mình đang rung cảm, đang thảng thốt, ngậm ngùi nhớ về những ngày tháng cũ, ấm áp và thân quen đến lạ. Giờ đây trong số thầy cô, bạn bè tôi, có người xa xứ lập nghiệp, có người mãi mãi không còn trên cõi đời này nữa… nhưng những kỷ niệm thân thương làm sao có thể quên? Tất cả ùa về còn nguyên vẹn, chợt thấy lòng nhoi nhói, xốn xang và bồi hồi thương nhớ một thời áo trắng tinh khôi. Cảm ơn tác giả đã cho tôi quay về tuổi học trò với những tình cảm hết sức trong sáng, ngây ngô, đầy ắp những ước mơ, hoài bão. Trong những ngày của tháng 11 này, cả nước đang tôn vinh những người Thầy đứng trên bục giảng, chính quyển sách đã mang tới làn gió mát rượi đưa ru bao tâm hồn trẻ và đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm thấu đáo về đạo lý tôn sư trọng đạo trong thời buổi ngày nay.
Đóng quyển sách lại, lời của cô giáo vẫn còn như văng vẳng bên tai, êm ái, dịu dàng “Đối với các em, cô đều coi như các con của cô… cô sẽ cùng các em chèo chống con thuyền 12A9 vượt qua sóng gió để cập bến an toàn”.
Huỳnh Cam
Tình huống, cảm xúc của mạch truyện cứ như liên tục “rượt đuổi” nhau, gần gũi và chân thật trên từng câu chữ, hình ảnh. Có những cảnh chân thật được tác giả miêu tả bằng tất cả tấm lòng của một cô giáo luôn thấu hiểu và đồng cảm với những đứa con đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Đám học trò cùng rủ nhau đạp xe hàng chục cây số trên con đường lầy lội vào tận kinh 7 tìm cho được nhà của Dũng, đứa bạn chịu cảnh mồ côi cha mẹ “một bữa đi học, một bữa đi mần mướn” kiếm tiền. Dũng bị sốt xuất huyết mà anh Dũng phải đi làm, các bạn thay nhau chăm sóc, chép bài và quyên góp giúp đỡ Dũng. Chuyện của Dũng vừa lắng dịu thì đến chuyện của Tài, bạn ấy nói dối cô chủ nhiệm, viện lý do nhà khó khăn đường đến trường gian nan lắm. Trước sự “ngụy biện” rất học trò ấy, cô giáo đã cảnh tỉnh học trò chỉ bằng việc “nói là làm”, bằng một câu quả quyết “xa mấy cô cũng tới”. Và tình huống có thể nói cảm động nhất đó là hai tuần lễ vắng cô chủ nhiệm, vì cô bị phỏng. Cô trò nhìn nhau mà không cầm được nước mắt. Các học trò cảm nhận từng ngày nỗi buồn vắng cô như vắng bàn tay chăm sóc của mẹ hiền. Trong tiết dự sinh hoạt, thằng Thịnh “mỏ vịt” đứng dậy la làng, lời nói đùa nhưng lại rất thật lòng “Không ai la rầy cũng… buồn quá ha các bạn!”.
Có thể nói cái tình trong tác phẩm được đặt lên hàng đầu. Tình thầy trò, tình bạn bè, tình với trường lớp, với những hoạt động đậm chất học sinh như: cắm trại, chương trình phát thanh học đường… Những tấm lòng hào hiệp sẵn sàng quyên góp giúp đỡ bạn bè vượt qua khó khăn trước mắt, ân cần lo lắng thăm hỏi khi cô giáo bị tai nạn không thể đến lớp, những lời thoại đầy tâm tư mà cô giáo dành cho học trò, những lời lẽ động viên nhau lấy nước mắt người đọc, khẽ lay động trái tim bao thế hệ học trò… Ở bất kỳ hoạt động nào, thầy trò bạn bè đều gắn bó mật thiết, cùng chung tay góp sức để mang lại niềm vui tiếng cười và những kỷ niệm ngọt ngào của thời áo trắng.
Chắc một điều rằng, qua những hình ảnh, chi tiết được tác giả dụng công khắc họa, bao tâm tư, ước vọng cùng bao niềm vui và nỗi buồn “rất thơ” trong tình cảm thầy trò, tình bạn nơi vùng sông nước miền Tây Nam bộ đã trở nên mộc mạc, chân phương quá đỗi... “Đó là những buổi bơi xuồng hái bông điên điển, là những ngày vớt cá linh đầy ắp khoang xuồng vào mùa nước nổi, là những buổi đi đặt lọp bắt tôm, bắt cá, là mỗi ngày đến trường phải đi ngang cây cầu khỉ bấp bênh…”. Dường như, truyện lôi cuốn người đọc vào thế giới của những câu chuyện kể từ nhà đến trường, từ chỗ sông nước cầu khỉ lắt lẻo khó đi đến bến bờ tri thức sáng lạn niềm tin…
Và một điều phải công nhận, tác giả đã tinh tế trong việc khắc hoạ tính cách, đời sống tâm hồn và “cái tôi” rất riêng của các cô cậu học sinh tuổi mới lớn. Chính những tính cách dễ thương, tinh nghịch, hóm hỉnh đôi lúc ương ngạnh ấy đã làm nên nét “đặc trưng” của thời áo trắng tinh khôi, làm nên sự thành công cho tác phẩm. Đôi chỗ độc giả phải đọc thật chậm để cảm thông, chia sẻ với nỗi trăn trở của cô giáo đối với bọn “ác”, “xóm nhà chòi, nhà lá” - nhóm học sinh cá biệt với đủ chiêu trò: cúp cua, nói dối, nói leo, phá phách của lớp; đồng cảm với hoàn cảnh phải “sống theo con nước” của đám học trò nghèo, chúng phải đi học trễ vì nhà xa “giữa biển nước mênh mông”, phải xắn quần quá gối bì bõm, phải theo anh chị cha mẹ kiếm kế mưu sinh vào mùa nước nổi… Đôi chỗ độc giả phải dừng lại để chiêm ngưỡng những con người lao động cần mẫn, nghĩa tình và bức tranh quê hương trù phú, đẹp lung linh với nhiều đặc sản, mang dáng dấp rất riêng của miền Tây Nam bộ vào mùa nước nổi. Một nét vẽ nên thơ thật đầm ấm ở một vùng quê xa xôi, tác giả dường như làm ấm lòng người đọc. Không hẳn chỉ có thế, từng “lời ăn tiếng nói” hài hước, trêu chọc nhau cũng được tác giả chú trọng thể hiện một cách tự nhiên, hồn hậu. Có những đoạn đối thoại “tếu táo”, những trò quái chiêu chọc phá nhau có một không hai của đám học trò có thể khiến người đọc cười “đủ kiểu”, khi thì cười “mỉm chi”, khi thì “cười khe khẽ”, khi thì phá lên cười thật hào sảng (như cái bữa thằng Hiền tánh hiền như con gái đành bỏ tiết ra về, với lý do bị “bọn ác” lấy hộp quẹt đốt… đít quần). Mỗi học sinh được tác giả khắc họa mang tính cách riêng biệt, trẻ trung. Ví như Hiệp “hai lúa” đa tài, sống chân thành vì mọi người, giỏi ngón đàn guitar và đánh bắt cá mùa nước nổi; Thịnh “mỏ vịt” dí dỏm hài hước và hay nói “đệm” nói leo; Bích vui tính, có giọng hát khá hay nhưng đôi lúc vì tự ái, nhạy cảm nên xử sự nông nổi và ương ngạnh; Mai duyên dáng, học giỏi văn và năng động trong các phong trào; Tấn “lùn” rất “trùm sò” nhưng lắm lúc cũng có những nghĩa cử hào hiệp, dễ thương; Dũng “hắc công tử” ốm yếu, mồ côi cha mẹ, tánh nết hiền lành, trầm lặng và chịu khó; Tài lười học hay nói dối… Tất cả những tính cách ấy như bổ sung cho nhau, như làm đẹp thêm cho những trang truyện Thời áo trắng; mà hơn hết là cho ta tìm lại chính mình của những ngày qua.
Trên mỗi trang viết rất đỗi tâm huyết của một cô giáo, đoán chừng đã có hơn ba mươi năm vun trồng bao thế hệ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” có những mẫu chuyện cảm động như bủa vây tâm trí người đọc, kéo người đọc trở về cái thời áo trắng dung dị rồi lần nữa dẫn dắt người đọc quay về với hiện tại để chiêm nghiệm những vấn đề mà ngành giáo dục, sư phạm đang đặt ra. Truyện khép lại thật “có hậu” với kết quả 51 thành viên của lớp đều thi đỗ tốt nghiệp phổ thông. Sức mạnh của sự đoàn kết và tình thương yêu đã giúp cho cánh cửa tương lai của tập thể 12A9 thêm rộng mở. Phải chăng đây là thông điệp mà tác giả trăn trở gửi gắm? “Con người hơn nhau ở nghị lực” và chính tình thương yêu dìu dắt của cô giáo đã sưởi ấm bao trái tim bé bỏng, thắp sáng ước mơ và nâng niu “chăm bón” cho biết bao nghị lực học trò từng ngày “đơm hoa kết trái”. Có thể thấy từ đầu đến cuối truyện nổi bật hai đạo lý chủ đạo, đó là “tôn sư trọng đạo” và “một con ngựa đau, cả tàu…”. Qua các tình huống và cách giải quyết tình huống được tác giả khéo léo xếp đặt một cách tự nhiên, các đạo lý được đúc rút nguyên giá trị, mang ý nghĩa cao đẹp.
Lật giở từng trang sách, tôi cảm nhận rất rõ hình như mình đang rung cảm, đang thảng thốt, ngậm ngùi nhớ về những ngày tháng cũ, ấm áp và thân quen đến lạ. Giờ đây trong số thầy cô, bạn bè tôi, có người xa xứ lập nghiệp, có người mãi mãi không còn trên cõi đời này nữa… nhưng những kỷ niệm thân thương làm sao có thể quên? Tất cả ùa về còn nguyên vẹn, chợt thấy lòng nhoi nhói, xốn xang và bồi hồi thương nhớ một thời áo trắng tinh khôi. Cảm ơn tác giả đã cho tôi quay về tuổi học trò với những tình cảm hết sức trong sáng, ngây ngô, đầy ắp những ước mơ, hoài bão. Trong những ngày của tháng 11 này, cả nước đang tôn vinh những người Thầy đứng trên bục giảng, chính quyển sách đã mang tới làn gió mát rượi đưa ru bao tâm hồn trẻ và đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm thấu đáo về đạo lý tôn sư trọng đạo trong thời buổi ngày nay.
Đóng quyển sách lại, lời của cô giáo vẫn còn như văng vẳng bên tai, êm ái, dịu dàng “Đối với các em, cô đều coi như các con của cô… cô sẽ cùng các em chèo chống con thuyền 12A9 vượt qua sóng gió để cập bến an toàn”.
Huỳnh Cam