Truy cập hiện tại

Đang có 70 khách và không thành viên đang online

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)

(TGAG)- Vi rút Corona (nCoV) là một loại vi rút đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Vi rút này là chủng vi rút mới chưa được xác định trước đó.

Các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của nCoV. Nhiều ý kiến cho rằng, vi rút Corona là một betacorona virus, thuộc họ với vi rút gây hội chứng MERS-CoV và hội chứng SARS, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ là loài dơi. Phân tích cây di truyền của vi rút này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của vi rút.

Vi rút này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, vi rút lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng vi rút, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Vi rút cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm vi rút khi xử lý các chất thải của người bệnh. Mới đây, các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng, nCoV mới có thể lây qua đường tiêu hóa.

Các triệu chứng của bệnh nhân mắc nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.

Đến nay, chưa có loại thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra. Những người bệnh hiện nay được điều trị giảm các triệu chứng, các trường hợp bệnh nặng sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ tối ưu nhất. Một số phương pháp điều trị đặc hiệu đang được nghiên cứu, thực hiện trong điều trị lâm sàng cho các bệnh nhân và đã có kết quả bước đầu tích cực.

Tình hình dịch bệnh trên thế giới

Theo Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 12/12/2019, tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) phát hiện ca bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona đầu tiên. Sau đó, dịch bệnh đã lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng ở mức rất cao tại Trung Quốc và lan ra nhiều nước trên thế giới. Đến ngày 31/01/2020, tại Trung Quốc ghi nhận 9.692 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 213 trường hợp tử vọng; đồng thời ghi nhận 115 trường hợp bệnh xâm nhập tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc). Cùng ngày, WHO đã tuyên bố sự bùng phát nCoV là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Dư luận nhiều quốc gia tỏ ra lo lắng, thậm chí phân biệt đối xử đối với người Trung Quốc; đồng thời tích cực triển khai các biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát.  

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến ngày 4/2, tổng số trường hợp mắc: 20.662, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 20.438. Tổng số trường hợp tử vong: 426, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 425, tại Philippines: 1. Các trường hợp tử vong chủ yếu ở tỉnh Hồ Bắc và đã vượt quá dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2002-2003. Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc: 224. 24 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc, trong đó: (1). Nhật Bản: 20; (2). Thái Lan: 19; (3). Singapore: 18; (4). Hàn Quốc: 15; (5). Australia: 12; (6). Mỹ: 11; (7). Đài Loan (Trung Quốc): 10; (8). Đức: 12; (9). Malaysia: 8; (10). Việt Nam: 8; (11). Pháp: 6; (12). Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất: 5; (13). Canada: 4; (14). Italy: 2; (15). Anh: 2; (16). Nga: 2; (17). Philippines: 2 (1 tử vong); (18). Ấn Độ: 3; (19). Campuchia: 1; (20). Phần Lan: 1; (21). Nepal: 1; (22). Sri Lanka: 1; (23). Thuỵ Điển: 1; (24). Tây Ban Nha: 1.

Tại Việt Nam

Ngày 23/01/2020, Việt Nam ghi nhận 02 trường hợp đầu tiên mắc bệnh là 2 cha con người Trung Quốc đến từ Vũ Hán vào điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh. Các xét nghiệm ban đầu do Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh xác nhận dương tính với vi rút nCoV.

Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na gây ra. Theo đó, xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức khẩn cấp toàn cầu.

Tính đến ngày 4/2, Việt Nam có 9 người mắc nCoV, trong đó: 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 1 công dân Việt Nam là lễ tân khách sạn có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Số trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút là 92, trong đó có 65 trường hợp xét nghiệm âm tính với nCoV; 27 trường hợp tiếp tục cách ly không để lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, có 43 trường hợp sức khỏe bình thường, nhưng vẫn được cách ly do có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm nCoV. Đến nay, chưa có nhân viên y tế, cũng như chưa có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cấp do nCoV trong Quân đội.

Mục tiêu, giải pháp phòng, chống dịch bệnh  

Theo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam, bệnh viêm đường hô hấp do nCoV có khả năng lây lan thành dịch tại cộng đồng do các nguyên nhân sau:

- Nguy cơ bệnh có thể tiếp tục xâm nhập vào nước ta thông qua khách du lịch, người lao động về từ vùng có dịch.

- Điều kiện khí hậu mùa Đông Xuân lạnh ẩm rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh, phát triển.

- Bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ngăn ngừa xâm nhập trường hợp bệnh, phòng chống lây truyền tại công đồng.

Mục tiêu giải pháp phòng, chống dịch bệnh đối với Việt Nam

Phát hiện sớm trường hợp viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút nCoV, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.

* Các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm: (1) Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; (2)  Khai báo, báo cáo dịch; (3) Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; (4) Tổ chức cách ly y tế; (5) Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; (6) Các biện pháp bảo vệ cá nhân; (7) Kiểm soát ra, vào vùng có dịch; (8) Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch; (9) Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch; (10) Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

Trên cơ sở các biện pháp chung nêu trên, cần quán triệt, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và các cơ quan chức năng, tập trung vào các biện pháp cụ thể sau:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

Thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/01/2020; Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020; phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như “chống giặc”, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, hạn chế thấp nhất tử vong; phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết, kiểm soát tốt nhất dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ (Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ), không để lan rộng.

Công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh:

+ Các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cần lập kênh liên lạc với bạn để nắm thông tin và có biện pháp chủ động xử lý kịp thời theo diễn biến của dịch bệnh.

+ Tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam; Tạm dừng việc cấp thị thực cho khách du lịch đang hoặc từng ở Trung Quốc; cấm việc đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

+ Hạn chế tập trung đông người, nhất là các lễ hội.

+ Nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

+ Kiểm soát nghiêm ngặt người qua lại tại các cửa khẩu biên giới, dừng đón khách du lịch, không đưa lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc; tăng cường giám sát công dân, lao động Trung Quốc ở Việt Nam; thực hiện cách ly, theo dõi, điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh; khử trùng các địa điểm nghi ngờ có dịch.

+ Tạm thời đóng các đường mòn, lối mở; không khuyến khích giao lưu, giao thương với Trung Quốc.

Tăng cường trách nhiệm của các Bộ, Ngành, địa phương trong chỉ đạo, tiến hành chặt chẽ, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên từng địa bàn, trên phạm vi cả nước và sẵn sàng hỗ trợ các nước trong khu vực. Ngày 31/01/2020, Chính phủ Việt Nam đã viện trợ hàng hóa giá trị 500 nghìn USD, Hội chữ thập đỏ Việt Nam cũng có vận động viện trợ hàng hóa giá trị 100 nghìn USD và 07 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam cũng có hình thức phù hợp hỗ trợ nhân dân vùng dịch của Trung Quốc.

Đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cần chủ động thực hiện các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nghiêm cấm việc che dấu, hoặc thông tin không đúng về dịch bệnh.

TGAG
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39847452