Truy cập hiện tại

Đang có 286 khách và không thành viên đang online

NAM BỘ - THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC

(TGAG)- Đã bảy mươi năm “mùa thu rồi ngày hăm ba” trôi qua, ngày mà cách đây 70 năm Ủy ban kháng chiến Nam bộ ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước:

“Đồng bào Nam Bộ!
Nhân dân thành phố Sài Gòn!
Anh em công nhân, nông dân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sỹ!
Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn.
Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.
Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc:
Độc lập hay là chết!
Hôm nay,
Ủy ban kháng chiến kêu gọi:
Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược.
Ai không có phận sự do Ủy ban kháng chiến giao phó thì hãy lập tức rời khỏi thành phố. Những người còn ở lại thì:
- Không làm việc, không đi lính cho Pháp.
- Không đưa đường, không báo tin cho Pháp.
- Không bán lương thực cho Pháp.
- Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt.
- Hãy đốt sạch tất cả các sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp.
Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng.
Hỡi đồng bào!
Từ giây phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng.
Hỡi anh em binh sỹ, dân quân, tự vệ! hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước.
Cuộc kháng chiến bắt đầu! "(1).


Lời kêu gọi như lời hịch truyền hun đúc thêm sức mạnh toàn dân tộc nung nấu quyết tâm quét sạch bóng quân thù. Đáp lại lời kêu gọi của non sông, Nhân dân miền Nam đã nhất tề đứng lên, muôn người như một, từ gậy tầm vông, từ dao mã tấu, các loại vũ khí thô sơ, tiến ra mặt trận quyết chiến với kẻ thù có trang bị vũ khí hiện đại, với một tinh thần xốc tới, đầu ngẩng cao đầy hùng khí và niềm tin bảo vệ chính quyền còn non trẻ. Nhân dân miền Nam chỉ hơn 20 ngày đêm được hít thở không khí độc lập tự do kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Dù được làm công dân một nước độc lập trong thời gian ngắn ngủi nhưng mọi người đã thấm thía được chân giá trị của độc lập tự do. Và dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến.

Trong những ngày đầu tái xâm lược nước ta, quân Pháp đã liên tục bị tấn công và bao vây chặt trong thành phố. Gặp phải sự kháng cự quyết liệt của Nhân dân, sau 8 ngày gây hấn, thực dân Pháp chỉ chiếm đóng được các vị trí, công sở then chốt ở khu vực trung tâm thành phố. Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn: không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực - thực phẩm, thiếu quân và luôn bị cảm tử quân tập kích, tiêu hao, tiêu diệt. Trước tình thế đó, thực dân Pháp buộc phải tìm cách hoãn binh, nhờ đại diện của quân Anh thương lượng với Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.

Tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước. Ngay lập tức, thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ náo nức, khí thế bừng bừng tham gia phong trào Nam tiến, góp sức với Nhân dân Sài Gòn - Gia Định chống thực dân Pháp xâm lược.

Hành động nhân dân Nam Bộ đánh trả tái chiếm của thực dân Pháp là đúng đắn, kịp thời và có ý nghĩa to lớn, ngăn chặn một bước xâm lược của thực dân Pháp, đánh một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp; làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố một thời gian dài; góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền và độc lập của Tổ quốc; đồng bào Nam Bộ bằng tinh thần quả cảm của mình đã dựng nên thành đồng, lũy thép để bảo vệ đất nước, bảo vệ điều thiêng liêng nhất là chủ quyền và độc lập của đất nước. 

Ngày 23/9 - “Ngày Nam Bộ kháng chiến” đi vào lịch sử, mở đầu cho cuộc chiến đấu “gian lao mà anh dũng” trong suốt 30 năm của Nam Bộ thành đồng “đi trước về sau” đến ngày thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Tinh thần của ngày Nam Bộ kháng chiến còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngày nay, ý chí ấy, quyết tâm ấy vẫn là sức mạnh để Nhân dân ta chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, tô đậm thêm truyền thống kiên cường, bất khuất của một dân tộc anh hùng. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh bất khuất của quân dân Nam Bộ thật xứng đáng với danh hiệu cao quý do Hồ Chủ tịch ban tặng: “Thành đồng Tổ quốc”.

Phòng Lịch sử Đảng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37302150