Truy cập hiện tại

Đang có 201 khách và không thành viên đang online

Tìm giải pháp phát triển tiềm năng, thế mạnh ngành du lịch Tân Châu

(TGAG)- Tân Châu là một thị xã trẻ, được công nhận vào năm 2009, có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia; là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng; có tiềm năng về du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử như: dệt gấm, dệt chiếu, chùa Cao Đài, Cồn bãi, sông nước, Chùa Giồng Thành… Tân Châu còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Vĩnh Hòa, vùng cây cảnh như Vườn mai vàng xã Phú Vĩnh… Để từng bước đưa lĩnh vực du lịch trở thành ngành mũi nhọn thị xã, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân,… đó cũng là mục tiêu mà lãnh đạo thị xã Tân Châu đã và đang đẩy mạnh quảng bá thực hiện. 

Tân Châu hiện có 11 di tích lịch sử văn hóa, trong đó đã có 02 di tích được xếp hạng. Trong các di tích được xếp hạng có nhiều di tích nổi tiếng, lưu giữ những trang sử hào hùng của dân tộc quê hương như: Chùa Giồng Thành được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh,… Ngoài ra, hầu hết các xã, phường ở Tân Châu đều có đình, chùa - nơi sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của cộng đồng, có 10 ngôi nhà cổ còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc, giá trị lịch sử. Tân Châu còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú để kết hợp với phát triển du lịch như: Hoạt động đờn ca tài tử rộng khắp, các hội cúng đình, chùa miếu hội, cúng thần nông,... Trong các lễ hội ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa được thể hiện qua nhân vật tưởng niệm, lễ nghi, phong tục, ẩm thực, cùng nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc trưng rất thích hợp để gắn với việc phát triển du lịch. Những thắng cảnh, di sản và di tích nói trên là một lợi thế để phát triển du lịch của thị xã Tân châu, hình thành các tour du lịch trong địa bàn thị xã, và liên kết du lịch trong tỉnh và liên tỉnh.


Khách du lịch nước ngoài tham quan du lịch thị xã Tân Châu bằng xe lôi

Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc trên địa bàn thị xã cơ bản thuận lợi, là tiềm năng để kết nối trong vùng nhằm hình thành các tour du lịch thắng cảnh, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh… Điều đặc biệt, du khách đến với Tân Châu, không chỉ tham quan cảnh sống nước hữu tình của dòng sông Tiền và sông Hậu, mà còn được trải nghiệm tour du lịch cộng đồng tham quan các làng nghề truyền thống như dệt lụa, dệt chiếu và dệt thổ cẩm. Theo báo cáo của ngành du lịch, hiện nay hàng tuần, cứ đến ngày thứ 2 - 4 - 6 -7 và chủ nhật, có khoảng trăm khách nước ngoài đến bằng tàu du lịch Cách Buồm Đông Dương tham quan làng nghề dệt lụa, dệt gấm, dệt chiếu UZU trên địa bàn thị xã; đến đây, du khách được tận mắt thấy, tận tay sờ những dải lụa mềm dệt bằng tơ tằm tự nhiên. Bề dày lịch sử của làng nghề trên trăm năm tuổi và tiếng tăm của chất lụa Tân Châu trên nhiều sàn diễn thời trang quốc tế đã thu hút sự chú ý của du khách.

Không riêng về làng nghề dệt lụa, Tân Châu còn có một làng nghề truyền thống gắn bó rất lâu đời với đồng bào Chăm, đó là nghề dệt thổ cẩm ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, những năm hưng thịnh có hơn 200 hộ tham gia, tuy nhiên giờ đây chỉ còn lại 3 hộ yêu thích nghề dệt thủ công của ông cha để bảo tồn nét văn hóa riêng của cộng đồng, phần lớn mặt hàng họ sản xuất ra chủ yếu bán cho khách du lịch đến tham quan tại cơ sở; sản phẩm thổ cẩm Chăm Châu Phong vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống như: Sà rông, khăn choàng, nón, áo khoác, túi xách luôn là những mặt hàng được khách hàng, nhất là du khách nước ngoài lựa chọn mua làm đồ lưu niệm trong mỗi chuyến du lịch ghé tham quan làng nghề.

Theo thống kê, năm 2017, trên địa bàn thị xã Tân Châu đã có gần 10,000 lượt khách đến tham quan, lưu trú. Trong đó, có trên 7.200 lượt khách quốc tế thông qua các Công ty du lịch lữ hành trên sông Mêkong và trên 2.600 lượt khách lưu trú tại các khách sạn. Ngoài ra, còn có trên 10.000 lượt khách nội địa đến tham quan ở các di tích Phù sơn tự Núi nổi, chùa Bửu sơn kỳ Hương... Về công tác quảng bá, trong năm đã tiếp nhận và hỗ trợ 10 đoàn quay phim trong nước và quốc tế đến ghi hình, phỏng vấn tại các điểm du lịch. Đặc biệt, nhân tháng Du lịch An Giang năm 2017, thị xã đã tiếp đón và hướng dẫn đoàn Famtrip gồm các đơn vị, công ty và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên cả nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về các làng nghề như: lụa Tân Châu, dệt thổ cẩm, dệt chiếu Uzu và xem loại hình chọi gà tre nghệ thuật..., nhằm quảng bá hình ảnh của Tân Châu đến với người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế.


Khu di tích lịch sử cách mạng Phù Sơn Tự - xã Tân Thạnh

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; huy động mọi nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy các giá trị tài nguyên phát triển du lịch mang tính bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã khóa XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Với mục tiêu là từng bước hình thành ngành du lịch thị xã Tân Châu và đưa du lịch trở thành một ngành kinh tết góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương. Trong đó, mục tiêu cụ thể là tăng cường tuyên truyền quảng bá hình thành du lịch Tân Châu trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nhằm thu hút và đón du khách tham quan du lịch tại địa phương; đồng thời giải quyết cho 500 lao động có việc làm thu nhập từ du lịch. Tham gia có hiệu quả vào Chương trình phát triển du lịch tỉnh An  Giang giai đoạn năm 2015 -2016. Tập trung huy động mọi nguồn lực cho xây dựng quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng… phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn; bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng; khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù.

Để đạt được mục tiêu trên, thị xã đã đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ gắn sát với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, tăng cường giới thiệu về du lịch thị xã trên các trang thông tin điện tử bằng hình ảnh và phóng sự giới thiệu về các làng nghề, các địa điểm có thể thu hút khách du lịch, các món ăn đặc sản như: cơ sở dệt chiếu UZU, dệt lụa, dệt gấm, dệt khăn choàng cổ của người Chăm, cồn Vĩnh Hòa, mắm cá mè Vinh, bánh bò Út Dứt, Lạp xưởng bò tung lò mò, cải bò của người Chăm… Quản lý tốt hoạt động Nhà Truyền thống khu di tích cấp quốc gia chùa Giồng Thành; Chùa Bửu Sơn Kỳ Hương. Đầu tư xây dựng, đặt tên, biển chỉ dẫn vào các điểm, các di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng; thiết kế tờ rơi tuyên truyền quảng bá về mảnh đất, con người Tân Châu. Mở rộng các câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ nhu cầu văn nghệ cho khách, đồng thời giao lưu bàng hình thức dạy hát cho họ nếu có nhu cầu. Đẩy mạnh việc xây dựng các vùng sản xuất rau, hoa quả công nghệ cao, mô hình kinh tế trang trại để kết hợp với du lịch. Lập kế hoạch phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn; khu du lịch sinh thái – điểm dừng chân.  Nâng cấp cải tạo và sửa chữa các tuyến đường bị sụp lún gây khó khăn cho việc vận chuyển và đi lại của người dân cũng như cho khách du lịch đến tham quan. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng… Kêu gọi đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích cấp Quốc gia; đầu tư khu du lịch sinh thái Cồn, sông nước.

Về kết nối, xây dựng các tour, tuyến du lịch. Hiện tại, ngành du lịch thị xã Tân Châu đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa ra kết nối theo 2 tuyến du lịch, để dẫn đến các điểm dừng chân du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thị xã. Cụ thể, đối với tuyến 1 là tham quan bằng đường thủy đi từ phường Long Châu đến xã Phú Vĩnh và xã Châu Phong. Tại phường Long Châu tham quan cơ sở dệt gấm Hồng Ngọc, dệt chiếu UZU, tiếp đến tham quan vườn mai vàng Phú Vĩnh tại xã Phú Vĩnh, sau đó dừng chân tại Trung tâm du lịch cộng đồng dân tộc Chăm xã Châu Phong tham quan các cơ sở dệt thổ cẩm, dệt khăn choàng cổ, khăn chùm đầu của người Chăm và thưởng thức các món ăn đặc sản của người Chăm. Đối với tuyến 2, là tham quan các điểm di tích lịch sử và các ngôi nhà cổ gồm: Tham quan chùa Bửu Sơn kỳ hương xã Vĩnh Xương, rồi đến tham quan di tích lịch sử cách mạng (Phù sơn tự - Giồng Trà Dênh, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên) thuộc xã Tân Thạnh, sau đó tham quan ngôi nhà cổ xã Long An, nhà cổ phường Long Thạnh (trong thời gian tham quan có phục vụ nhu cầu đờn ca tài tử nhằm góp phần tôn vinh vẻ đẹp của các ngôi nhà cổ cũng như truyền thống ca hát của quê hương); rồi đến tham quan di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia (chùa Giồng Thành – Nhà truyền thống cụ Nguyễn Sinh Sắc) thuộc phường Long Sơn, su đó đến tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia (Thánh đường Mubarak Muhammadiyah xã Châu Phong).


Hội thi chọi gà tre nghệ thuật thu hút nhiều người đến tham quan

Để làm được điều đó, thị xã sẽ tổ chức tuyên truyền quảng bá và xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch khi có nhu cầu tham quan 2 tuyến trên của khách du lịch. Mở rộng mối quan hệ với các huyện trong tỉnh và Huyện Hồng Ngự - Tỉnh Đồng Tháp để chia sẻ và giới thiệu tour du lịch trên địa bàn thị xã; nhất là khai thác các tuyến du lịch xuyên dòng sông Mêkông thông qua cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương; du lịch sông nước gắn với nghỉ dưỡng, tắm cồn các xã Tân An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương,… Hy vọng rằng, với nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái và du lịch văn hóa như: Cồn bãi, sông nước, các cơ sở dệt thổ cẩm, dệt lụa, dệt gấm, dệt chiếu UZU,… sẽ từng bước sớm đưa ngành du lịch thị xã trẻ đầu nguồn biên giới Tân Châu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch đến tham quan và mua sắm trong thời gian tới. 

Bài, ảnh: Văn Phô
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39982045