Tết - gia đình đoàn tụ, thắm tình láng giềng…
- Được đăng: Thứ bảy, 28 Tháng 1 2023 16:02
- Lượt xem: 1028
(TUAG)- Kể từ ngày nghỉ hưu, Tết này là cái tết thứ năm, tôi ăn tết cùng với vợ, con ở Thành phố Hồ Chí Minh… Và, trong tôi luôn nhớ tới những cái tết lúc mình còn ở An Giang, gần gũi bên những người thân từ trong gia đình đến họ hàng và bà con láng giềng. Có lẽ, đó là cái “bệnh” chung của những người già, hay nhớ chuyện xưa với những hoài niệm tốt đẹp về một thời mình đã trải qua.
Những cái tết của ngày xưa, bước qua tháng chạp là các gia đình chọn ngày phù hợp cử người đi thăm và làm vệ sinh khu mộ ông bà, tổ tiên; dọn dẹp, sơn phết nhà cửa, cắt tỉa hoa kiểng hàng rào ngoài sân và lặt lá mai, chuẩn bị đón tết. Má tôi chuẩn bị tiền mua vải để may quần áo mới, ít ra mỗi người cũng có một đến hai bộ đồ mới để mặc tết. Đến ngày đưa ông Táo về trời, nhà nhà đều chuẩn bị một mâm cơm tươm tất hơn ngày thường một chút và nhiều gia đình bận rộn với công việc chuẩn bị đón tết…
Những nam lao động chính thì sắp xếp thời gian để làm các công việc bón phân, xịt sâu rầy và bơm nước cho lúa, hoa màu… để ba ngày tết không phải làm những công việc đó. Ngoài ra, mấy anh em trai nhà tôi phải lo chùi bộ lư đồng bằng tro trấu, chanh, khế… chùi xong, phơi nắng giống như mới mua, sáng bóng. Mấy anh em trai còn có trách nhiệm tháo mấy bộ cửa chính, cửa sổ ra chùi rửa sạch bụi.
Mấy chị tôi thì lo dọn dẹp nhà cho ngăn nắp, lau dọn sàn nhà, đánh bóng tủ bàn ghế bằng gỗ và làm bánh mứt… Má tôi chuẩn bị nếp, đậu, thịt, lá gói bánh tét, bánh ít và cận tết thì có nồi thịt kho dưa giá, củ kiệu, tôm khô… Anh chị em trong nhà cũng tham gia, rất đông vui. Tôi được phân công leo lên ngọn dừa, tìm những quài có trái mà hầu hết “râu” của nó héo khô gần phân nửa, loại này sẽ có cơm dừa cứng cạy dễ khự ra, xắc mỏng, sên đường làm mứt dừa. Dừa già quá hay non quá, cơm không làm mứt được. Ngoài mứt dừa, các chị tôi làm nhiều loại mứt như: Mứt me, mứt trái đậu que, mứt gừng, mứt bí đao, mứt mãng cầu siêm… Những sề, mâm, thau, chậu chứa các loại mứt được mang ra sân phơi nắng… Má tôi bảo, phải làm thật nhiều để tới ngày tết mang đến dâng lên bàn thờ tổ tiên nhà bà con, hàng xóm cúng… Những gia đình có điều kiện thì nuôi heo, gà, vịt… trước đó khoảng 6 tháng, tết đến có thể mổ thịt và “chia” cho hàng xóm với giá rẻ hơn giá chợ.
Chị tôi ra chợ chọn mua các chậu hoa vạn thọ, hoa hồng, hoa cúc… mua về để dưới chân các cột trước hiên nhà. Ba tôi thì chọn những chậu mai có tán, nhiều nụ và chắc là sẽ nở rộ vào ngày mùng một để vào chính giữa nhà. Chúng tôi chọn lựa vài thiệp chúc xuân đẹp nhất treo vào nhành mai. Trên bàn thờ tổ tiên bình bông huệ trắng tỏa hương thơm dìu dịu hòa với mùi khói nhang khiến không gian trầm mặc, trang nghiêm. Mọi việc phải hoàn tất trước giờ đón giao thừa.
Đêm đón giao thừa, cả nhà quây quần trước bàn thờ gia tiên thắp nhang, cúng lạy, lớn trước, nhỏ sau. Sau đó, con, cháu cất lời chúc xuân ông bà, cha mẹ, những lời chúc tốt đẹp, không quên cầu mong về sức khoẻ, sống lâu… Ông bà, chúc con cháu làm ăn phát đạt, may mắn, hòa thuận, học hành giỏi giang… và kèm theo chút tiền lì xì lấy lộc may mắn.
Mùng một tết, sau khi đã đến thăm, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên của những gia đình bà con ruột thịt, chúng tôi thường được cha mẹ chuẩn bị sẵn ít bánh trái để chiều tối mùng một mang đến bàn thờ tổ tiên của những gia đình hàng xóm láng giềng để cúng, cho dù những gia đình này hoàn toàn không có bà con ruột thịt với mình.
Trong cuộc sống, có lúc, có chuyện hàng xóm láng giềng phật lòng nhau điều chi đó, nhưng hễ tết đến dường như mọi người quên hết và đến với nhau với những lời chúc tốt đẹp. Và, chút ít bánh trái như lễ vật dâng lên tổ tiên của gia chủ, xem tổ tiên hàng xóm cũng như tổ tiên mình.
Thật vậy, lúc ấy trong đầu óc trẻ thơ của tôi, tôi chỉ nghĩ: Tổ tiên của gia đình hàng xóm… cũng cùng thời, cùng trạt tuổi tổ tiên của mình và cũng đáng để mình kính trọng. Thắp nén nhang trước bàn thờ tổ tiên nhà hàng xóm, tôi cũng đã thành kính cầu xin các bậc tiền nhân phò hộ cho gia đình họ cùng với mình có cuộc sống tốt đẹp, làm ăn phát đạt gặp nhiều điều may mắn và hạnh phúc, thôn xóm được bình yên. Cũng trong ngày mồng một tết, ba tôi thường cắt những cành mai ngoài vườn, chọn cành có nhiều hoa mang tặng hàng xóm với ý nghĩ mang lại điều may mắn cho láng giềng. Và, ngược lại, nhà tôi cũng đón nhận mọi điều tốt đẹp tương tự.
Bây giờ, chuyện đón tết, vui xuân có nhiều thay đổi: Quần áo mới đã có các shop quần áo may sẵn, đủ loại, đủ giá; bánh mứt đa dạng, phong phú, đủ hạng, cao cấp đắt tiền thì đóng gói sang trọng; loại thường, ít tiền thì để trong bịch, gói giấy… Nhà nhà, mua mỗi thứ một ít đủ bày biện trên bàn thờ, mang ra đãi khi có khách tới chơi; trẻ con ngày nay cũng ít thèm thuồng bánh mứt như thời tôi của ngày xưa…
Những ngày đầu năm, ai cũng mong đón nhận mọi điều sẽ tốt đẹp, hứa hẹn một năm yên lành, hạnh phúc và thật nhiều may mắn không chỉ cho riêng bản thân, cho gia đình mà cho cả cộng đồng là một tập quán tốt đẹp của người dân Việt chúng ta. Tôi mong ước những điều tốt đẹp của tết ngày xưa còn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta đó là dịp đoàn tụ gia đình, họ hàng và thắm tình nghĩa xóm làng…
Nhà văn MAI BỬU MINH
Những cái tết của ngày xưa, bước qua tháng chạp là các gia đình chọn ngày phù hợp cử người đi thăm và làm vệ sinh khu mộ ông bà, tổ tiên; dọn dẹp, sơn phết nhà cửa, cắt tỉa hoa kiểng hàng rào ngoài sân và lặt lá mai, chuẩn bị đón tết. Má tôi chuẩn bị tiền mua vải để may quần áo mới, ít ra mỗi người cũng có một đến hai bộ đồ mới để mặc tết. Đến ngày đưa ông Táo về trời, nhà nhà đều chuẩn bị một mâm cơm tươm tất hơn ngày thường một chút và nhiều gia đình bận rộn với công việc chuẩn bị đón tết…
Những nam lao động chính thì sắp xếp thời gian để làm các công việc bón phân, xịt sâu rầy và bơm nước cho lúa, hoa màu… để ba ngày tết không phải làm những công việc đó. Ngoài ra, mấy anh em trai nhà tôi phải lo chùi bộ lư đồng bằng tro trấu, chanh, khế… chùi xong, phơi nắng giống như mới mua, sáng bóng. Mấy anh em trai còn có trách nhiệm tháo mấy bộ cửa chính, cửa sổ ra chùi rửa sạch bụi.
Mấy chị tôi thì lo dọn dẹp nhà cho ngăn nắp, lau dọn sàn nhà, đánh bóng tủ bàn ghế bằng gỗ và làm bánh mứt… Má tôi chuẩn bị nếp, đậu, thịt, lá gói bánh tét, bánh ít và cận tết thì có nồi thịt kho dưa giá, củ kiệu, tôm khô… Anh chị em trong nhà cũng tham gia, rất đông vui. Tôi được phân công leo lên ngọn dừa, tìm những quài có trái mà hầu hết “râu” của nó héo khô gần phân nửa, loại này sẽ có cơm dừa cứng cạy dễ khự ra, xắc mỏng, sên đường làm mứt dừa. Dừa già quá hay non quá, cơm không làm mứt được. Ngoài mứt dừa, các chị tôi làm nhiều loại mứt như: Mứt me, mứt trái đậu que, mứt gừng, mứt bí đao, mứt mãng cầu siêm… Những sề, mâm, thau, chậu chứa các loại mứt được mang ra sân phơi nắng… Má tôi bảo, phải làm thật nhiều để tới ngày tết mang đến dâng lên bàn thờ tổ tiên nhà bà con, hàng xóm cúng… Những gia đình có điều kiện thì nuôi heo, gà, vịt… trước đó khoảng 6 tháng, tết đến có thể mổ thịt và “chia” cho hàng xóm với giá rẻ hơn giá chợ.
Chị tôi ra chợ chọn mua các chậu hoa vạn thọ, hoa hồng, hoa cúc… mua về để dưới chân các cột trước hiên nhà. Ba tôi thì chọn những chậu mai có tán, nhiều nụ và chắc là sẽ nở rộ vào ngày mùng một để vào chính giữa nhà. Chúng tôi chọn lựa vài thiệp chúc xuân đẹp nhất treo vào nhành mai. Trên bàn thờ tổ tiên bình bông huệ trắng tỏa hương thơm dìu dịu hòa với mùi khói nhang khiến không gian trầm mặc, trang nghiêm. Mọi việc phải hoàn tất trước giờ đón giao thừa.
Đêm đón giao thừa, cả nhà quây quần trước bàn thờ gia tiên thắp nhang, cúng lạy, lớn trước, nhỏ sau. Sau đó, con, cháu cất lời chúc xuân ông bà, cha mẹ, những lời chúc tốt đẹp, không quên cầu mong về sức khoẻ, sống lâu… Ông bà, chúc con cháu làm ăn phát đạt, may mắn, hòa thuận, học hành giỏi giang… và kèm theo chút tiền lì xì lấy lộc may mắn.
Mùng một tết, sau khi đã đến thăm, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên của những gia đình bà con ruột thịt, chúng tôi thường được cha mẹ chuẩn bị sẵn ít bánh trái để chiều tối mùng một mang đến bàn thờ tổ tiên của những gia đình hàng xóm láng giềng để cúng, cho dù những gia đình này hoàn toàn không có bà con ruột thịt với mình.
Trong cuộc sống, có lúc, có chuyện hàng xóm láng giềng phật lòng nhau điều chi đó, nhưng hễ tết đến dường như mọi người quên hết và đến với nhau với những lời chúc tốt đẹp. Và, chút ít bánh trái như lễ vật dâng lên tổ tiên của gia chủ, xem tổ tiên hàng xóm cũng như tổ tiên mình.
Thật vậy, lúc ấy trong đầu óc trẻ thơ của tôi, tôi chỉ nghĩ: Tổ tiên của gia đình hàng xóm… cũng cùng thời, cùng trạt tuổi tổ tiên của mình và cũng đáng để mình kính trọng. Thắp nén nhang trước bàn thờ tổ tiên nhà hàng xóm, tôi cũng đã thành kính cầu xin các bậc tiền nhân phò hộ cho gia đình họ cùng với mình có cuộc sống tốt đẹp, làm ăn phát đạt gặp nhiều điều may mắn và hạnh phúc, thôn xóm được bình yên. Cũng trong ngày mồng một tết, ba tôi thường cắt những cành mai ngoài vườn, chọn cành có nhiều hoa mang tặng hàng xóm với ý nghĩ mang lại điều may mắn cho láng giềng. Và, ngược lại, nhà tôi cũng đón nhận mọi điều tốt đẹp tương tự.
Bây giờ, chuyện đón tết, vui xuân có nhiều thay đổi: Quần áo mới đã có các shop quần áo may sẵn, đủ loại, đủ giá; bánh mứt đa dạng, phong phú, đủ hạng, cao cấp đắt tiền thì đóng gói sang trọng; loại thường, ít tiền thì để trong bịch, gói giấy… Nhà nhà, mua mỗi thứ một ít đủ bày biện trên bàn thờ, mang ra đãi khi có khách tới chơi; trẻ con ngày nay cũng ít thèm thuồng bánh mứt như thời tôi của ngày xưa…
Những ngày đầu năm, ai cũng mong đón nhận mọi điều sẽ tốt đẹp, hứa hẹn một năm yên lành, hạnh phúc và thật nhiều may mắn không chỉ cho riêng bản thân, cho gia đình mà cho cả cộng đồng là một tập quán tốt đẹp của người dân Việt chúng ta. Tôi mong ước những điều tốt đẹp của tết ngày xưa còn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta đó là dịp đoàn tụ gia đình, họ hàng và thắm tình nghĩa xóm làng…
Nhà văn MAI BỬU MINH