Truy cập hiện tại

Đang có 67 khách và không thành viên đang online

Dấu ấn cụ Nguyễn Sinh Sắc trên đất Sen Hồng



Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh, Đồng Tháp

(TUAG)- Người Việt hầu như ai cũng thuộc nằm lòng câu ca dao: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ". Ngôn từ dân gian súc tích, mộc mạc nhưng đã khắc họa được sự cống hiến vĩ đại của Bác Hồ đối với dân tộc Việt Nam ta, đưa non sông ta đến với chặng đường lịch sử chói lọi, quang vinh. Bác đã hi sinh cả đời để đất nước hình chữ "S" rạng ngời cùng năm châu bốn bể, cũng như những đóa sen hồng luôn tận hiến đời mình để làm rạng rỡ quê hương Tháp Mười dấu yêu. Người dân "xứ sở sen hồng" Đồng Tháp rất tự hào khi nhắc đến câu ca dao mộc mạc ấy, nhưng bà con nơi đây còn có một niềm tự hào nữa, là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từng chọn đất "sen hồng" làm nơi trú chân trên bước đường phiêu bạt tìm phương kế giúp dân, cứu nước. Đến khi cụ Phó trút hơi thở cuối cùng, mảnh đất và con người Đồng Tháp nhân hậu nghĩa tình đã ôm cụ vào lòng, ru yên giấc nghìn thu.

Đầu hè, nắng phương Nam rừng rực mọi góc trời. Vài trận mưa đủ sức xua tan cái nóng miền châu thổ. Vậy mà, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, chúng tôi lại rủ nhau về viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nơi thủ phủ sen hồng. Mộ cụ Phó bảng đặt trong khuôn viên Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, rộng 10 ha, tọa lạc tại đường Phạm Hữu Lầu, phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đây là khu di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp, được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngày 9/4/1992.


Mùa phượng về trong khu di tích

Chúng tôi đến khu di tích vào một buổi chiều, khi cánh phượng nghiêng mình xõa những chùm tóc đỏ xuống hồ sen, vài chú ve tinh nghịch bắt đầu cất lên tiếng nhạc du dương giữa điệp trùng cây lá. Khuôn viên khu di tích rợp bóng cây xanh chen lẫn với những khóm hoa kiểng thi nhau khoe sắc, nên đến đây, ta có cảm giác thư thái như đi dạo trong một hoa viên. Mặc dù vậy, không khí tĩnh lặng tôn nghiêm vẫn bao trùm tất cả. Dạo bước trong khuôn viên di tích, chúng tôi bắt gặp hình ảnh căn nhà sàn gỗ của Bác Hồ được tái hiện đúng nguyên mẫu như ở khu Phủ Chủ tịch tận Hà Nội, cũng có hàng dâm bục, những cây bưởi sai trái trong vườn, cây vú sữa và cả hồ cá trong veo bên cạnh. Thế nhưng, phía trước căn nhà còn xuất hiện những cây dừa xanh soi bóng nước, những khóm sen Tháp Mười tươi hồng dưới ánh nắng lung linh. Đi quanh các con đường mòn dưới những hàng cau thẳng tắp, thoang thoảng hương sen khiến tôi có cảm giác như ngày nào được đến viếng ngôi nhà tranh của Bác ở làng Sen (Nghệ An), hay một lần tình cờ tôi được đến thăm căn nhà ngói bếp tranh khiêm cung ở đường Mai Thúc Loan, thành phố Huế, nơi trước đây gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc từng sinh sống chờ ứng thí kỳ thi Hội. Dường như, cả hành trình dài dằng dặc, nhiều gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang của gia đình cụ Phó bảng đã được tái hiện một cách khéo léo trong khu di tích này, thể hiện qua từng dáng cây ngọn cỏ, tạo nên sự nên sự hòa quyện về cảnh sắc và cả dấu ấn văn hóa lịch sử. Mãi lo ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng và đuổi theo những ý nghĩ thú vị ấy nên đi đến khu vực mộ phần của cụ Phó bảng lúc nào tôi cũng không hay.


Mộ cụ Phó bảng được chở che với mái vòm trắng

Trước mắt tôi là một mái vòm trắng tinh, có dáng hình như bàn tay úp ngược che chở cho ngôi mộ bằng đá hoa cương bên dưới. Người bạn đồng hành tinh ý nhận ra, cái mái vòm trắng kia giống một cánh sen thanh khiết, cứng cáp vững chãi nhưng cũng nhẹ nhàng, uyển chuyển vô song. Một bạn khác lại bảo, nhìn mái vòm này giống như vỏ của một con trai khổng lồ, nó đang chứa đựng một viên ngọc lấp lánh bên trong, đó chính là ngôi mộ đang nghi ngút khói hương của bậc danh sĩ một lòng yêu nước thương dân. Có lẽ, hiếm nơi nào mà kiến trúc của một khu mộ phần lại gợi nhiều liên tưởng thú vị đến thế, mà nhìn ở góc độ nào ta cũng thấy cái hay cái đẹp trong đó. Trên mái vòm trắng, chúng tôi bắt gặp chín đường gân dài, đầu mỗi đường gân được chế tác thành một đầu rồng tượng trưng cho vùng đất và con người "Cửu Long" lúc nào cũng luôn ôm ấp, bảo vệ mộ phần cho bậc hiền nhân. Phía trước khu mộ là một hồ sen rộng được xây dựng theo hình ngôi sao năm cánh như lá cờ Tổ quốc Việt Nam. Giữa hồ sen là một đài sen khổng lồ cách điệu được chế tác bằng đá trắng, tượng trưng xứ sở sen Đồng Tháp, cho làng Sen quê Bác và cũng là vẻ đẹp một đời kiên trung, thanh sạch của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Chính gam màu trắng chủ đạo điểm xuyết vài nét chấm phá của cây xanh, của sen hồng khiến cho không gian nơi đây trở nên thanh thoát lạ thường.



Thắp xong nén hương viếng cụ Phó bảng, chúng tôi cùng ngồi lại với nhau, nhìn bóng hoàng hôn đang dần đổ xuống phía sông Tiền. Có mấy chú chim sâu còn tranh thủ gắp những cọng cỏ khô về làm tổ trên vòm cây trong khu di tích. Chợt nghĩ, hẳn nơi đây là đất lành, nên con người và vạn vật từ trăm năm đã chọn làm chỗ an trú. Cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng chọn đất Cửu Long này làm chỗ trú thân sau khi dứt áo rời chốn quan trường. Có điều, cụ Phó bảng khác với phần lớn các Nho sĩ phong kiến đương thời. Bởi lẽ, các nhà Nho xưa khi chán cảnh quan trường thường tìm cách sống ẩn dật, xa chốn thị phi, không màn thế sự. Cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng là một nhà Nho chánh hiệu, từng khổ công học chữ Thánh hiền với khát vọng "kim bảng đề danh" rồi ra làm quan cứu dân giúp nước. Thế nhưng, dù đã đạt được giấc mộng "long vân" khi đậu Phó bảng tại kỳ thi Hội năm Tân Sửu (1901), rồi được làm đến chức Thừa biện bộ Lễ, sau đó là Tri huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định), cụ Nguyễn Sinh Sắc vẫn dứt áo rời quan không hề luyến tiếc. Lẽ chính là, thời cuộc khi ấy nhiễu nhương, quan lại ác bá, xách nhiễu dân lành; triều đình nhà Nguyễn không lo được cho thần dân, lại còn bạc nhược trước bọn giặc lang sa cướp nước. Tình cảnh ấy, kẻ sĩ như cụ Phó bảng không thể nào tiếp tục ở chốn quan trường, mà phải tìm con đường khác để đưa dân tộc thoát khỏi cảnh lầm than.

Khi vào Nam, cụ Nguyễn Sinh Sắc vẫn làm những việc có ích của một nhà Nho thực thụ, đó là dạy chữ và bốc thuốc cứu người. Điều này cho thấy, cụ chỉ đoạn tuyệt với chính quyền phong kiến thối nát chớ cụ không hề từ bỏ nhân dân, dù làm một ông quan phụ mẫu hay là một ông thầy đồ nghèo, cụ vẫn hướng đến nhân dân, chăm lo cho người dân cùng khổ. Song, chữ nghĩa và những thang thuốc của cụ Phó bảng cũng chỉ cứu giúp được một bộ phận nhỏ người dân, muốn cứu cả dân tộc thoát khỏi bóng tối của kiếp sống "một cổ hai tròng", đòi hỏi phải có con đường cách mạng đúng đắn và triệt để. Có lẽ đó là nỗi trăn trở khiến cụ Phó bảng đã đưa con trai của mình là Nguyễn Tất Thành, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến gặp người chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh để bàn phương cách cho Nguyễn Tất Thành sang Pháp tìm đường cứu nước. Để rồi, ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên mảnh khảnh Nguyễn Tất Thành đã ra đi từ bến cảng Nhà Rồng, mở đầu cho một trang rực rỡ của lịch sử dân tộc Việt Nam ta. Trang sử hào hùng ấy sẽ không thể được viết lên nếu không có sự đóng góp to lớn của vị thân sinh Hồ Chủ tịch, tức cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.


Căn nhà sàn được hai cây dừa che bóng

Sinh thời, trong một lần về thăm quê, Bác Hồ tâm sự, thân mẫu của Bác đã mất ở Huế, sau đó được con cháu đưa về quê nhà nơi miền Trung nắng gió; thân phụ của Bác gởi thân ở đất Phương Nam, nơi phù sa bồi đắp, cây lành trái ngọt quanh năm. Từ lâu, Bác đã xem quê hương của Bác là cả tổ quốc Việt Nam. Giờ đây, Người cũng đã an nghỉ nơi Thủ đô yêu dấu, được cả non sông ôm ấp, chở che. Bắc - Trung - Nam nay sum họp một nhà, mùa hoa nối tiếp những mùa hoa, những khúc hoan ca không ngừng vang lên mừng đất nước bước vào vận hội mới. Trong niềm hân hoan tận hưởng những tháng ngày tươi đẹp, chúng ta không quên nghiêng mình tri ân những người đã tận hiến một đời mình vì dân vì nước, như cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TRƯƠNG CHÍ HÙNG
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40747900