Truy cập hiện tại

Đang có 32 khách và không thành viên đang online

Một số giải pháp thực hiện công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình ở An Giang

(TGAG)- Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục là chìa khóa để chuyển tải các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với mọi người dân. Đối với công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình cũng không ngoại lệ, việc tuyên truyền vận động, giáo dục để người dân có nhận thức đúng, tự giác thực hiện các chính sách về dân số - kế hoạch hoá gia đình là một trong những giải pháp căn cơ để thực hiện có hiệu quả công tác này.


Tại An Giang, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động về dân số - kế hoạch hoá gia đình luôn được đẩy mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, thông qua hình thức trực tiếp hay gián tiếp, với nhiều loại hình phong phú, đa dạng như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên đài truyền thanh; nói chuyện chuyên đề về dân số - kế hoạch hoá gia đình; tổ chức lễ ra quân, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp tại điểm cung cấp dịch vụ, tư vấn và vận động tại hộ gia đình. Ngoài ra, còn phối hợp lồng ghép các nội dung tuyên truyền về dân số - kế hoạch hoá gia đình vào các buổi họp tổ, nhóm, câu lạc bộ; cấp phát tài liệu truyền thông, tờ bướm về sức khỏe sinh sản, về các biện pháp tránh thai, phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản, làm mẹ an toàn... Cao điểm của các hoạt động tuyên truyền được thực hiện trong “Ngày Dân số thế giới” 11/7, “Ngày Dân số Việt Nam” 26/12 và “Tháng hành động quốc gia về Dân số”.
Ngoài ra, hằng năm ngành Y tế còn phối hợp với ban, ngành, đoàn thể triển khai 2 đợt chiến dịch về “Tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến các vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn”. Trong đợt chiến dịch, các cấp Hội Kế hoạch hoá gia đình đã thực hiện việc treo băng rol, khẩu hiệu, phân phối tờ bướm về chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên. Chiến dịch đã thực sự đưa những thông tin thiết thực đến đồng bào vùng khó khăn, vùng xa, vùng dân tộc, từng bước chuyển đổi hành vi và tạo nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình.
Trong năm 2014, Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình tỉnh đã thành lập Tổng đài tư vấn vệ tinh liên kết với Tổng đài tư vấn “Hạnh phúc cho mọi nhà”, tổng đài thực hiện tiếp nhận và tư vấn các thông tin về dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân có nhu cầu được tư vấn.
Nhờ biết vận dụng nhiều thời điểm thích hợp và tập trung được nhiều lực lượng tham gia trong việc tổ chức tuyên truyền đã làm chuyển đổi nhận thức và hành vi, người dân cũng đã hiểu được lợi ích của kế hoạch hoá gia đình và tự nguyện thực hiện. Do đó, số người thực hiện các biện pháp tránh thai ngày càng tăng; việc lĩnh hội, chấp nhận gia đình có từ 1 đến 2 con để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và phát triển bền vững đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, từng bước đẩy lùi tư tưởng, phong tục lạc hậu.
Từ các hoạt động tuyên truyền, nhân dân đã nắm được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình. Do vậy, nhận thức của nhân dân về chính sách này được nâng lên rõ rệt, tích cực tham gia thực hiện mô hình gia đình hai con, nuôi con khỏe dạy con ngoan, chất lượng dân số ngày được nâng cao.
Một số kết quả tiêu biểu trong công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đạt được trong đoạn 2011 - 2013 được ghi nhận là: tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên năm 2011 là 1,03%, đến năm 2013 giảm còn 0,94%; tỷ suất sinh thô năm 2011 là 16.50%o, đến năm 2013 giảm còn 16.20%o; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên năm 2011 là 10,60%, đến năm 2013 giảm còn 8,36%; tổng tỷ suất sinh (TFR) năm 2011 là 1,90, đến năm 2013 giảm còn 1,87).
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới bên cạnh các giải pháp thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, cần tăng cường hơn nữa việc phổ biến, giáo dục các chính sách, pháp luật về dân số, sức khỏe sinh sản, đặc biệt là quan tâm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về dân số, giới tính, vấn đề sức khỏe sinh sản. Triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng; ưu tiên các nhóm đối tượng khó tiếp cận thông tin và dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản, bao gồm cả giáo dục về phòng ngừa nhiễm HIV, mất cân bằng giới tính khi sinh và sức khỏe sinh sản cho tuổi vị thành niên trong và ngoài nhà trường. Kết hợp tốt truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số, tuyên truyền viên của các ngành, đoàn thể và các hội quần chúng.

Ngọc Hân

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37133612