Truy cập hiện tại

Đang có 335 khách và không thành viên đang online

Những đóng góp của đội ngũ trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội ở An Giang

Trí thức là tầng lớp xã hội của những người làm nghề nghiệp bằng lao động trí óc, chủ yếu là lao động phức tạp, sáng tạo và phát triển. Đội ngũ trí thức là lực lượng quyết định sự phát triển của xã hội. Trí thức là đại biểu trí tuệ, là nguồn lực khoa học - kỹ thuật góp phần vào việc phát triển và nâng cao năng suất lao động xã hội; họ trực tiếp và đi đầu trong lao động sáng tạo phát triển các lý thuyết khoa học như khoa học - công nghệ, khoa học quản lý, khoa học quân sự, khoa học xã hội và nhân văn; đồng thời họ cũng là người đi đầu trong việc nghiên cứu vận dụng và truyền bá các lý thuyết khoa học ấy vào trong thực tiễn cách mạng quần chúng, vào trong sản xuất và đời sống xã hội.


Với tư cách là lực lượng có trình độ học vấn cao, trí thức tham gia trực tiếp và đóng góp chủ yếu vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trí thức góp phần cung cấp những luận cứ khoa học để xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong các giai đoạn; là lực lượng chủ chốt trong nghiên cứu khoa học, trong phát minh, sáng chế, trong cải tiến kỹ thuật và công nghệ sản xuất, đưa nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống; thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội về khoa học - công nghệ, kinh tế- xã hội; tham gia việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo; sáng tạo văn hóa, giữ gìn nền tảng tinh thần xã hội, phát huy bản sắc dân tộc; tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức nước ta đã có đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trí thức công nông hóa, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần”. Từ rất sớm, Đảng ta đã nhìn thấy ở trí thức một tiềm năng to lớn về trí tuệ, về tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.
Công cuộc xây dựng và quản lý đất nước, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay, đòi hỏi phải có nhiều người có trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật, năng lực lãnh đạo và quản lý cao. Vì vậy, Đảng ta đã rất coi trọng công tác tuyên truyền, vận động trí thức, giác ngộ cho họ lý tưởng và động viên họ tham gia vào các tổ chức, để họ có điều kiện phát huy hết khả năng và trí tuệ của mình, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ở An Giang, từ năm 2007, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã được thành lập, hoạt động với 3 chức năng chính, đó là: tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức; điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hội thành viên, của trí thức trong tỉnh. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội liên quan đến giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xây dựng đội ngũ trí thức; tạo điều kiện để đội ngũ trí thức góp ý vào văn kiện, các quy hoạch, các chủ trương lớn của tỉnh liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề đòi hỏi hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ.
Tính từ  năm 2012 đến tháng 7-2014, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức 6 hội thảo khoa học để tư vấn, phản biện các vấn đề quan trọng, bức xúc của địa phương. Các Hội khác như: Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức 09 hội thảo khoa học về các nhân vật và sự kiện lịch sử; Hội Đông y tỉnh tổ chức 5 hội thảo; Hội Nữõ Hộ sinh tổ chức 4 hội thảo; Hội Răng Hàm mặt tổ chức 01 hội thảo; các Trung tâm nghiên cứu khoa học của trường Đại học An Giang tổ chức 29 hội thảo; Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghệ tổ chức 03 hội thảo; Trung tâm khuyến nông tổ chức 03 hội thảo… Kết quả đạt được qua các cuộc hội thảo là rất lớn, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, hay những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra cần giải quyết.
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức trong tiến trình hội nhập cần phải chú trọng tăng cường công tác vận động trí thức của Đảng trong thời kỳ mới. Đảng và Nhà nước ta chủ trương đến 2020, xây dựng nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp, có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần có chất lượng cao. Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, Đảng ta đã xác định “Khoa học - công nghệ và giáo dục- đào tạo” là quốc sách hàng đầu. Điều đó, một lần nữa tiếp tục khẳng  định tính đúng đắn và vai trò to lớn của trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như quá trình phát triển kinh tế tri thức ở nước ta.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định: “Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước… Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc quy hoạch đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước”.

Đăng Giai

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36727584