Truy cập hiện tại

Đang có 91 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Phụ nữ xã Vĩnh Xương - Tiêu biểu với mô hình “Giữ gìn đường biên, cột mốc”

(TGAG)- Trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã Vĩnh Xương không ngừng nâng cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, góp phần làm cho diện mạo địa phương ngày càng khởi sắc. Những thành tựu trên là minh chứng cho sự thành công của nhiều mô hình dân vận khéo trên tất cả các mặt của đời sống xã hội được người dân Vĩnh Xương đồng tình và ra sức thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, chung tay phát triển hạ tầng xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh Xương cũng triển khai và thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình giữ vững quốc phòng an ninh, bảo vệ vành đai biên giới. Tiêu biểu nhất có thể kể đến mô hình “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên – cột mốc”. Bà Phạm Thùy Trang – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Xương cho biết: “Trong thời gian quan, Hội Phụ nữ đã thành lập mô hình “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên – cột mốc” vào năm 2013. Nói chung ban đầu thành lập cũng rất là khó khăn, chỉ tập hợp được có 10 thành viên. Những chị em này đa phần lấy từ hội viên nòng cốt. Cái nhiệm vụ của Tổ này, hàng tháng phối hợp với Đồn biên phòng sinh hoạt định kỳ tuyên truyền nhiệm vụ, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Và đồng thời đi tuần tra cột mốc biên giới để mà kịp thời phát hiện những đối tượng lạ mặt có hành vi làm sai lệch mốc giới, hoặc sai lệch đường biên, thì báo cáo Đồn biên phòng để kịp thời xử lý”.

Xã Vĩnh Xương có khoảng 3,2 km đường biên giới, gồm 2,5km đường bộ và 700 mét đường thủy tiếp giáp với xã Kaomsano, quận Lecdec, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia với các cột mốc Đại 241, mốc chính 85 và 4 mốc phụ là 85-1, 85-2, mốc A và mốc A-1. Được xem là một trong những mô hình giữ vững quốc phòng an ninh biên giới tiêu biểu, “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc” xã Vĩnh Xương trong những ngày đầu triển khai thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Đa phần các chị em thành viên trong Tổ vừa phải tất bật với những lo toan cho cuộc sống, nên việc tham gia công tác xã hội, đặc biệt với các hoạt động chủ quyền, bảo vệ đường biên, cột mốc còn gặp nhiều trở ngại.



Để thực hiện hiệu quả mô hình, nhiều hình thức tuyên truyền được Ban chấp hành Hội phụ nữ, đặc biệt là các thành viên trong “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc” xã Vĩnh Xương khéo léo lồng ghép trong các cuộc họp nhóm, họp tổ, hội. Nội dung tuyên truyền thực hiện hết sức đa dạng, từ Công ước Luật Biển năm 1982, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, đến Nghị định 34 về quy chế khu vực biên giới đất liền, các gương sáng về người Phụ nữ Việt Nam bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ… vừa nâng cao nhận thức cho chị em về các vấn đề chủ quyền, vừa khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tự hào là người Phụ nữ Việt Nam.

Cùng với đó, Hội Phụ nữ xã cũng phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương hàng năm tổ chức các hoạt động điểm sáng văn hóa biên giới, tặng quà “Tiếp bước đến trường” cho con em trong Tổ, để khích lệ, động viên tinh thần các chị em. Từ đó, mô hình ngày càng thu hút đông đảo hội viên tham gia. Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc” xã Vĩnh Xương đã phát triển lên 35 thành viên và có nhiều thay đổi trong cách thức hoạt động để ngày càng nâng cao chất lượng. Cụ thể, 35 chị em được chia ra 2 tổ, mỗi tổ gồm có 15 chị em thành viên chính thức, hoạt động thường xuyên và 5 chị em dự bị luôn kịp thời thay thế khi các chị em thành viên chính thức vắng hay bận việc đột xuất với quyết tâm đảm bảo công tác tuyên truyền, tuần tra giữ gìn đường biên, cột mốc luôn được xuyên suốt. Một trong những nét nổi bật nhất của mô hình “Tổ Phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc” xã Vĩnh Xương là đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của người Phụ nữ trong việc bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh biên giới trong tình hình mới.

Trong công tác tuần tra mùa khô, “Tổ Phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc” xã Vĩnh Xương không chỉ thực hiện tốt việc phối hợp tuần tra, kiểm tra vị trí, làm vệ sinh xung quanh khu vực các cột mốc cùng với lực lượng chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế sông tiền theo định kỳ; mà các thành viên trong Tổ còn tổ chức trồng hoa tại cột mốc Đại 241 nhân các ngày Lễ lớn, ngày Biên phòng toàn dân. Đồng thời kết hợp tuyên truyền người dân có đất canh tác gần khu vực quan tâm theo dõi bảo vệ đường biên cột mốc được nguyên vẹn. Một số cột mốc nằm trong khu vực đồng ruộng thường bị ngập sâu vào mùa nước nổi, việc tuần tra cũng gặp một số trở ngại nhất định, phải thực hiện bằng ca-nô hoặc vỏ lãi chuyên dụng. Tuy nhiên các chị em trong Tổ vẫn hăng hái tham gia, hỗ trợ các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thực hiện cắm các cọc tràm xung quanh vị trí các cột mốc, gắn bảng số ký hiệu… kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân đánh bắt thủy sản, câu lưới gần khu vực cũng quan tâm, chú ý vị trí các cột mốc nhằm phòng chống các hoạt động xâm phạm. Đặc biệt trong quá trình tuần tra thời điểm sau khi nước rút, sự nhẹ nhàng, mềm mỏng của các chị em được phát huy trong công tác tuyên truyền đến các hộ dân canh tác, không để xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư tránh làm phức tạp khu vực biên giới. Các chị em không chỉ sẵn sàng tham gia tuần tra bất kể mùa khô hay mùa nước, mà còn vận động người dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn đường biên cột mốc.

Qua hơn 6 năm thực hiện, mô hình “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc” tại xã Vĩnh Xương đã phối hợp cùng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương tổ chức tuyên truyền được hàng trăm cuộc với các nội dung về chủ quyền biên giới, Luật Biên giới quốc gia, Luật phòng chống mua bán người, phòng chống ma túy và công tác phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới,… thu hút hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân tham gia. Tổ chức hơn 50 cuộc tuần tra, kiểm tra, bảo quản nguyên vẹn đường biên, cột mốc. Không dừng lại ở đó, qua các đợt tuần tra đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ buôn lậu hàng hóa trái phép qua biên giới, triệt phá bắt giữ nhiều đối tượng đánh bạc, trộm cắp, gây rối an ninh trật tự… Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình, để người dân luôn có ý thức chú ý theo dõi, báo cáo kịp thời các hiện tượng lạ, những diễn biến phức tạp trong khu vực biên giới, kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống, bà Phạm Thùy Trang - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Vĩnh Xương cho biết thêm: “Để mô hình “Tổ phụ nữ bảo vệ đường biên, cột mốc” biên giới hoạt động ngày càng hiệu quả, trong thời gian tới, Hội phụ nữ xã Vĩnh Xương sẽ phối hợp chặt chẽ với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế sông tiền tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các vấn đề về chủ quyền, an ninh biên giới. Đồng thời cũng tăng cường công tác tuần tra, đề xuất khen thưởng các chị em, người dân có nhiều đóng góp tích cực trong việc giữ gìn các đường biên, cột mốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới”.

Có thể thấy rằng, vai trò của phụ nữ trong mô hình “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc” xã Vĩnh Xương không chỉ tiếp bước truyền thống yêu nước của phụ nữ Việt Nam, phát huy vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong tình hình mới, mà còn có nhiều đóng góp hết sức thiết thực và quan trọng trong việc tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm và giữ gìn chủ quyền an ninh biên giới. Góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên tuyến biên giới thị xã Tân Châu ngày càng vững mạnh./.

Phước Thọ
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37166608