Truy cập hiện tại

Đang có 109 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Tân Châu: Tổ may gia đình đoàn kết tương trợ phụ nữ nông nhàn phát triển kinh tế

(TGAG)- Đến xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) trong những năm gần đây, chúng ta có thể cảm nhận sự đổi mới từ cơ sở hạ tầng đến đời sống người dân, đồng bào các dân tộc sống trên địa bàn xã luôn đoàn kết tương trợ và giúp nhau phát triển kinh tế thông qua nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán, kết cườm, trong đó có mô hình may gia công đã góp phần giải quyết được nhiều lao động nông nhàn, tăng thêm nguồn thu nhập cho các hộ dân.

Cách bến phà Châu Giang không xa, chúng tôi theo chân cô Nguyễn Thị Nỉ - Phó trưởng Ban nhân dân ấp Châu Giang, xã Châu Phong đến hộ của chị SaKiRoH, nơi đây là điểm để nhiều chị em phụ nữ người Chăm, người Kinh đến nhận hàng về may gia công tại nhà. Chào đón chúng tôi với ánh mắt và nụ cười thân thiện, chị SaKiRoH chia sẻ: Là một thợ may lành nghề, ngoài công việc nội trợ trong gia đình, chị sử dụng thời gian rảnh để may các trang phục đồ hành lễ của người Chăm, với sự khéo tay các sản phẩm của chị làm ra đã đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, cùng với sự quyết tâm, tự tìm hướng đi thích hợp phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, ổn định cuộc sống gia đình. Chị SaKiRoH - ngụ ấp Châu Giang, xã Châu Phong cho biết thêm: “Lúc trước tôi cũng là thợ may, thợ thêu, tự cắt một mình luôn, sau này phát triển hơi lớn nên mướn thợ và mướn nhân công cắt. Hàng này thời vụ, không có xuyên suốt, nhằm tới mùa thôi, đồ cúng đội làm hành lễ, nguyên bộ luôn, nhiều kiểu lắm”.


Khoảng năm 2014, sau tham khảo nhiều cách làm mới, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ở các cơ sở đã mở lâu năm và chị đã liên kết với các cơ sở cung ứng nguyên liệu vải để đa dạng mẫu mã cho sản phẩm đồ hành lễ và cơ sở đặt mua hàng thành phẩm từ thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, chị đã mạnh dạn mở rộng qui mô may với số lượng ngày một lớn hơn, cùng với sự chung tay góp sức hợp tác của nhiều thợ may trong và ngoài ấp. 05 năm qua nhà chị SaKiRoH đã trở thành địa điểm chính quen thuộc để các chị em phụ trách cắt sẽ tập trung đến cắt các mẫu đồ theo rập có sẵn với sự hướng dẫn trực tiếp của chị. Sau khi cắt phân loại theo màu sắc, mẫu mã như bộ may với khăn đội đầu có ren, bộ có khăn viền hay chạy chỉ, được đánh dấu bằng các con số đã được qui ước trước. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều chị em vừa may vừa chăm lo gia đình, hầu hết các thành viên điều nhận hàng về may gia công tại nhà.

Theo chị SaKiRoH thời gian đầu mới thành lập, tổ may đã phải trải qua rất nhiều khó khăn như: Thiếu vốn, công nhân chưa có nhiều kinh nghiệm trong may đồ  lễ của người trong đạo…Tuy nhiên, với sự đồng lòng, đoàn kết kiên trì nâng cao tay nghề, cùng với ưu thế hầu hết các chị em điều là thợ may đã được đào tạo căn bản nên nắm bắt các công đoạn rất nhanh, để cho ra thành phẩm chất lượng và thẩm mỹ. Sản phẩm của tổ may gia đình chị SaKiRoH ngày càng có uy tín, ngoài tiêu thụ thành phẩm cho địa phương, phần lớn sản phẩm điều may theo đơn đặt hàng của cơ sở kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó các sản phẩm được xuất đi thị trường nước ngoài, cụ thể như nước Malaysia. Tuy là công việc thời vụ đáp ứng nhu cầu dịp lễ Ramadam hàng năm, nhưng tổ may gia đình của chị đã cung ứng mỗi tháng trên 2.000 thành phẩm. Từ đó, chị đã có cuộc sống ổn định, kinh tế gia đình ngày một khấm khá, thu nhập tăng thêm hàng chục triệu đồng/năm. Chị mong muốn tổ may sẽ ngày càng phát triển, mở rộng để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho các thành viên có thêm thu nhập, vừa có thời gian chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành. Chị SaKi RoH nói: “Mình cắt xong hết rồi thì kêu thợ hơn mười mấy người qua nhận về may, 1 bao hay 2 bao gì đó. Mấy người lúc làm, nếu mà hàng mình gấp đó, cũng tranh thủ cho mình lắm, rất là thương, nếu mà nói nay phải chốt, phải giao hàng thì mấy chị em tranh thủ thức khuya, thức đêm để làm cho xong hàng cho mình. Bây giờ may chuyên, chị em mua có 3 dàn máy may rất là nhanh, 1 máy làm sợ dây, một máy ta chạy căn xay, 1 máy làm cái nón, một ngày có thê làm 3 chục bộ, còn thường thường mình may được có 12 bộ”.

Trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng trước khi lễ Ramadam diễn ra, đây là thời gian tổ may gia công tại nhà luôn có nguồn hàng ổn định nên nguồn thu nhập của chị em cũng theo đó gia tăng, từ đó góp phần giải quyết có hiệu quả số lao động nhàn rỗi tại địa phương. Hiện nay, tổ may của chị SaKiRoH đã giải quyết việc làm cho gần 12 thợ làm nhận hàng làm ở nhà trả lương theo sản phẩm, với thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Theo bà Nguyễn Thị Nỉ - Phó trưởng Ban nhân dân ấp Châu Giang, xã Châu Phong cho biết, với đặc thù thực tế trên địa bàn xã, để duy trì và phát triển bền vững các mô hình đoàn kết giữa các chị em phụ nữ đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng. Địa phương đã và đang tiếp tục tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo của chị em phụ nữ; đẩy mạnh dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững. Qua đó, cũng giúp chị em gần gũi và hỗ trợ lẫn nhau, tạo mối đoàn kết trong khu dân cư. Phó trưởng Ban nhân dân ấp Châu Giang nói: “Ở đây, mình cũng giải quyết được một số chị em lao động nhàn rỗi, thành ra kinh tế cũng tạm ổn. Nếu có làm thêm thì có thêm nguồn thu nhập cho kinh tế gia đình. Hơn nữa, chị em gần gũi với nhau càng ngày càng thân mật hơn, gặp nhau chuyện trò, học hỏi cái hay cái tốt với nhau”.

Từ hiệu quả mô hình tổ may gia đình trên địa bàn xã Châu Phong nói chung và của chị SaKiRoH nói riêng, đã phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ gắn kết cùng phát triển kinh tế, giữa các hộ dân đồng bào người Chăm, người Kinh,… Mong rằng, sự nỗ lực phấn đấu cần cù trong lao động, sẽ giúp tổ may gia đình có nhiều cơ hội phát triển, mở rộng qui mô. Qua đó, phát huy có hiểu quả các chính sách giảm nghèo và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Châu Phong./.

Ngọc Bích
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37152640