Truy cập hiện tại

Đang có 218 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Một số vấn đề về an toàn thực phẩm trong tình hình mới

(TGAG)- Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới", đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ngay sau khi Chỉ thị 08-CT/TW được ban hành, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế xây dựng và ban hành Hướng dẫn số 29-HD/BTGTW-BCSDBYT, ngày 12/12/2011 gửi các tỉnh ủy, thành ủy, Ban cán sự Đảng các bộ, ngành, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị.

Tại các địa phương, các cấp ủy Đảng đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW. Thống kê báo cáo của 63 tỉnh ủy, thành ủy, có 03 địa phương ban hành nghị quyết, 08 địa phương ban hành chỉ thị, 05 địa phương ban hành thông tri, 05 địa phương ban hành chương trình hành động, 30 địa phương ban hành kế hoạch, 10 địa phương ban hành công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW và 07 địa phương ban hành hình thức văn bản chỉ đạo khác.

Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nhiệm vụ của Chỉ thị 08-CT/TW, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như: Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP, các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm ATTP. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp về ATTP trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về ‘Tổng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm".

Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Hướng dẫn số 29-HD/BTGTW- BCSĐBYT ngày 12/12/2011; Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 224/ BCS-CV ngày 28/02/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới; Nghị quyết số 1261- NQ/BCS về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và bảo đảm ATTP nông lâm thủy sản giai đoạn 2015 - 2020. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ đã phối họp ban hành Chương trình số 90/CTrPH/CP-ĐCT UBTWMTTQVN, ngày 30/3/2016 về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; Hội Nông dân Việt Nam ký kết với các ngành chức năng các chương trình phối hợp giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

Về thể chế hóa nội dung Chỉ thị 08-CT/TW, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP của Trung ương đã thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ của Chỉ thị 08- CT/TW thành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho công tác ATTP, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường.

Quốc hội đã ban hành các văn bản luật liên quan đến công tác ATTP như: Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật thú y, Điều 317, Bộ Luật hình sự sửa đổi (2015) về “Tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm”...

Chính phủ đã ban hành 12 Nghị định quy định về hướng dẫn thi hành Luật ATTP và các quy định về kiểm soát vật tư, hỏa chất, chăn nuôi, trồng trọt, lưu thông, chế tài xử phạt... liên quan đến lĩnh vực ATTP.

Các bộ, ngành có liên quan đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng đẫn cụ thể, chi tiết về bảo đảm ATTP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương đã xây dựng và ký kết 03 Thông tư liên tịch về quản lý, kiểm nghiệm thực phẩm. Bộ Y tế ban hành 24 thông tư và 54 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTP thuộc lĩnh vực của ngành Y tế. Bộ Công thương ban hành 12 thông tư quy định về quản lý ATTP trong lĩnh vực quản lý của ngành Công thương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 64 thông tư, 439 tiêu chuẩn Việt Nam, 198 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản.

Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng ATTP tiếp tục được hoàn thiện góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về ATTP. Bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về ATTP từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến tuyến tỉnh; sự phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các bộ và địa phương theo nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước bước đầu đã phát huy hiệu quả; sự phối họp liên ngành có tiến bộ. Đội ngũ thanh tra chuyên ngành ATTP từ Trung ương đến cấp tỉnh đã được củng cố. Mạng lưới kiểm nghiệm chất lượng ATTP ở Trung ương và khu vực từng bước được đầu tư, nâng cấp trang thiết bị. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, truy xuất, xử lý vi phạm được chú trọng và tăng cường; một số hàng hóa thực phẩm đã đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng theo quy chuẩn quốc tế. Đã hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, góp phần thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm theo hướng hiện đại, chuyên môn hóa cao... Từng bước phát huy vai trò, thu hút sự tham gia tích cực và hiệu quả của các doanh nghiệp vào lĩnh vực ATTP. Việc phòng, chống hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc trên thị trường góp phần từng bước hạn chế các hoạt động vi phạm pháp luật về ATTP.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít bất cập, hạn chế, yếu kém cần khắc phục, giải quyết:

- Không ít cấp ủy, chính quyền các địa phương mới quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng văn bản, hành chính là chủ yếu, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác ATTP. Có nơi cấp ủy coi công tác ATTP là công việc của cơ quan quản lý nhà nước nên trong lãnh đạo, chỉ đạo và tể chức thực hiện còn thiếu chủ động, sâu sát, hiệu quả thấp.

- Việc ban hành các văn bản hướng dẫn ở một số bộ, ngành còn chậm trễ, chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn, bất cập trong áp dụng để xử lý những vi phạm ATTP; thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý rất thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn có sự đùn đầy trách nhiệm giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các ngành có liên quan...

- Các chính sách ATTP chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, còn hàng chục triệu hộ nông dân sản xuất phân tán, nhỏ lẻ đang hàng ngày, hàng giờ sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng các nông sản thực phẩm chưa được kiểm tra, giám sát.

- Công tác xã hội hóa một số khâu dịch vụ công (xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào các hoạt động bảo đảm ATTP,...) phục vụ quản lý nhà nước về ATTP chưa được quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự tham gia tích cực của các lực lượng trong xã hội.

- Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về ATTP chưa được coi trọng, chưa thường xuyên, kết quả còn hạn chế. Một số trường họp thông tin trên báo chí chưa chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân đối với thực phẩm và công tác quản lý ATTP. Tuyên truyền về các quy định, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm ATTP còn ít, chưa cụ thể.

Trước tình hình trên, thời gian tới cần quan tâm một số vấn đề:

- Bên cạnh tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác an toàn thực phẩm, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của an toàn thực phẩm đối với phát triển bền vững của đất nước.

- Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cần thiết thực, hiệu quả, tăng cường trách nhiệm của cơ quan báo chí, truyền thông. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức hội nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về ATTP.

- Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về ATTP cho người dân và các cơ quan thông tin đại chúng. Xây dựng cơ chế phối hợp thông tin, tuyên truyền về ATTP giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan theo hướng đấu tranh, phê phán làm rõ các hành vi vi phạm về ATTP.

- Đẩy mạnh việc quảng bá các thương hiệu mạnh của quốc gia về ATTP, thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, các sản phẩm bảo đảm an toàn. Đồng thời, xử lý nghiêm theo pháp luật những tổ chức, cá nhân tuyên truyền thông tin thiếu trung thực trong lĩnh vực ATTP gây hoang mang xã hội và tổn hại uy tín của đơn vị sản xuất kinh doanh.

- Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

P.TTCTTG (tổng hợp)
_______
Nguồn: BTGTW
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40004220