Truy cập hiện tại

Đang có 69 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Làng Chăm kiểu mẫu ở An Giang

(TGAG)- Trong khi nhiều địa phương khác trong cả nước có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn trong việc di dân vào định cư trên những khu cụm tuyến dân cư, thì ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang), hơn mười năm qua đã hình thành một làng Chăm kiểu mẫu.

Đến làng Chăm Phũm Soài mới hiểu được đời sống của đồng bào Chăm nơi đây đang ngày một thay da đổi thịt nhờ di cư vào làng Chăm kiểu mẫu.

Tất cả trẻ em đồng bào Chăm ở làng Chăm Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu đều được đi học.

Hơn mười năm về trước, bà con làng Chăm Phũm Soài ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) sống quần cư ven sông Hậu. Là địa phương đầu nguồn sông Cửu Long, tình trạng sạt lở đất diễn ra triền miên khiến chính quyền địa phương vô cùng khó khăn trong việc giúp bà con có cuộc sống ổn định. Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong Phạm Đăng Thân tâm sự: “Là xã có đông đồng bào Chăm nhất tỉnh An Giang với gần 4.700 nhân khẩu ở ba ấp. Cái khó nhất mà địa phương phải giải quyết là giúp bà con ổn định nhà cửa khi tình trạng sạt lở bờ sông cứ diễn ra liên tục. Đồng bào Chăm lại có tập quán sống quần cư cùng nhau, cùng sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa... không xen lẫn các dân tộc khác. Vậy, việc di dân vào cụm tuyến dân cư vượt lũ chung với bà con người Kinh là không thể thực hiện. Chính yếu tố đó, Đảng ủy xã đề ra quyết tâm hình thành được một cụm dân cư dành riêng cho đồng bào Chăm. Cùng đó là xây dựng trường học, trạm y tế... để bà con cảm thấy an tâm vào cụm tuyến ổn định đời sống”. Sau khi bàn bạc, xin ý kiến lãnh đạo huyện (lúc bấy giờ Tân Châu chưa lên thị xã) và tỉnh, Châu Phong được chấp thuận cho hình thành cụm tuyến dân cư dành riêng cho đồng bào Chăm để giải quyết vấn đề di dân, ổn định cuộc sống.

Từ sự ủng hộ của lãnh đạo cấp trên, xã Châu Phong bắt tay vào vận động bà con. Hiểu được tập quán và vai trò của các ông cả, xã hình thành đoàn vận động trong đó thành phần chủ chốt là Ban giáo cả các thánh đường. Cùng với việc vận động, xã chọn những nhà đầu tư uy tín, xây dựng các ngôi nhà kiểu mẫu đồng loạt một trệt, một lầu theo đúng kiểu dáng truyền thống đồng bào Chăm, nhưng không bằng gỗ mà bằng gạch, vừa hiện đại, vừa chắc chắn. Từ đó, các trường học cũng nhanh chóng được đầu tư từ nhiều nguồn tài trợ trong và ngoài nước do tỉnh, huyện và xã vận động. Chỉ trong vòng hơn hai năm, những nhu cầu thiết yếu của một ngôi làng kiểu mẫu đã cơ bản hình thành.

Chủ tịch UBND xã Châu Phong Nguyễn Hữu Điền cho biết: “Chúng tôi vừa xây dựng, vừa đến vận động công tác dân vận theo kiểu mưa dầm thấm đất. Bà con lúc đầu chưa hiểu, sau dần dà bắt đầu ủng hộ cùng với đó là được tận mắt chứng kiến những ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp theo đúng kiểu dáng truyền thống nhưng bền chắc hơn nhiều. Những gia đình có các ông cả, gia đình có con tham gia chính quyền xã, ấp cũng tình nguyện đi đầu vào đăng ký mua nhà ở. Người đi trước vận động người đi sau. Chủ trương vừa hỗ trợ, vừa cho vay, vừa giúp bà con có việc làm, chuyển đổi từ buôn bán nhỏ lẻ sang làm nông nghiệp, chăn nuôi... Hỗ trợ cho con em đồng bào đến trường học từ mẫu giáo đến THPT gần nhà, miễn học phí... đã khiến bà con đến đăng ký mua nhà ở ngày một đông hơn”. Chỉ trong sáu tháng, tất cả mấy chục nóc gia đình đồng bào Chăm trong khu vực sạt lở đã chính thức được ổn định trên cụm tuyến di dân. Hàng chục hộ khác, dẫu nhà không thuộc diện di dân, vẫn xin đăng ký vào cụm tuyến để có cuộc sống tốt hơn. Ông A Mach nhớ lại: “Cả dòng họ bên tôi, bên vợ hơn chục nhà lần lượt vào đây ở hết. Ai có tiền nhiều thì mua nền xây nhà riêng, không tiền thì mua nhà xây sẵn. Chính nhờ vào đây, tôi mới chính thức làm ruộng, rẫy, nuôi thêm bò và lo cho con cái học hành đàng hoàng. Cuộc sống tốt hơn nhiều lắm”. Từ ngày vào cụm tuyến, ông A Mach đã có thu nhập ổn định hơn, không còn cảnh nơm nớp lo sợ sạt lở nữa. Đối diện nhà ông A Mach là gia đình ông A Bu trong ngôi nhà cấp bốn khá tươm tất. Ông bảo: “Nhà có hai đứa con, vô cụm sống, tụi nhỏ được đi học tốt, bây giờ sau khi du học ở Ả Rập, tụi nó làm hết trong công ty dầu khí...".

Không dừng lại ở đó, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong Mari Dâm cho biết thêm, song hành cùng các chính sách di dân, tái định cư trên cụm tuyến dân cư, xã còn giúp bà con nhiều chính sách khác như đất ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm... Đến nay, đã có hơn 70 căn nhà ở cho đồng bào được hỗ trợ, kiên cố hóa 350 ngôi nhà, trong đó rất nhiều nhà được hình thành trong cụm tuyến, ấp Phũm Soài và đang mở rộng vì nhu cầu bà con ngày một tăng. Và điểm sáng quan trọng nhất là 100% số trẻ em đồng bào dân tộc Chăm đều được đến trường từ mầm non, đến THPT, tỷ lệ bỏ học luôn dưới 2% và 100% số bà con có điện lưới quốc gia, nước sạch đến từng nhà. Giờ đây tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Chăm nơi đây chỉ ở mức 3,87% với hơn 40 hộ, cận nghèo là hơn 40 hộ, tỷ lệ 3,69%... Những con số ấy nói lên sự đúng đắn trong chính sách an cư, lạc nghiệp, xây dựng một mô hình cụm tuyến kiểu mẫu cho đồng bào Chăm ở Châu Phong.

Ông Cả Haji Jac Ky, Trưởng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam An Giang nhìn nhận: "Chính việc hình thành cụm tuyến dân cư kiểu mẫu đã giúp đồng bào Chăm ở Châu Phong có cuộc sống tốt hơn, hòa nhập hơn vào đời sống phát triển và nhất là con em được học hành, có công ăn, việc làm ổn định...". Chính nhờ sự ra đời của làng Chăm kiểu mẫu ở Phũm Soài đã giúp đồng bào Chăm loại dần những phong tục, tập quán lạc hậu, tiếp cận y tế tốt hơn. Giúp bà con đẩy mạnh hơn trong giao lưu sản xuất, kinh doanh, mở rộng buôn bán các vùng miền, phát triển canh tác nông nghiệp...

Thăm cụm tuyến dân cư kiểu mẫu của đồng bào Chăm ở Phũm Soài, mới hiểu được về sức mạnh của công tác dân vận khéo, sự kết hợp những chính sách của Đảng, Nhà nước cho đồng bào dân tộc đạt hiệu quả, khả năng vận động và sử dụng nguồn tài trợ đúng mục đích và trên hết là biết lắng nghe dân để giúp dân phát triển. Một làng dân cư đồng bào dân tộc kiểu mẫu, một nông thôn mới đã và đang hình thành, phát triển ở làng Chăm Phũm Soài sẽ là một trong những điểm sáng cần nhân rộng trong cả nước./.
Bài và ảnh: Hải Anh

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40437755