Truy cập hiện tại

Đang có 154 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Thoại Sơn ứng dụng mô hình công nghệ sinh thái, trồng hoa trên bờ ruộng giúp bảo vệ môi trường

(TGAG)- Thoại Sơn là huyện nằm trong vùng trũng Tứ giác Long Xuyên với thế mạnh về sản xuất cây lúa, rau màu và thủy sản nước ngọt. Diện tích, sản lượng lúa tăng liên tục. Tuy nhiên, thâm canh tăng vụ cũng tạo ra áp lực lớn về sâu bệnh và ô nhiễm môi trường do nông dân sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, ngành nông nghiệp huyện đã sớm tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong đó, các chương trình IPM, chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và gần đây nhất là ứng dụng “mô hình công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng” được phòng nông nghiệp huyện Thoại Sơn lựa chọn.
 
 

Mô hình công nghệ sinh thái hiểu theo cách gọi của các nhà khoa học là thiết kế lại hệ thống ruộng lúa sao cho đa dạng hóa về thực vật và động vật. Hay nói cách khác là làm cho các loài trong hệ sinh thái ruộng lúa được phong phú tạo sự cân bằng sinh thái. Nội dung chính của mô hình công nghệ sinh thái là việc trồng các loại cây có hoa trên các bờ ruộng. Cây hoa này có phấn và  mật sẽ thu hút  các loài thiên địch đến cư trú và sinh sản vì ở giai đoạn trưởng thành chúng cần ăn thêm mật và phấn hoa để bổ sung năng lượng cho sự sinh sản. Sự hiện diện của thiên địch sẽ giúp khống chế sự tấn công của sâu hại.

Ứng dụng “mô hình công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng” nhằm mục đích giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho bà con nông dân, hướng tới thâm canh sản xuất theo “thực hành nông nghiệp tốt - GAP”, thích ứng biến đổi khí hậu, ông Phan Thanh Tùng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn cho biết.

Đến nay, huyện Thoại Sơn có 50 hecta thực hiện mô hình công nghệ sinh thái. Là nông dân tham gia mô hình này từ năm 2010, ông Nguyễn Nhựt Hoai - ấp Tây Bình, xã Thoại Giang cho biết: qua thời gian tham gia mô hình công nghệ sinh thái ông nhận thấy những năm dịch rầy nâu bùng phát mạnh, những ruộng không tham gia mô hình thì người nông dân phải phun 2 đến 3 lần thuốc trừ rầy, trong khi đó ruộng lúa nhà ông chỉ phun một lần, có vụ rầy ít ruộng lúa nhà ông không cần phùn xịt lun.

Để có được bờ hoa phát triển tốt, thu hút được nhiều thiên địch đúng vào các thời kỳ sinh trưởng quan trọng của cây lúa, bà con thường chọn các loại hoa có màu sắc sặc sở, nhiều mật và phấn hoa như: cúc mặt trời, hướng dương, sao nhái, đậu xanh, đậu bắp, mè… trồng trước khi xuống giống 15 ngày. Đặc biệt, có một số loại hoa: như sao nháy, đậu bắp nếu chăm sóc kỹ thì vụ sau bà con có thể tái sử dụng không cần đầu tư trồng lại, nông dân Đặng Thanh Vân - xã Vĩnh Khánh cho biết

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, mô hình công nghệ sinh thái mang lại hiệu quả rất tốt khi tạo cân bằng sinh thái trên đồng ruộng, tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu, rầy mà năng suất lúa vẫn bảo đảm. Hiện nay cùng với việc áp dụng các biện pháp quản lí dịch hại tổng hợp như: chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” thì việc áp dụng mô hình công nghệ sinh thái sẽ giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận và góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Thanh Cần
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37033251