Truy cập hiện tại

Đang có 91 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

An Giang hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

(TUAG)- Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình ổn định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp. Thời gian qua, các cấp Hội đã vận động phụ nữ thực hiện các phong trào: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, xây dựng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững... Đặc biệt, tích cực hỗ trợ hội viên khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh (SXKD), tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, góp phần tăng thu nhập.

Trong hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển SXKD, Hội LHPN tỉnh tập trung thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, với nhiều hoạt động thiết thực như: Hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, hỗ trợ kiến thức, dạy nghề, hỗ trợ vốn... Thông qua các hoạt động truyền thông, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; vận động cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thành lập các tổ hợp tác, các tổ phụ nữ liên kết kinh doanh chế biến sản phẩm sạch; vận động hội viên, phụ nữ thực hiện sản xuất sạch, an toàn; cung cấp kiến thức về các kỹ năng trong kinh doanh, tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ kết nối thị trường, giới thiệu các nguồn vốn phù hợp để phát triển kinh tế... Qua đó, nhiều chị em phụ nữ mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp hiệu quả, biến những thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong gia đình, xã hội.


Chị Nguyễn Thị Kim Loan khởi nghiệp thành công từ làm khô cá lóc

Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Kim Loan, chủ cơ sở SXKD khô cá lóc Kim Loan (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới). Là giáo viên Trường Mẫu giáo Long Kiến, thấy cá lóc nhà nuôi làm khô ngon nên cách đây 5 năm, chị Loan thử làm khô. Khi sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận, đánh giá cao, chị Loan đã quyết định thành lập cơ sở khô cá lóc Kim Loan để mở rộng thị trường tiêu thụ. Khởi đầu với mục tiêu SXKD đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch. Khi sản phẩm được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đánh giá cao, chị Loan tiếp tục đăng ký thương hiệu và cấp mã QR, đăng ký sở hữu trí tuệ để mở rộng thị trường tiêu thụ. Từng bước cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng được thương hiệu Khô cá lóc Kim Loan với slogan “Thử là khen, quen là ghiền”. “Hiện sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, góp phần phát triển kinh tế địa phương”-chị Loan cho biết.

Chị Trần Thị Trang (ngụ thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) khởi nghiệp từ cây cỏ bàng và tạo việc làm cho phụ nữ ở địa phương. Từ nhỏ, chị được gia đình dạy nghề đan đệm, giỏ từ cỏ bàng-nghề truyền thống lâu đời ở Ba Chúc, nên chị Trang dành tình cảm đặc biệt với nghề. Cuộc sống ngày càng hiện đại, đệm bàng, giỏ bàng ngày càng ít người sử dụng. Thị trường thu hẹp, chị Trang rời quê đến tỉnh Bình Dương làm công nhân may. Năm 2016, chị trở về quê, mở xưởng may túi xách, đồ thủ công mỹ nghệ… -xưởng may túi xách từ cỏ bàng đầu tiên ở thị trấn Ba Chúc. Với niềm đam mê, quyết tâm duy trì nghề đan đệm bàng, chị chịu khó lên các trang mạng học hỏi kinh nghiệm, đăng bài bán sản phẩm online, khách hàng đặt số lượng ngày càng nhiều. Sản phẩm mẫu mã đẹp, sang trọng, chất lượng; được địa phương hỗ trợ khu trưng bày sản phẩm tại Nhà mồ Ba Chúc để quảng bá. Nhận đơn hàng liên tục, một mình làm không xuể chị thuê thêm gần 40 người may, phụ gia công và đan đệm bàn với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.     

Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (ở xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên) khởi nghiệp từ trái cà na dân dã. Chị đã nghiên cứu, cho ra thị trường sản phẩm và xây dựng được thương hiệu rượu cà na Hòa Kiều. Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao bởi hương vị độc đáo, chất lượng đảm bảo, tiêu thụ mạnh thị trường trong và ngoài tỉnh. Cơ sở tạo việc làm cho hơn 10 lao động mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.


Chị Quách Yến Phượng quảng bá sản phẩm trà xạ đen

Chị Quách Yến Phượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) đem sản phẩm trà xạ đen -dược liệu quý vùng Bảy Núi tiếp cận người tiêu dùng. Chị Phượng chia sẻ: Núi Cấm có nhiều loại dược liệu quý nhưng chưa được thương mại hóa, chưa có mô hình kinh doanh cây dược liệu gắn với xây dựng thương hiệu, nên tôi ấp ủ và thực hiện ý tưởng thu cây dược liệu về sơ chế, tạo thành sản phẩm trà thô đóng gói cho ra thị trường và được người tiêu dùng ủng hộ. Tiếp đó, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Trường Đại học An Giang nghiên cứu và tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới như: trà xạ đen túi lọc, trà hòa tan..., sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Hội LHPN tỉnh cho biết: Đầu năm đến nay, các cấp Hội hỗ trợ 877 hội viên, phụ nữ khởi nghiệp. Trong đó, hỗ trợ kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp; hỗ trợ vốn vay từ các nguồn hơn 6 tỷ đồng cho 141 chị; thành lập mới 5 tổ liên kết, tổ hợp tác SXKD do phụ nữ quản lý có 92 thành viên, duy trì hoạt động 61 tổ với 1.011 thành viên. Đặc biệt, triển khai thực hiện nhiều mô hình SXKD theo hướng tổ liên kết, tổ hợp tác gắn với sinh kế cho phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu; củng cố các tổ liên kết, tổ hợp tác SXKD, dịch vụ như: “Tổ phụ nữ vót đũa tre ấp Vồ Bà” (huyện Tịnh Biên); “Tổ phụ nữ tư vấn và kinh doanh năng lượng tái tạo” (huyện Tri Tôn); “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất mức mãng cầu”, “Tổ phụ nữ giúp việc nhà” (huyện Châu Phú).... Duy trì hoạt động các mô hình Tổ hợp tác “Trồng bông điên điển”, Tổ “Trồng sen” (huyện Châu Phú); Tổ hợp tác sản xuất túi xách (TP. Châu Đốc); Tổ làm bánh dân tộc, Tổ làm chả đòn (TX. Tân Châu); Tổ hợp tác chế biến cá khô (huyện An Phú); Tổ hợp tác trồng rau màu (huyện Phú Tân); Tổ hợp tác “Chằm nón lá”, khô cá Lóc, hộ kinh doanh dâu tằm (huyện Chợ Mới); Tổ hợp tác phụ nữ sản xuất cá, khô, Tổ sản xuất, chế biến đậu phộng (huyện An Phú), tổ nuôi heo bằng đệm lót sinh học (huyện Thoại Sơn) góp phần tạo việc làm, tăng định thu nhập cho hội viên, phụ nữ.

Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả, thời gian qua tỉnh tăng cường tổ chức các họat động quảng bá, xúc tiến thương mại như: Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành; kết nối tiêu thụ các sản phẩm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do phụ nữ làm chủ được vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ xây dựng website bán hàng và phần mềm quản lý bán hàng thông minh; hỗ trợ công nhận sản phẩm đạt OCOP; tổ chức “Ngày hội Phụ nữ An Giang khởi nghiệp” gắn với tổ chức Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp. Có 20 sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp đã được công nhận OCOP như: trà Xạ Đen, rượu Cà na Hòa Kiều, khô cá lóc Kim Loan, thốt nối sệt Palmania, tương hột Thanh Hồ…

Với những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội LHPN các cấp đã giúp hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Hạnh Châu
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39984651