Truy cập hiện tại

Đang có 53 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 - Hòa để Tiến

(TGAG)- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở nước ta giành thắng lợi đã mở ra một thời đại mới. Nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. “Nước Việt Nam từ trong máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa” bị các thế lực thù địch điên cuồng chống lại. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy nguy cơ xảy ra chiến tranh là không tránh khỏi và làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh để nhân dân ta có thời gian chuẩn bị là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với nước ta. Do đó, ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ với nội dung chính là: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng nằm trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp. Nước Pháp thừa nhận việc thống nhất ba kỳ do nhân dân Việt Nam trực tiếp quyết định. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thỏa thuận để cho 15.000 quân Pháp ra miền Bắc để thay thế nhiệm vụ của quân Tưởng. Quân Pháp sẽ hoàn tất việc rút quân trong vòng 5 năm. Hai bên ngừng xung đột, giữ nguyên quân đội tại vị trí cũ. Tiếp tục mở các cuộc điều đình thương lượng về các vấn đề ngoại giao của Việt Nam, tương lai của Đông Dương, những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam.

Hiệp định được ký kết dựa trên sự phân tích âm mưu, hành động của từng kẻ thù. Sau Cách mạng Tháng Tám, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tràn vào, đóng giữ hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn. Quân Tưởng thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền nhân dân và lập ra chính quyền tay sai. Theo gót quân đội Tưởng còn có các tổ chức, đảng phái phản động: Việt Quốc, Việt Cách. Chúng hành động chống phá chính quyền cách mạng và lập ra chính quyền phản động ở một số địa phương. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, quân đội Anh che chở và giúp đỡ quân đội Pháp trở lại Đông Dương, tạo thuận lợi cho Pháp tái chiếm miền Nam Việt Nam. Ngày 23/9/1945, quân Pháp đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần nữa.

Trong hoàn cảnh phải đối phó với cuộc xâm lược của thực dân Pháp ở miền Nam, sự uy hiếp lật đổ chính quyền của quân Tưởng và tay sai ở miền Bắc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng” và để tập trung lực lượng đánh Pháp trở lại xâm lược, ta đã chủ trương tạm thời hòa hoãn, tránh xung đột với Tưởng, đồng ý cho bọn tay sai của Tưởng 70 ghế trong Quốc hội và 4 ghế bộ trưởng trong Chính phủ liên hiệp. Đồng thời, nhân nhượng cho Tưởng một số quyền lợi kinh tế như cung cấp một phần lương thực, thực phẩm, phương tiện giao thông vận tải, nhận tiêu tiền “quan kim” và “quốc tệ”.

Tuy nhiên, ngày 28/02/1946, Đại sứ Pháp và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Tưởng Giới Thạch lại ký Hiệp ước Trùng Khánh. Theo Hiệp ước, Pháp nhường cho Tưởng một số quyền lợi về kinh tế, chính trị, như hủy bỏ cai trị của Pháp trên đất Trung Quốc, nhượng cho Tưởng một “khu đặc biệt” để tự do buôn bán và có quyền kiểm soát thuế quan ở cảng Hải Phòng, bán cho Tưởng một đoạn đường sắt từ Hồ Kiều đến Côn Minh (thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Vân Nam), những kiều dân Trung Quốc ở Đông Dương được hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt. Tưởng cho quân đội Pháp thay thế quân đội Tưởng chiếm đóng ở phía Bắc Đông Dương, từ vĩ tuyến 16 trở ra, làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Việc thực dân Pháp và chính quyền Tưởng mặc cả, mua bán với nhau về quyền lợi đã chà đạp lên chủ quyền dân tộc Việt Nam.

Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chủ trương hòa với Pháp để đẩy 20 vạn quân Tưởng và tay sai ra khỏi nước ta bằng Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946. Bởi vì, nếu không ký Hiệp định, Pháp mang quân ra Bắc thay thế quân Tưởng sẽ gặp sự chống đối mạnh mẽ của nhân dân ta, khi xung đột xảy ra giữa ta với Pháp, quân Tưởng sẽ có lý để không rút quân khỏi Việt Nam. Ta không có thời gian để củng cố chính quyền cách mạng, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, phát triển lực lượng vũ trang, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 - Hòa để Tiến, thể hiện chí nguyện hòa bình của dân tộc, sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng sách lược phân hóa kẻ thù, lợi dụng điều khoản về thay quân của Hiệp ước Trùng Khánh để tạo thời cơ đẩy bọn quân Tưởng và tay sai ra khỏi nước ta, tránh đối đầu cùng lúc với hai kẻ thù. Hiệp định đã buộc Tưởng phải rút quân và Pháp phải dãn quân, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi hơn cho ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, như đánh giá của Tổng Bí thư Lê Duẩn: “lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp, lúc thì tạm hòa hoãn với Pháp để đuổi cổ quân Tưởng và quét sạch bọn phản động tay sai của Tưởng, dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, điều mà Đảng ta biết chắc chắn là không thể nào tránh khỏi. Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lêninnít về lợi dụng những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và về sự nhân nhượng có nguyên tắc”./.

P.LLCT&LSĐ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40461883