Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa - không thay đổi và không thể thay đổi
- Được đăng: Thứ hai, 12 Tháng 1 2015 08:07
- Lượt xem: 3587
Mặc dù Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thông báo rút giàn khoan Hải Dương 981 về Hải Nam, nhưng theo các chuyên gia, nhất là các chuyên gia quốc tế, tình hình sắp tới sẽ còn diễn biến phức tạp, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động trái luật pháp quốc tế tại vùng biển Việt Nam, tiếp tục khiêu khích, khủng bố và thăm dò trái phép ở các vùng biển khác của Việt Nam. Các ý kiến cho rằng Việt Nam cần kiên quyết ngăn chặn, nghiên cứu đưa ra nhiều phương án xử lý, chủ động bám sát và đón đầu các diễn biến thực địa để đối phó hành động ngang ngược của Trung Quốc…
Trở lại với những ngày gần đây, những vấn đề liên quan đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển trước hành động phi pháp hạ đặt trái phép giàn khoan 981 của TQ trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là một trong những nội dung lớn được nhân dân cả nước nêu trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
* Không khuất phục
Tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, Biển Đông là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm. Một quốc gia bất kỳ, không thể chọn được láng giềng. Bởi vậy, Việt Nam luôn chủ trương đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình, kể cả đấu tranh pháp lý. Dù không mong muốn chiến tranh, xung đột xảy ra nhưng Việt Nam phải chuẩn bị mọi phản ứng. Đây là việc khó khăn, ta phải kiên quyết, kiên trì, bằng nhiều biện pháp, sai một ly đi một dặm, mặt nào không tốt đều ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển đất nước.
Tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền, Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm đấu tranh bảo vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; không chấp nhận, không khuất phục bất cứ sự áp đặt, đe dọa, lệ thuộc nào; Việt Nam đã, đang và sẽ làm như vậy.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định: Việt Nam không bị động trước âm mưu muốn độc chiếm Biển Đông, chiếm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nỗi lo lắng của cử tri Đà Nẵng cũng đã được Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh chia sẻ: “Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là không để một tấc đất nào của cha ông vào tay nước khác. Nhất định chúng ta sẽ lấy lại hết những phần lãnh thổ đã bị mất và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra”.
Vấn đề đấu tranh pháp lý giải quyết tranh chấp được Thủ tướng nêu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ. Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ để Trung ương Đảng xem xét, cân nhắc thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Thường trực Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân. Theo đó, Chính phủ quyết định dành 11.500 tỷ đồng được quyết định dùng để đóng mới 32 tàu các loại cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, 4.500 tỷ đồng dành cho hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ.
Thăm, tặng quà cho ngư dân Đà Nẵng, thăm lực lượng kiểm ngư đóng tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước phát biểu: “Không đánh đổi chủ quyền quốc gia hay nhân nhượng; bằng mọi giá, chúng ta phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Không quỳ gối, run sợ trước bất kỳ sức mạnh bạo tàn nào”.
Và để đối phó mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, Việt Nam sẽ đóng những con tàu to cho lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ chủ quyền biển đảo.
* Những phản ứng quốc tế quan trọng
Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Thiếu tướng Gari Her, Phó Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ đến Việt Nam dự tham vấn Lục quân song phương Việt - Mỹ lần thứ 3. Trong cuộc gặp Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông cho hay, vừa qua Ngoại trưởng Mỹ đã chính thức tuyên bố yêu cầu TQ rút giàn khoan Hải Dương 981.
Chuyến thăm VN của Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario được báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm. Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng không có cách nào khác, các nước có chủ quyền trên Biển Đông, các nước ASEAN cần đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia của TQ, kể cả đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán quốc tế.
Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua Nghị quyết về Biển Đông. Nghị quyết mang mã số S.Res.412 tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng vùng biển và vùng trời tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương phù hợp với luật pháp quốc tế, cách giải quyết ngoại giao hòa bình về tranh chấp lãnh thổ còn tồn tại. Nghị quyết S.Res 412 đã nhận được sự bảo trợ của các Thượng nghị sĩ Mỹ như Robert Menendez, Marco Rubio, Ben Cardin, Jim Risch, John McCain và Patrick Leahy.
Nội dung của Nghị quyết S.Res.412 gồm 3 điểm cơ bản:
Thứ nhất, lên án các hành động ép buộc hoặc sử dụng vũ lực cản trở tự do của các hoạt động trong không phận quốc tế để thay đổi nguyên trạng hay gây bất ổn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ hai, hối thúc Trung Quốc kiềm chế trong việc thực hiện Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mà họ tuyên bố thiết lập trên biển Hoa Đông cũng như kiềm chế thực hiện các hành động khiêu khích tương tự tại các nơi khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ ba, kêu gọi Trung Quốc rút toàn bộ giàn khoan dầu Hải Dương 981 cùng các lực lượng hàng hải khỏi khu vực hiện tại, kiềm chế mọi hành động trên biển trái với Công ước về các quy định ngăn chặn va chạm trên biển, đồng thời, trở lại nguyên trạng ban đầu vốn có trên Biển Đông như thời điểm trước 1/5/2014.
Sau 75 ngày di chuyển và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển VN, ngày 15/7/2014, Tân Hoa xã cho biết, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thông báo, giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn tất hoạt động khoan thăm dò (trái phép) ngoài khơi ở khu vực gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và sẽ được đưa về Lăng Thủy, Hải Nam, Trung Quốc. Theo các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, tình hình sắp tới sẽ còn diễn biến phức tạp, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động trái pháp luật quốc tế tại vùng biển Việt Nam, tiếp tục khiêu khích, khủng bố, và thăm dò trái phép ở các vùng biển khác của Việt Nam. Các ý kiến cho rằng Việt Nam cần kiên quyết ngăn chặn, nghiên cứu đưa ra nhiều phương án xử lý, chủ động bám sát và đón đầu các diễn biến thực địa để đối phó hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Nguyễn Quốc Hùng