"Thế chân vạc" Mỹ - Trung - Nga
- Được đăng: Thứ tư, 21 Tháng 1 2015 09:06
- Lượt xem: 4232
(TGAG)- “Thế chân vạc” là khái niệm mới xuất hiện trong thời gian gần đây để chỉ vị thế, mối quan hệ tay ba Mỹ - Trung - Nga trong thế giới đương đại.
.
“Thế chân vạc” này có lịch sử hình thành từ khá lâu, nhưng đến đầu thế kỷ XXI, tính chất của “thế chân vạc” ngày càng thể hiện rõ hơn; các “chân” của “thế chân vạc” đều có sự vận động, biến đổi trong vị thế và khung cảnh mới. Mỗi cường quốc được ví như một “chân vạc” cạnh tranh với nhau trong sự so sánh với các cường quốc khác, cùng tác động và ảnh hưởng đến đời sống của các khu vực và toàn thế giới
.
Thực chất “thế chân vạc” là sự cạnh tranh quyết liệt giữa ba cường quốc mà nhiều chuyên gia gọi là “thân thiện bề mặt, đấu đá bên trong”. Mỗi bên đều có quan hệ với nhau, kiềm chế lẫn nhau, hợp tác với một bên để kiềm chế bên khác, tận dụng, lợi dụng lẫn nhau để bảo đảm quyền lợi quốc gia và lợi ích dân tộc, cũng như vị thế của từng bên. Theo nhiều nhà phân tích, hiện đang diễn ra “cuộc chiến” tranh hùng, cạnh tranh quyết liệt giữa “rồng Trung Quốc, đại bàng Mỹ và gấu Nga”, trong đó mỗi bên có lợi ích riêng và sức mạnh quân sự hùng hậu của mình.
* Mỹ vẫn duy trì vai trò siêu cường và ảnh hưởng lớn trong quan hệ quốc tế, tuy thế và lực có suy giảm nhất định
Năm 2010, Tổng thống Mỹ B.Obama công bố Chiến lược an ninh quốc gia, trong đó khẳng định: “Những gì xảy ra trong biên giới nước Mỹ sẽ quyết định sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở ngoài biên giới”. Mỹ thực hiện chính sách “xoay trục/tái cân bằng” sang châu Á - Thái Bình Dương; không chỉ bố trí lại lực lượng an ninh ở khu vực, mà còn liên quan đến các vấn đề chính trị, kinh tế, thương mại, trong đó có các cuộc đàm phán thỏa thuận Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Chính sách “xoay trục/tái cân bằng” không có nghĩa là Mỹ không coi trọng Trung Đông và châu Âu trên “bàn cờ” lớn, mà là để bảo đảm vai trò lãnh đạo lâu dài và chắc chắn của Mỹ trên thế giới. Mỹ phải kiểm soát được toàn bộ đại lục Âu - Á, nơi có đối thủ tiềm năng là Nga và Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu kinh tế học An-đrê Xa-phia (Bỉ), Mỹ và EU cộng lại có thể đưa ra 80% luật lệ thương mại toàn cầu trong thế kỷ XXI. Mỹ can dự ngày càng sâu vào Trung Đông, Bắc Phi, U-crai-na...; cam kết bảo vệ đồng minh châu Á trong tranh chấp biển, đảo; tăng cường quan hệ với châu Mỹ; mở rộng quan hệ đối thoại, đối tác quân sự với các nước trên thế giới, mở rộng quan hệ nhiều mặt với các nước Đông Nam Á.
* Trung Quốc ngày càng nổi lên là một “chân” hùng mạnh và khó lường
Từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã nhìn thấy rõ thời cơ để phát triển. Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2002) xác định trong vòng 20 năm tiếp theo là “đại thời cơ” để phát triển. Đến Đại hội XVIII năm 2012, một lần nữa Trung Quốc nêu rõ: Trung Quốc vẫn ở vào thời kỳ “cơ hội chiến lược quan trọng”, có nhiều không gian để phát triển. Trung Quốc đã nhanh chóng nhảy vọt thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có thể vượt Mỹ về quy mô nền kinh tế trong vài chục năm tới. Với sức mạnh đó, Trung Quốc không muốn duy trì trật tự hiện thời. Nhiều sáng kiến để liên kết trong khối BRICS và Hợp tác Thượng Hải được xem như nỗ lực nhằm cạnh tranh với các định chế quốc tế được hình thành bởi phương Tây và Mỹ. Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”, trở thành một trong hai hay ba “tâm điểm” quan trọng nhất của thế giới. Trung Quốc tập trung khai thác “sức mạnh mềm” về lịch sử, văn hóa, kinh tế, tranh thủ thời cơ trở thành cường quốc thế giới, không chấp nhận luật chơi do các nước khác áp đặt kể cả luật pháp quốc tế; mở rộng ảnh hưởng chính trị, đặc biệt là ở Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương.
* Nga phục hồi khá nhanh, có ảnh hưởng ngày càng lớn trong đời sống quốc tế, tạo nên một “chân” có nhiều tiềm năng và sức mạnh
Nga là cường quốc có nhiều ưu thế về tài nguyên thiên nhiên, công nghiệp quốc phòng. Từng là một cường quốc về quân sự, đặc biệt là về vũ khí chiến lược, cùng với sự phục hồi, phát triển kinh tế khá nhanh trong những năm gần đây, lại có nhiều lợi thế, Nga muốn khẳng định vị thế và ảnh hưởng của mình trong đời sống quốc tế; tạo ra sự cân đối (tương đối) giữa các nước lớn nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc an ninh để phát triển kinh tế; khẳng định chính sách “hướng Đông” trong thế kỷ XXI, giữ vững vị trí cường quốc trên thế giới, tham dự sâu hơn vào các công việc quốc tế. Nga là nguồn cung cấp dầu hỏa và khí đốt hàng đầu đến Trung Quốc, châu Âu và cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga cũng không ngần ngại sử dụng khí đốt như là “con bài chiến lược” khi cần thiết. Nga đẩy mạnh hợp tác, đối thoại quân sự với các nước, chú trọng các nước có quan hệ truyền thống. Tăng cường hợp tác đối tác chiến lược với Trung Quốc; thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ với Ấn Độ; tiếp tục quan hệ chặt chẽ với Trung Đông; xác định Việt Nam là đối tác “đặc biệt quan trọng”.
Tóm lại, sự vận động của các quan hệ quốc tế cũng như chính sách đối ngoại, bảo vệ độc lập chủ quyền của các quốc gia dân tộc trên thế giới hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào sự vận động, tác động của “thế chân vạc” giữa ba cường quốc này. Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn chính sách đối ngoại của các nước đang phát triển trở nên rất khó khăn bởi sự phức tạp và tính chất nước lớn rất khó lường của các “chân” trong “thế chân vạc” hiện nay. Lựa chọn đứng ở đâu trong cuộc cạnh tranh tay ba Mỹ - Nga - Trung là vấn đề thực sự không dễ dàng đối với mỗi quốc gia.
Phòng TTCTTG (tổng hợp)