Truy cập hiện tại

Đang có 92 khách và không thành viên đang online

Giáo dục đạo đức tại Nhật Bản từ thời Minh Trị đến nay

(TGAG)- Vào cuối thời Mạc phủ (1853-1867), đất nước Nhật Bản sau một thời gian dài bế quan tỏa cảng đã thực sự thức tỉnh dưới áp lực của các nước đế quốc phương Tây. Dưới thời Mạc phủ quyền lực chính trị thuộc về giới võ sĩ và triều đình chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Nhận thức được nguy cơ mất nước, lực lượng võ sĩ bậc thấp cùng các trí thức Tây học của Nhật Bản đã liên kết với thế lực quý tộc ủng hộ Thiên hoàng tiến hành đảo Mạc, chủ động học tập phương Tây để phát triển. Bước vào thời Minh Trị (1868-1912), xã hội Nhật Bản chuyển biến sâu sắc từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản cận đại, điều này làm nảy sinh một sự bất an, hỗn loạn về mặt tinh thần trong dân chúng. Thêm vào đó, giai đoạn này nền kinh tế suy thoái, hạn hán, bão lụt liên tiếp xảy ra, nhiều nơi mà đặc biệt là vùng nông thôn lâm vào cảnh nghèo đói, ngay cả trẻ em cũng phải làm việc mới có cái ăn. Cả nước Nhật Bản lúc bấy giờ phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn, thách thức, vừa phải phục hồi nền kinh tế, phát triển nhanh để tránh nguy cơ bị biến thành thuộc địa, vừa phải bảo tồn được bản sắc văn hóa của dân tộc.

Đứng trước tình hình đó, Chính phủ Minh Trị đã dựa vào tầng lớp trí thức mới tiến hành cải cách mạnh mẽ nhằm nhanh chóng cận đại hóa đất nước theo mô hình phương Tây. Giáo dục Nhật Bản cận - hiện đại được bắt đầu từ thời Minh Trị (1868-1912), mà cụ thể là chế độ giáo dục “Học chế” được ban hành vào năm 1872, được thay bằng “Pháp lệnh giáo dục” vào năm 1879, rồi “Pháp lệnh cải cách giáo dục” năm 1880 và “Pháp lệnh trường học” năm 1886. Nền giáo dục Nhật Bản trong 10 năm đầu thời Minh Trị đã du nhập mạnh mẽ các trào lưu tư tưởng cùng thành tựu khoa học kỹ thuật phương Tây nhằm đạt cho được mục tiêu “phú quốc cường binh”. Tuy nhiên, cụm từ “triết lý giáo dục” chưa xuất hiện trong các văn bản pháp luật liên quan tới giáo dục ở giai đoạn này. Có thể nói giáo dục Nhật Bản trước 1945 chịu sự chi phối của triết lý được thể hiện trong “Sắc chỉ giáo dục” do Thiên hoàng Minh Trị ban hành năm 1890 với những nội dung đạo đức mang màu sắc Nho giáo, chú trọng sự tu thân và sự tiếp nối văn hóa truyền thống. Cụ thể là những điều sau:

1.    Hiếu thảo với cha mẹ;
2.    Hòa thuận với anh chị em;
3.    Giữ gìn hòa khí với vợ chồng;
4.    Tin tưởng bạn bè;
5.    Khiêm tốn trong hành động và lời nói;
6.    Bác ái, yêu thương tất cả mọi người;
7.    Nỗ lực học tập để có nghề nghiệp trong tay;
8.    Bồi dưỡng tri thức, phát triển tài năng;
9.    Nuôi dưỡng đạo đức, nâng cao nhân cách;
10.  Dốc lòng phục vụ cộng đồng;
11.  Tuân thủ luật pháp và các quy định để duy trì trật tự xã hội;
12.  Dũng cảm và tận tụy bảo vệ tổ quốc.

Nhìn chung sắc chỉ giáo dục này là sự cụ thể hóa triết lý giáo dục hiện đại theo tư tưởng canh tân của tầng lớp trí thức mới ở Nhật Bản, nhằm giáo dục và đào tạo nên những “thần dân trung quân ái quốc” hết lòng phụng sự Thiên Hoàng bên cạnh việc nuôi dưỡng những đặc tính tốt đẹp của con người theo quan niệm Nho giáo.

Tuy nhiên, “sắc chỉ giáo dục” bị quy kết là nguyên nhân hình thành nên những người Nhật Bản sẵn sàng liều mình vì Thiên hoàng và tiếp tay cho chủ nghĩa phát xít trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ 2. Chính vì vậy, sau ngày 15/8/1945, đặt dưới sự chiếm đóng của quân đội Đồng minh (GHQ), Nhật Bản bị buộc phải tiến hành một cuộc cải cách toàn diện nhằm dân chủ hóa và phi quân sự hóa đất nước, cuộc cải cách được tiến hành trên nhiều mặt mà trước hết là thay đổi về triết lý giáo dục.

Triết lý giáo dục của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 được xác định bởi “Hiến pháp nước Nhật Bản” có hiệu lực từ ngày 03 tháng 5 năm 1947 (năm Showa thứ 22) và “Luật giáo dục cơ bản” được ban hành vào tháng 3 cùng năm. Đó không phải là kiểu “Sắc lệnh chủ nghĩa” đứng dưới danh nghĩa Thiên Hoàng như thời trước chiến tranh mà là “pháp quyền chủ nghĩa” thông qua thảo luận giữa các đại biểu quốc hội do quốc dân bầu ra và dựa trên nền tảng luật pháp để tạo ra nền tảng giáo dục quốc dân. Giáo dục nghĩa vụ 9 năm gồm 6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở được thực thi, nam nữ học chung. Trong cuộc cải cách này, từ tiểu học, trung học cơ sở tới trung học phổ thông, với tư cách là môn giáo khoa giáo dục nên những công dân của xã hội dân chủ trong vai trò là người nắm giữ chủ quyền quốc dân, môn Xã hội đã ra đời. Triết lý của nền giáo dục mới, nền giáo dục mà sau này người Nhật quen gọi là giáo dục dân chủ, được xây dựng dựa trên sự phản tỉnh sâu sắc về nền giáo dục trước chiến tranh và tiếp thu tinh hoa giáo dục Mỹ. Mục tiêu giáo dục giờ đây không phải là đào tạo nên những “thần dân trung quân ái quốc” mà là CÔNG DÂN có đủ tri thức, phẩm chất, năng lực phù hợp với xã hội hòa bình, dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Triết lý giáo dục này được ghi rõ trong các bộ luật về giáo dục được công bố trong năm 1947 như: Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục trường học...

Trong Luật giáo dục cơ bản được Quốc hội Nhật Bản ban hành lần đầu năm 1947 và sửa đổi năm 2006, chương I phần mục đích và triết lý giáo dục có nêu rõ mục đích của giáo dục là “nhằm hoàn thiện nhân cách con người và giáo dục nên quốc dân khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời có đầy đủ phẩm chất cần thiết với tư cách là người làm chủ xã hội - quốc gia hòa bình và dân chủ”.

Mục tiêu giáo dục là: (1) Trang bị văn hóa và tri thức rộng rãi, giáo dục thái độ truy tìm chân lý, nuôi dưỡng đạo đức và tình cảm phong phú đồng thời rèn luyện thân thể khỏe mạnh. (2) Tôn trọng giá trị cá nhân, mở rộng năng lực cá nhân, nuôi dưỡng tính sáng tạo và tinh thần tự lập, tự chủ, đồng thời coi trọng mối quan hệ với nghề nghiệp và cuộc sống, giáo dục thái độ tôn trọng lao động. (3) Tôn trọng chính nghĩa và trách nhiệm, bình đẳng nam nữ, tôn kính và hợp tác lẫn nhau đồng thời giáo dục thái độ tham gia vào xây dựng xã hội, đóng góp cho sự phát triển của xã hội dựa trên tinh thần công cộng. (4) Có thái độ tôn trọng sinh mệnh, coi trọng tự nhiên và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường. (5) Có thái độ tôn trọng truyền thông và văn hóa, yêu mến quê hương và đất nước chúng ta nơi đã nuôi dưỡng những thứ ấy đồng thời giáo dục thái độ tôn trọng nước khác, đóng góp vào hòa bình và sự phát triển của cộng đồng quốc tể.

Tuy có thay đổi về nội dung, giáo dục đạo đức là một nội dung quan trọng trong các văn bản liên quan cho đến tận ngày nay. Chính vì vậy, tầm quan trọng của giáo dục đạo đức tại Nhật Bản được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao. F. N. Kerlinger (1951) nhận định giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị vận hành theo triết lý “Shushin (tu thân)” và triết lý này vẫn còn ảnh hưởng cho đến giai đoạn sau chiến tranh. Theo Kerlinger tu thân chính là luân thường đạo đức hay những tiêu chuẩn về đạo đức v.v… tu thân chính là trọng tâm của chương trình giáo dục tại Nhật Bản, và cũng là trọng tâm trong cuộc sống người Nhật Bản. Bassey Ubong (2011) cho rằng: “Đạo đức còn có nghĩa là ý thức tuân thủ kỷ luật phản ánh qua quan niệm xem giáo dục là con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính vì vậy mà thanh niên tích cực học tập, tuân theo các chuẩn mực về tôn trọng mọi người xung quanh và nhờ vậy giảm tỉ lệ thất nghiệp, mọi người đều tốt nghiệp và có việc làm”.

Nước Nhật đã và đang thực hiện một chương trình giáo dục đạo đức với mục đích lưu truyền những đặc tính tốt đẹp của dân tộc cho các thế hệ sau. Giáo dục đạo đức tuy không đưa thành một môn học cụ thể nhưng bao gồm trong toàn bộ chương trình giáo dục tại Nhật Bản. Chương trình được triển khai từ lớp 1 đến lớp 9 được phân ra làm 4 nhóm liên hệ từ gần đến xa: Nhóm 1 - liên quan đến bản thân; Nhóm 2 - liên quan đến người khác; Nhóm 3 - liên quan với nhóm, xã hội; Nhóm 4 - liên hệ với tự nhiên và siêu nhiên.

Mỗi nhóm gồm nội dung kiến thức nâng cao dần, từ dễ đến khó, trình độ học sinh từ thấp (lớp 1-2) đến cao (lớp 7-9). Ví dụ 1: Nhóm Liên quan đến bản thân - Kiến thức lớp 1 - 2 là “Sự cần cù, chăm chỉ”; lớp 7 - 9 là “Yêu quý sự thật”. Ví dụ 2: Nhóm liên hệ với nhóm xã hội, ở lớp 1 - 2 là “Thương yêu kính trọng cha, mẹ, ông, bà”, lớp 7 - 9 là “Kính trọng và yêu quý người nước ngoài”...

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa vai trò của giáo dục đạo đức đối với công dân, Nhật Bản hiện đang dần hoàn chỉnh hệ thống sách giáo khoa và ngày càng chú trọng hơn đến giáo dục đạo đức tại nhà trường. Hiện nay, tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập, mỗi tuần có một giờ đạo đức, tuy nhiên từ trước đến nay Nhật Bản chưa có sách giáo khoa đạo đức mà chỉ sử dụng tài liệu tham khảo hỗ trợ. Trong kế hoạch hiện tại Nhật Bản đã xây dựng xong bộ sách giáo khoa về giáo dục đạo đức và đưa vào giảng dạy từ năm 2017 đối với bậc tiểu học, từ năm 2018 đối với bậc trung học cơ sở. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn về vị trí của môn đạo đức trong giáo dục tại Nhật Bản./.

P.TTCTTG
(Nguồn: BTGTW)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40615640