Truy cập hiện tại

Đang có 88 khách và không thành viên đang online

Công đoàn Việt Nam - Công đoàn An Giang: lịch sử hình thành và hoạt động

(TGAG)- Công đoàn Việt Nam (CĐVN) tiền thân là tổ chức Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thành lập cách đây 88 năm (28/7/1929 - 28/7/2017). Sự ra đời của Công hội Đỏ Bắc Kỳ là kết quả tất yếu của phong trào công nhân, là thắng lợi của đường lối công vận của Đảng ta, đáp ứng yêu cầu bức thiết của phong trào công nhân đang phát triển mạnh mẽ, đánh dấu sự trưởng thành về mặt tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ đây, CĐVN đã từng bước khẳng định được vị thế của một tổ chức công đoàn cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân, luôn phấn đấu vì lợi ích của người lao động.

Trước năm 1945, bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân Việt Nam nói chung, trong đó có người công nhân phải sống trong cảnh đất nước lầm than, mất quyền độc lập, tự do, họ phải chịu nhiều tầng áp bức bóc lột. Thời kỳ này, Công đoàn đã chủ động tuyên truyền, giác ngộ, vận động, tập hợp công nhân, lao động, đấu tranh với thực dân, phong kiến nhằm đòi lại quyền lợi cho công nhân, lao động; tổ chức đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giành chính quyền về tay nhân dân.

Thời kỳ 1945 - 1954, do yêu cầu của cách mạng Việt Nam, hoạt động của công đoàn thời kỳ này chủ yếu tập trung huy động công nhân, viên chức tham gia kháng chiến, phát động thi đua đẩy mạnh sản xuất ở vùng tự do, phục vụ các chiến dịch; tổ chức các phong trào đấu tranh đòi tăng lương, chống sa thải, phản đối chủ bớt tiền công ở vùng tạm chiếm.

Thời kỳ 1954 - 1975, CĐVN đã tổ chức các phong trào công nhân viên chức, lao động ra sức thi đua, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, huy động sức người, sức của cho miền Nam. Ở miền Nam, tổ chức Công đoàn cách mạng được củng cố và phát triển, đoàn kết cùng công nhân, lao động chiến đấu; các phong trào đấu tranh đòi công ăn, việc làm, tăng lương, chống sa thải, chống tăng thuế, bóc lột, vơ vét, đòi bảo đảm tự do dân sinh, dân chủ, chống khủng bố, đàn áp được Liên hiệp Giải phóng miền Nam duy trì, tổ chức thường xuyên, liên tục.

Thời kỳ 1975 - 1985, đất nước thống nhất, cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Mặc dù Công đoàn đã có nhiều cố gắng trong việc tích cực tham gia phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đời sống của công nhân, viên chức thời kỳ này còn nhiều khó khăn, nhu cầu về vật chất và tinh thần chưa được đáp ứng.

Thời kỳ 1986 đến nay, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, vị trí Công đoàn trong đời sống xã hội ngày càng được quan tâm. Đặc biệt, Công đoàn là tổ chức đại diện duy nhất cho người lao động trong quan hệ lao động; thực hiện chức năng lấy chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh làm trung tâm; CĐVN phát động các phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, đạt được hiệu quả thiết thực. Các hoạt động xã hội được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức thường xuyên, sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, các cấp công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu, đóng góp chủ yếu trong các cuộc vận động xã hội, nhân đạo, từ thiện.

Với phương châm “hướng về cơ sở, vì người lao động”, trong quá trình đổi mới, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong các vấn đề lương, thưởng, nội quy lao động, tổ chức đối thoại về vấn đề quyền, nghĩa vụ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Doanh nghiệp - Người lao động - Nhà nước, tham gia với Chính phủ trong việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi, nhu cầu cuộc sống cho người lao động...

Ở An Giang, tháng 4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập tại Long Điền (Chợ Mới), từ đây tổ chức Công hội ở An Giang được củng cố, phát triển về mọi mặt, góp phần cùng quân - dân An Giang đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng quê hương thông qua các cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Đến nay, cùng với sự lãnh đạo của Đảng, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Công đoàn An Giang đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm đáp ứng sự phát triển không ngừng của phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Trong đó, tập trung thể hiện vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động. Cụ thể, Công đoàn An Giang luôn đẩy mạnh công tác xã hội hóa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động với số tiền vận động mỗi năm trên 20 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà cho hàng chục ngàn CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn; xét cất mới 200 căn, sửa chữa 70 căn nhà Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, cất 33 căn nhà tập thể giáo viên vùng sâu (từ năm 2007 đến nay Quỹ Mái ấm Công đoàn vận động 67 tỷ đồng, chi cất mới 1.300 căn, sửa chữa 360 căn); khám, cấp thuốc miễn phí trên 10.000 lao động. Tích cực phát động các phong trào thi đua yêu nước, mỗi năm có 1.200 sáng kiến, cải tiến của CNVCLĐ được áp dụng góp phần làm lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên chục tỷ đồng (năm 2013 - 2017 biểu dương 434 công nhân, lao động giỏi). Triển khai sâu rộng phong trào Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong CNVCLĐ kết hợp công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước với hàng chục ngàn CNVCLĐ tham gia. Phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện các chính sách pháp luật cho người lao động, cải thiện chất lượng bữa ăn ca, điều kiện làm việc... giúp người lao động an tâm công tác, ổn định cuộc sống.

Với những đóng góp to lớn của mình, Công đoàn An Giang đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều Cờ thi đua của Chính phủ, Tổng Liên đoàn và Ủy ban nhân dân tỉnh.
PHAN THỊ DIỄM
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40513936