Truy cập hiện tại

Đang có 19 khách và không thành viên đang online

An Phú thực hiện tốt chính sách tôn giáo

(TUAG)- Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Theo thống kê chưa đầy đủ cho thấy Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo (trong hàng nghìn tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu). Suốt chiều dài lịch sử của đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Việt Nam.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hằng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa - thể thao và ngành nghề. Riêng trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự…


Bí thư Huyện ủy An Phú Quách Tố Giang thăm, tặng quà bà con dân tộc Chăm nhân dịp đón Tết Roya Haji

Thực tế cho thấy, các tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn huyện An Phú nói riêng đều mang những nét đặc trưng riêng nhưng có một điểm chung đó là hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ và có sự dung hợp, đan xen, hòa đồng với truyền thống, văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Qua đó, tạo nên một đất nước đa sắc màu tôn giáo, cũng chính vì thế có đánh giá cho rằng, Việt Nam như “bảo tàng tôn giáo” của thế giới.

Ở huyện An Phú hiện nay, đa số bà con theo đạo Phật, đạo Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Công giáo...và đặc biệt có một tôn giáo gắn với dân tộc là đạo Hồi của người dân tộc Chăm. Trong thời gian qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về tôn giáo, các tôn giáo trên địa bàn huyện An Phú sống đúng theo Phương châm "Tốt đời, đẹp đạo", "Đạo pháp và dân tộc", "Sống phúc âm trong lòng dân tộc"....vừa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, giáo lý của tôn giáo, vừa đoàn kết, tương trợ nhau, tích cực lao động, sản xuất, khuyên bảo con cháu làm điều lành, lánh xa điều ác và cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng quê hương An Phú ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.


Bí thư Huyện ủy An Phú Quách Tố Giang thăm, tặng quà tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nhân dịp Đản sinh Đức Huỳnh Giáo chủ

Quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, coi “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”; trong những năm qua, Huyện ủy An Phú luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp về công tác tôn giáo, liên quan đến đời sống mọi mặt cho đồng bào các tôn giáo đạt được nhiều kết quả quan trọng.


Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trang Công Cường tặng quà cho chức sắc Thánh đường dân tộc Chăm

Huyện ủy và các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp chính quyền huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất của vùng đồng bào tôn giáo; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo điều kiện để tín đồ tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào tôn giáo với cấp ủy, chính quyền, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân.

Cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì tốt mối quan hệ thường xuyên với các tổ chức, chức sắc, chức việc các tôn giáo. Quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo đúng hiến chương, điều lệ và quy định của pháp luật. Nhân các ngày lễ trọng của các tôn giáo như: Lễ Phật đản, Vu lan, Giáng sinh, Ngày khai sáng các tôn giáo, Ngày Đản sanh Đức Huỳnh giáo chủ... và dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các cấp ủy, chính quyền đều tổ chức các đoàn công tác đến chúc mừng, gặp mặt lãnh đạo các tổ chức, chức sắc, chức việc các tôn giáo để động viên, tranh thủ các chức sắc, chức việc, người có uy tín, đồng bào có đạo tích cực chung tay cùng cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.


Bí thư Huyện ủy An Phú Quách Tố Giang thăm, tặng quà nhân dịp Giáng sinh

Tuy trong thời gian qua ở huyện An Phú chưa xuất hiện những tà đạo, tạp đạo nhưng ở nước ta trong thời gian gần đây xuất hiện một số loại hình tín ngưỡng, tôn giáo pha tạp những yếu tố mê tín dị đoan như: Hội Thánh đức Chúa trời mẹ, đạo bà Điền, đạo Dừa… Có những hiện tượng tôn giáo mới nhưng mang đậm chất tà đạo, tạp đạo như “Thanh Hải vô thượng sư”, “tà đạo Hà Mòn”, “Bà Cô Dợ”, “Tin Lành Đề Ga”, “Dương Văn Mình”, tà giáo Thiên triều Nam quốc… Những hiện tượng, tín ngưỡng tôn giáo này đều có một điểm chung là không được Nhà nước ta công nhận tư cách pháp nhân hoặc buộc phải chấm dứt hoạt động do được lập ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Những hệ lụy của các loại tà đạo, tạp đạo rõ ràng đang ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, đời sống của người dân. Đặc biệt, có một thực tế nguy hại khi trong số những người tin theo thần linh, đi theo tà đạo, tạp đạo ngoài bộ phận quần chúng có đời sống khó khăn, nhận thức hạn chế thì có cả người có học thức, có hiểu biết nhưng vẫn tin và làm theo những chỉ dẫn hoang đường, tin theo lời nói của những người tự nhận mình có “khả năng tâm linh”! Thực tế đó không thể phù hợp trong một xã hội mà chúng ta đang xây dựng - xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chính vì vậy, việc nhận diện đúng đắn những loại hình tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố mê tín dị đoan, các tà đạo, tạp đạo nêu trên sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân. Qua đó, giúp chúng ta hiểu rõ đâu là chính đạo, đâu là tà đạo, nắm được tác hại của các tà đạo, tạp đạo đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân và những ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội. Từ đó, hình thành tính tự giác trong công tác phòng ngừa, tham gia đấu tranh ngăn ngừa hoạt động của các tà đạo.  Đây cũng là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ nhân dân, tạo thế trận lòng dân trong việc tẩy chay các hiện tượng tà đạo, tạp đạo; xử lý nghiêm số đối tượng cầm đầu, cốt cán lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng Nhân dân ngay tại cơ sở, tuyên truyền vận động người dân tuân thủ theo pháp luật, bảo đảm đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn, lành mạnh./.

Nguyễn Văn On
Ban Tuyên giáo Huyện ủy An Phú.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40423692