Truy cập hiện tại

Đang có 393 khách và không thành viên đang online

Cựu chiến binh Huỳnh Trí: Còn sống là còn đi tìm đồng đội

(TGAG)- "Mình còn sống đến nay là hạnh phúc hơn trăm, vạn lần vong hồn đồng đội, nên tôi sẽ vẫn còn đi, đi cho đến hết cuộc đời mình khi còn có thể. Tâm nguyện trong tôi là chỉ mong tìm được anh em đồng chí, đưa họ về với quê hương gia đình được người nào thì mừng người đó. Hàng ngàn đồng đồng đội vẫn còn “mồ xiêu mã lạc” khắp nơi trên chiến trường xưa, đây là điều luôn làm tôi ngày đêm trăn trở, và nhiều lúc thấy thắt lòng khi nghĩ đến các anh" - đó là chia sẻ của cựu chiến binh Huỳnh Trí - một thương binh đã tham gia hàng trăm chuyến hành trình đưa những đồng đội đã hy sinh trở về với gia đình.
 

Về xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang vào những ngày tháng 7, chúng tôi tìm gặp thương binh Huỳnh Trí (Hai Trí) qua lời giới thiệu của cán bộ, chiến sỹ Đội K93-Đội chuyên trách trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang.

Nghĩa tình của người lính

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, người chiến binh năm nào của Đoàn 9905, Mặt trận 779 (mặt trận Đông và Đông Bắc Campuchia) vẫn trên môi một nụ cười đậm chất lính. Trên bàn, những bộ hồ sơ liệt sĩ, danh sách đồng đội, đồng chí đã hy sinh cùng những cuốn sổ tay do chính ông ghi chép những thông tin về mộ liệt sĩ còn chưa tìm được trên địa bàn tỉnh An Giang và ở nước bạn Campuchia chính là hành trang theo ông trong suốt 19 năm đi tìm đồng đội.

Năm 1962, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Trí gia nhập đội thanh niên du kích của xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang) - xã lõi của vùng căn cứ cách mạng B1-Lò Gò, tới năm 1969, chuyển qua Đại đội 19, Tiểu đoàn Bộ binh 512-Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, sống chiến đấu trên các chiến trường ác liệt như: Lò Gò-B1, Núi Tượng Lăng, Đồi Tức Dụp, núi Ô Tà Sóc,… của tỉnh An Giang.

Chiến tranh Biên giới Tây nam xẩy ra, ông cùng với đồng đội tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ Quốc tế-giúp nước bạn Campuchia. Đến năm 1988, chiến tranh kết thúc, ông được điều động về làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang.

Hòa bình lập lại, trong khi ông và nhiều người may mắn còn sống trở về, thì biết bao đồng đội đã mãi mãi nằm lại khắp các chiến trường là điều luôn khiến ông trăn trở. Không biết đến bao giờ thì các đồng đội mới được trở về, an nằm trong lòng đất mẹ. Đến năm 1999, ông xin nghĩ hưu vì lý do sức khỏe và bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội cho đến nay.

Trong khi chờ quyết định nghĩ hưu, từ năm 1999 đến năm 2000, ông Huỳnh Trí đã âm thầm đi tìm đồng đội và đã tìm được 145 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có 15 bộ hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia, số còn lại được tìm thấy trên địa bàn tỉnh An Giang.

Quảng thời gian 2 năm một mình tự đi tìm đồng đội và 17 năm tham gia cùng Đội K93 (Đội chuyên trách trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) và Đội K90 (Đội chuyên trách trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 9), khắp các địa danh ở Campuchia như: Takeo, Kandal, Kampot, Kampong Speu, Koh Kong... đều in dấu chân ông với tư cách là người cố vấn.

Việc đi tìm mộ liệt sĩ đối với ông Hai Trí như công việc thường ngày và đạo lý tự nhiên con người. Trong hành trình đi tìm đồng đội bản thân ông và các anh em trong đội gặp không ít gian nguy; có đợt đi làm từ cơn bão số 1 đến cơn bão số 5, hơn 1 tháng đi làm không có một ngày khô áo; có đêm nước lũ cuốn sập lều, tất cả đều bị bỏ lai phía sau vì nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả là tìm hài cốt đồng đội.

Ông Hai Trí nhớ lai, một lần tìm 2 hài cốt liệt sĩ ở khu vực xã An Cư, huyện Tịnh Biên, lúc đào tới lớp đất cuối gần hài cốt liệt sĩ, đột nhiên len (xẻng) của ông va phải một vật lạ; ông liền bảo mọi người tản ra, một mình ông dùng tay đào và moi đất xung quang ra và phát hiện một trái mìn Ríp được cài ngay trong thân của liệt sĩ bộ đội mình; quá bất ngờ, giờ mà kích nổ thì hài cốt đồng đội mình lại “đau” thêm một lần nữa, nên ông nhẹ nhàng di chuyển quả mìn Rip ra khỏi bộ hài cốt và chuyển cho đơn vị quân khí để tiến hành phá hủy.

Sau đó ông biết được, lúc hai đồng chí này hy sinh, địch sợ quân ta “cướp xác” đã cài sẵn quả mìn Ríp vào trong thi thể của chiến sĩ ta; lâu ngày, đất, cát đã chèn, lấp kíp nổ của quả mìn Ríp lại, nhờ vậy mà hôm đó ông và các chiến sĩ trong đội được an toàn.

Rồi còn một lần nữa, trên đất địa phận tỉnh Kon Kong (Campuachi), ông hai Trí và các chiến sĩ trong đội K93 gặp phải 2 đầu đạn M79 (chưa nổ) ghim trong đầu và ngực liệt sĩ; sau đó cả hai đầu đạn M79 đều được chính tay ông xử lý an toàn. Ông Hai Trí chia sẽ, cái gian nguy của mình có đến đâu đi nữa, cũng không thể nào so sánh với sự hy sinh của các anh hùn liệt sĩ; nó càng gian nguy ông càng quyết tâm đi tìm đồng đội.

Còn sống là còn đi…

Ông Hai Trí cho biết, đi tìm hài cốt đồng đội trong nước đã khó, ở trên đất bạn Campuchia còn khó hơn cả trăm lần; bởi chiến tranh kết thúc, địa hình địa vật thay đổi; dân cư xáo trộn; tiếng nói, phong tục, tập quán cũng khác,... nên tất cả phải học từ chính bà con người Campuchia và làm quen với phong tục tập quán của họ.
 

Nhớ lại một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình đi tìm mộ liệt sĩ trên đất bạn Capuchia, ông Hai Trí cho kể, trong một lần sang địa bàn huyện Koh Thom, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia thu thập tin tức về mộ liệt sĩ, ông và các chiến sĩ Đội K93 đã xác định được vị trí mộ, nhưng rủi thay lại nằm ngay trong nhà máy xay lúa của người Hoa. Anh em phải kiên trì năn nỉ gần cả tháng họ mới cho đào tìm mộ.

Sau khi bốc được 2 bộ hài cốt, cả đoàn phải xây trả lại nền nhà y như cũ. “Công việc đi tìm mộ liệt sĩ cực kỳ khó khăn, vất vả. Một chuyến đi kéo dài vài tháng, có khi cả năm trời là chuyện thường. Nhưng nếu nản lòng, kể như mình đã “bỏ” anh em lại trên đất bạn, trong khi ở quê, thân nhân liệt sĩ ngày đêm mong tin”, ông Hai Trí chia sẻ.

Theo Đại tá Phạm Quang Trung, Đội trưởng Đội K93, chính sự chân thật, nhiệt tâm của anh Hai Trí đã được chính quyền lẫn người dân nước bạn Campuchia tin tưởng và ủng hộ. Anh Hai Trí luôn nhắc nhở anh em trong đội K93 luôn phải làm tốt công tác dân vận, nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong quan hệ, ứng xử với chính quyền sở tại và người dân trong các phum, sóc.

Nhiều năm qua, anh Hai Trí giúp Đội thu thập thông tin, xử lý các nguồn tin do người dân Campuachia cung cấp về địa chỉ mộ, tiến hành phân tích địa hình, địa vật và khảo sát. sau đó, đề xuất chỉ huy cho anh em đi đào bới, đỡ vất vả.

Đại tá Phạm Quang Trung cho biết, hồi chiến tranh, anh Hai Trí là người từng tham gia nhiều cuộc hành quân, trận đánh ở chiến trường Campuchia nên rất am hiểu đặc điểm địa hình nơi đây. Nhờ anh Hai Trí mà việc tìm mộ liệt sĩ của cả đội thuận lợi hơn. Trong gần 20 năm qua, anh Hai Trí và đội đã tìm được 2.533 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có 275 có tên.

Ở cái tuổi gần 70, nhưng khi nhắc tới chuyện đi tìm đồng đội thì người cựu binh bị thương tật đến 49% Hai Trí vẫn căng tràn nhiệt huyết. Với ông, công việc đi tìm hài cốt đồng đội gần 20 năm qua tuy rất vất vả, nhưng đó là trách nhiệm ông thấy mình cần phải làm cho những hy sinh, mất mát vô cùng to lớn của các đồng chí, đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt.

“Chiến tranh kết thúc, mình còn sống đến nay là hạnh phúc hơn trăm, vạn lần vong hồn đồng đội, công sức mình bỏ ra để đi tìm đồng đội, để đưa các anh về với quê hương với gia đình chỉ như hạt cát giữa sa mạc, không có đáng gì nhắc tới; được tham gia cùng đi tìm anh em đồng chí sẽ là trách nhiệm cho đến khi nào không còn sức khỏe nữa mới đành thôi”- ông Hai Trí trải lòng./.

Công Mạo






Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37040633