Truy cập hiện tại

Đang có 152 khách và không thành viên đang online

Công tác tuyên truyền

NGƯỜI VỀ TRÊN BẾN Ô MÔI

(TGAG)- Trong không khí của những ngày Tháng Tám lịch sử, cả nước nói chung, Đảng bộ và Nhân dân An Giang nói riêng hân hoan hướng về sự kiện lớn: Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người chiến sỹ cách mạng kiên trung, người bạn, người đồng chí thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ lớp đầu của phong trào công nhân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương An Giang.

Ký ức 130 năm

Bến phà Ô Môi ngày đêm không biết bao nhiêu lượt đưa đón khách qua lại. Tháng Tám, dòng nước sông Hậu đỏ quạch phù sa, vỗ vào mạn phà dào dạt, với từng cơn gió phóng túng thổi vào hành khách cũng dạt dào những dòng ký ức. Và trong đó có những dòng ký ức về chuyến đò trên bến Ô Môi đã đưa chàng trai Tôn Đức Thắng, người con của cù lao Ông Hổ ra đi làm cách mạng... Để ngày ngày, chuyến đò trên bến Ô Môi vẫn chờ đợi Người về...

Truyền thuyết kể rằng thuở khai khẩn đất cù lao, có vợ chồng người nông dân cứu được hổ con trong lúc sắp chết, đem về nuôi dưỡng. Lúc này, nơi đây còn hoang sơ lắm, dân cư thưa thớt, rừng rậm, người và hổ mến nhau. Khi người nông dân qua đời, hổ thương tiếc, suốt ngày quanh quẩn quanh ngôi mộ. Sau đó, do càng ngày dân cư càng đông lên, khai phá rừng, mất nơi trú ngụ nên hổ tản về Thất Sơn nhưng lòng luôn nhớ về chốn cũ. Mỗi năm vào ngày mất của chủ, hổ mang về nai, heo rừng... làm lễ vật và phủ phục bên mộ tạ ơn ân nhân quá cố. Nhân dân trong vùng cảm thương con vật có nghĩa, không hại hổ, lại tôn là “Ông Hổ” và lập miếu thờ. Vùng đất cồn từ đó mang tên cù lao Ông Hổ, ngày nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, An Giang.

Mảnh đất đầu sóng ngọn gió của buổi ban sơ chống chọi với sự hà khắc của thiên nhiên, hào khí của núi sông hòa quyện với chí khí của con người tạo nên cái địa linh của đất cù lao. Địa linh tất sinh nhân kiệt. Xuất thân từ gia đình trung nông, Tôn Đức Thắng đến với giai cấp công nhân, từ người yêu nước tới người cộng sản, để rồi trở thành bậc “khai quốc” - vị Chủ tịch nước được nhân dân cả nước lẫn bạn bè thế giới kính mến.


Đến Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng tôi đã vào thăm nhà Bác, ngôi nhà sàn ba gian, loại nhà đặc trưng của vùng Nam bộ, được cất từ năm 1887, một năm trước khi Bác Tôn chào đời. Sau nhà là khu vườn rộng với nhiều dừa, xoài. Cuối vườn là khu mộ của gia tộc Bác. Tiếp đến, tôi đến thắp hương tại Đền tưởng niệm Bác Tôn. Đền khởi công xây dựng vào ngày 21-5-1997 và hoàn thành vào ngày 20-8-1998. Tượng Bác nổi lên giữa trống đồng Ngọc Lũ và các họa tiết hoa văn hình hoa sen, hoa cúc, hoa mai thanh cao. Rồi tôi qua một khoảng sân rộng như quảng trường, sang thăm Phòng trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một biểu tượng sáng chói, một tấm gương đạo đức cách mạng tiêu biểu của người Cộng sản Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Tấm lòng trung thành, tinh thần dũng cảm không gì lay chuyển; ý thức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của Bác Tôn mãi mãi là một giá trị đạo đức trường tồn, nêu gương cho các thế hệ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân".

Hoa Ô Môi vẫn nở trên quê hương Người...

Mỹ Hòa Hưng hôm nay đang thay đổi từng ngày, đời sống kinh tế người dân được nâng lên, nhà cửa kiên cố, khang trang hơn, đường xá giao thông được nhựa hóa, thuận lợi cho xe cộ lưu thông. Chạy xe một vòng quanh Mỹ Hòa Hưng, chúng tôi cảm nhận được không khí lễ hội đang hiển hiện trên từng con đường, ngôi nhà và trên khuôn mặt những người dân ở nơi đây. Hình như mọi người, ai ai cũng đang hân hoan, tất bật, sửa soạn lại nhà cửa, hàng rào, vệ sinh đường sá... như khoác lên mình chiếc áo mới, tinh tươm để “đón khách” khắp nơi về với Mỹ Hòa Hưng bằng tất cả tấm lòng đầy tự hào. Bác Tám Tri, gần 70 tuổi hớn hở nói với tôi: “Mấy chục năm rồi chú ơi, cứ mỗi độ Tháng Tám là dân xứ cồn này rộn ràng ngày hội. Bởi chúng tôi biết, rất đông người sẽ đổ về đây viếng Chủ tịch Tôn Đức Thắng và tham quan xứ sở cù lao, nên nhân dân ở đây phải chuẩn bị sẵn sàng để “đón khách” cũng là một cách thể hiện tấm lòng tôn kính đối với Bác Tôn...”.

Lưu niệm tại nhà sàn thời niên thiếu của Bác Tôn

Riêng cô giáo Lê Đoàn Tuyết Hạnh, người con của Mỹ Hòa Hưng cũng đang giảng dạy tại Trường THPT Mỹ Hòa Hưng nói về quê hương mình với đầy vẻ tự hào: “Được sinh ra và lớn lên trên quê hương Bác Tôn em rất lấy làm hãnh diện và tự hào về điều này. Vì chính mảnh đất này đã nuôi dưỡng tâm hồn em và dạy cho em những bài học đầu đời về tình yêu con người, yêu đất nước”. Khi được hỏi về những dự định trong tương lai để góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc, cô Tuyết Hạnh bẽn lẽn tâm sự: “Không riêng gì em, mà tập thể sư phạm trường em xem Bác Tôn là tấm gương để học tập và cố gắng thực hiện, không ngừng bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ để thắp lên lòng nhiệt huyết cho chính học sinh của mình, thổi vào tâm hồn các em những kiến thức chuyên môn cũng như những bài học đạo đức, lối sống để các em chắp cánh bay cao bay xa trên bước đường thành công của mình...”.

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, đồng chí Đỗ Hữu Học - Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng hồ hỡi kể với chúng tôi, những công trình trọng điểm đang khẩn trương hoàn thành để chào mừng 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng: “Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Thành ủy, Đảng ủy và Nhân dân Mỹ Hòa Hưng đang thực hiện những công đoạn cuối cùng để hoàn thành những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm. Đó là đã khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Khánh An, nối liền hai ấp Mỹ An 1 và Mỹ Khánh do Ban Trị sự Trung ương PGHH tài trợ với kinh phí là 500 triệu đồng. Xây dựng 23 căn nhà đại đoàn kết trọn gói cho đối tượng nghèo không có đất với tổng kinh phí là 2,2 tỉ đồng, trong đó Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang hỗ trợ 920 triệu đồng, còn lại vận động mạnh thường quân tài trợ. Xây dựng 2 cống thoát nước là Hai Đãi và Út Na ở ấp Mỹ Thuận với tổng giá trị là 1,6 tỉ đồng do UBMTTQ tỉnh vận động hỗ trợ. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn vận động nhân dân làm đèn chiếu sáng ở hai tuyến đường Mỹ Khánh 2 và Mỹ An 2 với giá trị là 150 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa. Đặc biệt là từ bến phà Ô Môi đến Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (khoảng 1 km), hai bên đường sẽ trồng hàng cây ô môi, nhằm “tái hiện” lại hình ảnh thời niên thiếu Người học tiểu học...”. Và đồng chí Bí thư khẳng định thêm, như một lời hứa, một sự quyết tâm là Đảng ủy, Chính quyền và Nhân dân Mỹ Hòa Hưng cố gắng duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới và hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Cảm kích công đức của các bậc “tiền hiền khai cơ” bao thế hệ “hậu hiền lập nghiệp” đã dày công vun đắp, gắn sức tạo nên mảnh đất cù lao sông nước quanh năm bốn mùa xanh tươi cây trái. Chính hoàn cảnh lịch sử và cách mạng đã tạo ra nhiều thế hệ con người Mỹ Hòa Hưng nghĩa khí hào hiệp, nhân ái, luôn vượt lên số phận để làm giàu cho gia đình và làm đẹp cho quê hương. Chuyến phà Ô Môi đưa chúng tôi rời Mỹ Hòa Hưng, đứng trên phà ngoái lại nhìn quê hương Bác Tôn bao bọc bởi một màu xanh tươi mát và đầy hy vọng... Rồi đây, trên con đường đến Khu lưu niệm của Người, mỗi khi hè đến sẽ rực lên những cánh hoa Ô Môi li ti ửng hồng một góc trời, như mời gọi, như là điểm nhấn để mỗi lần du khách qua Mỹ Hòa Hưng lưu luyến khôn nguôi... Trong đầu tôi lại ngân lên giai điệu mượt mà, dìu dặt trong bài vọng cổ “Đôi mắt nhớ” của soạn giả Hà Nam Quang:

“Mùa hè ở Mỹ Hòa Hưng bông ô môi cũng nở,
Bác hướng xa đôi mắt nhớ một đời.
Đôi mắt nhớ bến Ô Môi
Đôi mắt nhớ cả đất trời An Giang
Bác Tôn là của chúng con
Bởi đôi mắt Bác nhớ thương thật đầy...”

Trần Sang
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37052659