Truy cập hiện tại

Đang có 612 khách và không thành viên đang online

Quốc hội Thông qua Nghị quyết thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 22/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc, và thảo luận về dự án Luật Thống kê (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.


Chiều 22/6, Quốc hội làm việc tại hội trường

Với 87%, số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc. Theo đó, Nghị quyết cho phép kéo dài việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

Theo Nghị quyết được thông qua, Quốc hội nhất trí cho phép người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014). Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Nghị quyết cũng giao Chính phủ hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chính sách, tổ chức tư vấn để tạo điều kiện cho người lao động được bảo lưu tham gia bảo hiểm xã hội hoặc lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật. Đến năm 2020, Chính phủ đánh giá, tổng kết chính sách, khi cần thiết báo cáo Quốc hội để xem xét, sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với thị trường lao động, điều kiện kinh tế - xã hội và mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia hệ thống an sinh xã hội. Như vậy, việc các đại biểu thống nhất chủ trương không sửa điều 60 mà ban hành Nghị quyết cho phép người lao động tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho thấy, những phản ứng từ thực tế của cử tri đã được Quốc hội lắng nghe, kịp thời sửa đổi để đảm bảo lợi ích cho người lao động.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thống kê (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, cốt lõi của Dự án Luật là đảm bảo chất lượng, số liệu thống kê. Một số đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần quan tâm nghiên cứu hoàn thiện chỉ tiêu, tiêu chí thống kê, tiếp cận thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tếp- xã hội của đất nước. Để khắc phục sự chênh lệch số liệu thống kê giữa cơ quan thống kê Trung ương và Bộ, ngành, nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm pháp lý đối với số liệu thống kê của Bộ, ngành và xem xét tính kết nối thống nhất trong quá trình phân cấp thực hiện nhằm khắc phục sự chênh lệch số liệu, nhất là chỉ tiêu GDP cả nước và GDP địa phương, chỉ tiêu việc làm mới, chỉ tiêu giảm hộ nghèo giữa bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan thống kê trong thời gian vừa qua.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng, Luật cần bổ sung nguyên tắc thông tin thống kê phải có thể so sánh được cả trong nước và nước ngoài. Việc sử dụng thông tin thống kê càng rộng rãi, công khai càng tốt. Có thể một số số liệu thống kê về quốc phòng, an ninh… cần phải bảo mật, nhưng Luật phải nêu rõ loại thông tin nào bảo mật, loại nào không

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Hà Huy Thông (đoàn Thừa Thiên – Huế) cho rằng, các nguyên tắc về hoạt động thống kê trong Luật cần bám sát các quy định của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này.

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật, Chính phủ cho rằng việc bảo đảm số liệu thống kê độc lập, khách quan trước hết phụ thuộc vào sự độc lập về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan thống kê Trung ương và của người làm công tác thống kê. Dự thảo Luật đã quy định nhiều nội dung để nâng cao tính độc lập, khách quan của số liệu thống kê.

Mặt khác, mô hình tổ chức thống kê nhà nước hiện nay hoàn toàn phù hợp với thực tế của Việt Nam, đó là mô hình kết hợp giữa tập trung (hệ thống thống kê tập trung) và phân tán (thống kê bộ, ngành). Như vậy, quy định như dự thảo (cơ quan Thống kê Trung ương của nước ta là Cơ quan Thống kê quốc gia Việt Nam trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là phù hợp với các nghị quyết và kết luận của Ban Chấp hành Trung ương./.

Nguồn: ĐCSVN
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36706461